“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc

Chương trình "Thay lời tri ân năm 2020" với chủ đề "Hạnh phúc" được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 15/11 trên kênh VTV1.

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc

Tham dự chương trình có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội; các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Nguyễn Hữu Độ, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn; cùng các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu năm 2020.

Các quý vị đại biểu tới dự Chương trình.
Các quý vị đại biểu tới dự Chương trình.

Với những câu chuyện xúc động, đầy sức lan tỏa, Thay lời tri ân đã trở thành chương trình ý nghĩa trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm. Chương trình năm nay với chủ đề "Hạnh phúc" sẽ đưa khán giả “chạm” vào những “màu hạnh phúc” giản dị, mộc mạc và đầy tính nhân văn của các thầy cô giáo.

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 2

Ê-kíp thực hiện chương trình Thay lời tri ân của Ban Khoa giáo (Đài Truyền hình Việt Nam) đã có mặt ở nhiều địa phương trên cả nước như Yên Bái, Điện Biên, Kon Tum, Tiền Giang và mới đây nhất là vùng rốn lũ Quảng Bình, để ghi lại những hình ảnh, câu chuyện đầy xúc động, truyền cảm hứng của các thầy cô.

Trong chương trình Thay lời tri ân 2020, khán giả sẽ gặp gỡ nhiều khách mời đặc biệt với những chia sẻ tâm huyết về nghề cũng như sự cống hiến của các thầy cô giáo trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.

Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất

report

Tôi thêm yêu và có động lực đi tới tận cùng nghề giáo

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 3

Thầy Nguyễn Trung Hiếu – Trường PTDTNT Bố Trạch (Bố Trạch – Quảng Bình) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự vào chương trình lớn tôn vinh, tri ân những người thầy - “Thay lời tri ân 2020” nên cảm xúc khá hồi hộp, vui mừng và xen lẫn tự hào về nghề giáo mà mình đã lựa chọn.

Thầy Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: Trước khi ra Hà Nội tham dự chuỗi sự kiện của ngành giáo dục, không ít đồng nghiệp và học sinh của tôi cũng như vui lây cùng tôi, ai gặp cũng chúc mừng. Bản thân tôi cũng nhận thấy đây là “món quà” tinh thần quý giá, ý nghĩa đối với những người thầy nhân ngày 20/11.

Thầy Hiếu bày tỏ:  Trong số 183 thầy cô giáo, cán bộ quản lý… không ít người ở vùng sâu, khó khăn, quanh năm bám trường bám lớp, bận bịu với công việc dạy học… thì chuyến đi là dịp quý để được cùng nhau chia sẻ những khó khăn, kinh nghiệm trong nghề, cùng tham dự các hoạt động của ngành. Những ngày ở Hà Nội là kỷ niệm có một không hai trong cuộc đời làm thầy giáo.

“Hằng ngày tôi đã nỗ lực, cố gắng hết sức với công việc “trồng người” nhưng sau chuyến đi này càng tiếp thêm cho tôi động lực để làm tốt hơn nữa  nhiệm vụ của mình. Hy vọng năm sau với những nỗ lực phấn đấu, tôi lại có cơ hội được tham dự vào chương trình ý nghĩa này”, thầy Hiếu chia sẻ.

Đức Trí

report

Được tham dự "Thay lời tri ân" là trải nghiệm đặc biệt

Cô Đàm Thu Oanh hạnh phúc khi được tham dự Chương trình "Thay lời tri ân".
Cô Đàm Thu Oanh hạnh phúc khi được tham dự Chương trình "Thay lời tri ân".

Đến từ Trường mầm non Cao Thắng, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cô Đàm Thu Oanh xúc động, hạnh phúc, hồi hộp khi lần đầu tiên được tham dự Chương trình “Thay lời tri ân” tại trường quay Đài Truyền hình Việt Nam. “Mọi năm chỉ được xem chương trình qua tivi, nhưng năm nay được tham dự trực tiếp, đó chắc chắn sẽ là một trải nghiệm vô cùng đặc biệt.” – cô Oanh chia sẻ.

Là một trong những giáo viên, cán bộ quản lý tiêu biểu toàn quốc năm 2020, trong khuôn khổ Chương trình “Thay lời tri ân”, cô Oanh đã được gặp mặt Chủ tịch Quốc hội và giãi bày mong mỏi của một nhà giáo công tác trong ngành giáo dục mầm non; được tham dự Chương trình tôn vinh nhà giáo tiêu biểu năm 2020 do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức. “Có lẽ, đây sẽ là một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi trong ngày Nhà giáo Việt Nam. Vinh dự này là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa, cố gắng hơn nữa trong công việc của mình” – cô Đàm Thu Oanh cho hay.

Hiếu Nguyễn (ghi)

report

Phần thưởng vô giá

25 năm đứng trên bục giảng, cô Nông Thị Viết Nhung – giáo viên Trường tiểu  học Trần Phú (Lục Yên, Yên Bái) luôn tự hào là nhà giáo. Cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đồng thời chủ động đổi mới sáng tạo trong dạy – học.

Cô Nông Thị Viết Nhung
Cô Nông Thị Viết Nhung

“Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự Chương trình thay lời tri ân. Vì thế, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào đối với tôi, mà còn là kỷ niệm đặc biệt trong nghề. Với tôi đây là phần thưởng vô giá, tôi sẽ luôn trân quý điều này và sẽ nguyện cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng đất khó” – cô Nhung xúc động nói, đồng thời gửi lời cảm ơn đến Bộ GD&ĐT, Ban tổ chức đã luôn ghi nhận, quan tâm sâu sắc đến đời sống vật chất và tinh thần của đội ngũ giáo viên. Đây là động lực để đội ngũ nhà giáo có thêm nhiều tâm huyết, sáng tạo trong dạy – học.

Minh Phong

report

Thêm sức mạnh để dạy tốt hơn

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 6

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Tuyến, GV trường THPT Ngô Văn Cấn, tỉnh Bến Tre chia sẻ: Tham dự Chương trình, tôi thấy rất vinh dự và hãnh diện, coi đây là động lực để cố gắng hơn trong công việc dạy học. Bản thân tôi khi dạy học môn Vật lý luôn tìm tòi những phương pháp mới để HS có thể vận dụng kiến thức vào thực tiễn, gắn lý thuyết với thực hành.

Có mặt tại Chương trình, tôi còn có cơ hội học hỏi thêm từ các đồng nghiệp những phương pháp dạy học mới để ứng dụng vào công việc dạy học thường ngày của mình. Chứng kiến những gương giáo viên vượt khó, những thầy cô không ngại khó vươn lên đạt thành tích cao trong dạy học, tôi thấy có thêm sức mạnh để dạy tốt hơn, đem đến cho học trò những kiến thức hữu ích…

Kiều Giang

report

Sẽ cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự mong đợi, quan tâm của toàn xã hội.

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 7

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân – Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Thành phố Nha Trang – Khánh Hòa) cho biết: Lần đầu tiên được tham dự vào chương trình truyền hình trực tiếp dành riêng cho nhà giáo ở quy mô toàn quốc, bản thân và các đồng nghiệp ở khắp mọi miền, ai cũng vui mừng, phấn khởi, hạnh phúc và tự hào với nghề giáo.

“Chuỗi sự kiện trong chuyến đi lần này có tác dụng cổ vũ động viên tinh thần rất lớn tất cả những người thầy. Và chắc chắn tôi sẽ lan tỏa giá trị tốt đẹp ý nghĩa mình thu được tới đồng nghiệp của mình khi trở về. Để mỗi đồng nghiệp của tôi thấy rằng khi người thầy hạnh phúc làm nghề sẽ tạo ra được những thế hệ học trò hạnh phúc, tạo ra sự bứt phá, đổi mới trong dạy và học, đáp ứng kỳ vọng của xã hội và người dân mong muốn về giáo dục.”- Cô Vân chia sẻ.  

Cô Vân cũng bày tỏ: Bản thân là 1 trong số 183 thầy cô giáo may mắn được tham dự chương trình. Tuy nhiên muốn nói với những đồng nghiệp đang ở nhà, theo dõi hoạt động qua tivi rằng: Những ai đã gắn bó với nghề trồng người cao quý đều xứng đáng có mặt tại đây. Chúng tôi chỉ là những đại biểu đại diện cho đồng nghiệp trên khắp các tỉnh thành cả nước. Năm sau, năm sau nữa... các thầy cô đều có cơ hội tham dự. Đảng, Nhà nước, Bộ GD&ĐT, xã hội… luôn quan tâm chu đáo đến những người thầy và như vậy, hãy cố gắng cống hiến hết sức mình để xứng đáng với hai chữ cao quý “Nhà giáo”.

Đức Trí

report

Văn nghệ chào mừng

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 8
“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 9

Bài học đầu tiên.

Sáng tác: Trương Xuân Mẫn.

Biểu diễn: Tốp ca.

report

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ: Mong thầy cô tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 10

Phát biểu trong chương trình “Thay lời tri ân”, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cùng với cả nước, ngành Giáo dục vừa trải qua một năm học “đặc biệt”. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, toàn ngành đã chủ động, linh hoạt thích ứng để hoàn thành mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học.

Khi dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, bão lũ lại tiếp tục hoành hành, gây thiệt hại lớn cho đất nước nói chung, ngành Giáo dục nói riêng, mỗi thầy cô giáo vùng lũ một lần nữa lại phải gồng mình “vừa lo chạy lũ ở nhà, vừa lo chạy lũ ở trường”. Có những thầy cô mất hết nhà cửa nhưng vẫn cố gắng để giữ cho được từng cuốn sách, tập vở cho học sinh; nỗ lực vượt qua khó khăn, thiếu thốn sau lũ để đưa học sinh sớm trở lại trường học.  

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên ngành Giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới - đây là lần đổi mới quan trọng, căn bản và toàn diện, kết quả của đổi mới sẽ tác động rất lớn tới chất lượng nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai. Trước yêu cầu mới, mỗi thầy cô giáo đều xác định rõ vai trò, trách nhiệm và đang nỗ lực tự thay đổi để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Nói về chương trình “Thay lời tri ân”, Bộ trưởng chia sẻ: Chủ đề chương trình hôm nay là “Hạnh phúc”. Mỗi câu chuyện được kể trong chương trình là những hạnh phúc bình dị khác nhau của các thầy cô giáo. “Hạnh phúc” đó có vất vả, gian truân, nhưng tựu trung lại đều được đền đáp bằng niềm vui đến trường, sự trưởng thành của học trò.

“Có mặt trong chương trình hôm nay là những thầy cô tiểu biểu, đại diện cho hàng triệu nhà giáo đang thầm lặng cống hiến trên khắp mọi miền đất nước. Qua đây, cho tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành Giáo dục bởi những cống hiến không mệt mỏi trong suốt thời gian qua. Tôi cũng mong rằng, dù còn nhiều gian khó, song các thầy cô sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho” – Bộ trưởng gửi gắm.

Hiếu Nguyễn

report

Thầy Hoàng Đức Hòa - hết lòng vì học trò miền núi

Thầy giáo Hoàng Đức Hòa.
Thầy giáo Hoàng Đức Hòa.

Thầy Hoàng Đức Hòa, sinh năm 1977, là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình). Lớn lên tại vùng quê nghèo huyện Bố Trạch, thầy Hòa thấu hiểu những khó khăn, thiếu thốn của học sinh nơi đây nên ước mơ làm giáo viên.

Sau khi tốt nghiệp đại học, từ năm 2000, thầy về huyện nhà dạy học. Thầy có 9 năm làm công tác quản lý giáo dục, 11 năm giảng dạy tại các trường vùng cao. Giữa năm 2020, thầy được điều về làm Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch.

288 học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số, hầu hết thuộc hộ nghèo, chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học. Ngoài việc giảng dạy, thầy Hòa cùng thầy cô giáo trong trường thường đến từng bản trong xã vận động các em đi học. Những ngày mưa lũ, với địa hình đồi núi khe suối nhiều, việc đưa đón học sinh càng trở nên nguy hiểm hơn nhưng thầy Hòa chỉ biết “cắn răng tiếp tục".

Xa nhà, thầy Hòa ở trong khu ký túc xá của trường, cùng các thầy cô chuẩn bị bữa cơm cũng như sinh hoạt hàng ngày. Hai ngày cuối tuần, thầy tranh thủ về thăm vợ con cách 100km rồi chiều chủ nhật quay lại trường. 20 năm cắm bản, với thầy Hòa, đồng nghiệp là anh em, học sinh như “đàn con thơ" cần được gieo mầm con chữ để viết nên tương lai tươi sáng hơn.

Tú Anh

report

Thầy Hoàng Đức Hòa - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Bố Trạch, xã Thượng Trạch (Bố Trạch, Quảng Bình): Vượt lũ để có đủ thực phẩm cho thầy -trò

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 12

Chia sẻ với khán giả về lý do sử dụng bè chuối để bơi ra khỏi vùng “cô lập” lấy thực phẩm cho học sinh, thầy Hoàng Đức Hòa cho biết: Vào những ngày đầu tháng 10, miền Trung và tỉnh Quảng Bình bị ngập trong mưa lũ, giao thông bị sạt lở và chia cắt. Thực phẩm trong trường ngày càng cạn kiệt. Từ chỗ nấu đủ chế độ dinh dưỡng cho học trò, nhà trường phải chuyển sang nấu cầm chừng (cơm trắng, muối lạc, cá khô… ). Đây là lý do mà các thầy quyết định kết bè chuối để vượt lũ, băng rừng để có đủ thực phẩm cho thầy – trò.

Đóng bè chuối là việc hàng năm của thầy cô nơi đây. Đợt đó trường có một thầy giáo có bố mất. Nhà trưởng cử giáo viên đưa thầy về nhà chịu tang bố. Những người thầy phải ngủ lại trong rừng một đêm để cùng đồng nghiệp chia sẻ những khó khăn.

Sỹ Điền

report

Giao lưu với cô Hà Ánh Phượng

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 13

Từ thực tế công tác của mình, cô Hà Ánh Phượng – giáo viên Trường THPT Hương Cần (Phú Thọ) nhận ra rằng, niềm tin chính là cơ sở để thầy - trò hoàn thành nhiệm vụ và hạnh phúc trong dạy – học. Đó là niềm tin, sự gắn kết giữa gia đình, nhà trường và xã hội , nó giống như kiềng ba chân.

Theo cô Phượng, hạnh phúc của thầy – trò không phải là vấn đề to tát. Đơn giản chỉ được là chính mình, được phát huy phẩm chất, năng lực. Vì thế, rất mong xã hội, phụ huynh tin vào trường, tin vào thầy – cô giáo.

Cô Phượng cho biết, cô học được từ một số quốc gia về niềm tin và hạnh phúc. “Vậy thì, tại sao chúng không thay đổi để được hạnh phúc” – cô Phượng đặt vấn đề.

 

 

report

Thầy A Phiên - dành cả thanh xuân vì học trò nghèo

Thầy A Phiên mong muốn có thật nhiều sức khoẻ để lo được cho học sinh nhiều hơn.
Thầy A Phiên mong muốn có thật nhiều sức khoẻ để lo được cho học sinh nhiều hơn.

27 năm đứng trên bục giảng là ngần ấy thời gian thầy A Phiên - giáo viên cụm Đăk Ka, Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) chăm sóc, quan tâm học trò như con của mình.

Thương học trò hoàn cảnh khó khăn, không được ăn no mặc ấm khi đến lớp, thầy A Phiên đã tự nấu cơm nuôi trò trong những ngày còn thiếu thốn. Đến khi các thầy cô trong trường góp tiền để nấu cơm cho học trò, thầy A Phiên xung phong đi lấy thức ăn và làm đầu bếp.

Cứ sáng sớm thầy Phiên chạy xe ra trường chính cách nhà hơn 7km để lấy thức ăn. Vượt đèo quay trở lại điểm trường cụm Đăk Ka, thầy A Phiên bắt tay vào nấu nướng. Đến trưa, khi 23 em học sinh tan lớp, thầy A Phiên dọn cơm, chăm chút cho các em từng miếng ăn. Khi các em ăn uống xong, thầy dọn dẹp rồi mới về nhà ăn cơm trưa với gia đình.

“Không bao giờ mình ở lại ăn cơm với học trò vì mình nghĩ cơm đó là của các em. Nếu mình ăn thì các em sẽ bị bớt phần. Nhà mình gần nên cho các em ăn xong, dọn dẹp sạch sẽ mình về ăn muộn chút cũng không sao. Bản thân mình chỉ mong có thật nhiều sức khoẻ để có thể học hỏi và truyền dạy cho các em nhiều hơn. Nhìn thấy các em ăn no, mặc ấm và cố gắng trong học tập là niềm vui và hạnh phúc với mình”, thầy A Phiên tâm sự.

Dung Nguyễn

report

Cô giáo Phan Thị Thuý Vân (Thái Bình): Món quà đặc biệt cho các nhà giáo

Vợ chồng cô Phan Thị Thuý Vân quây quần xem chương trình Thay lời tri ân.
Vợ chồng cô Phan Thị Thuý Vân quây quần xem chương trình Thay lời tri ân.

Cô giáo Phan Thị Thuý Vân - GV trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình): Cả 2 vợ chồng tôi đều làm nghề giáo. Dịp tháng 11 hàng năm chúng tôi cùng đón xem Chương trình “Thay lời tri ân” trên VTV như một món quà đặc biệt. Chương trình có ý nghĩa động viên rất lớn đối với những người làm nghề chèo đò nói chung và đối với riêng bản thân tôi.

Các phóng sự ngắn được giới thiệu trong chương trình khiến tôi thật cảm động và khâm phục tinh thần vượt khó của các đồng nghiệp trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là trên các địa phương tại miền Trung trong trận lũ lụt vừa qua.

Trong gian khó, các thầy càng nêu cao tinh thần vượt khó và sáng tạo. Hình ảnh thầy cô dùng bè chuối để vượt lũ vừa xót xa vừa cảm động… Cũng trong khó khăn, tình đồng nghiệp, tình thầy trò lại càng được khẳng định. Với mục tiêu tất cả vì học sinh thân yêu, các thầy cô đã bám bản, bám lớp, trụ vững qua thiên tai khốc liệt.

Sự hiện diện của đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ GD&ĐT và đại diện nhiều cơ quan hữu quan là sự động viên, cổ vũ lớn lao đối với các nhà giáo trên khắp dải đất hình chữ S.

Kim Thoa

report

Cô Hồ Thị Thùy Vân và thầy A Phiên: Nấu cơm để kéo trò đến lớp

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 16

Thầy A Phiên, giáo viên cụm Đăk Ka, Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) cho biết: việc nấu ăn mặc dù mệt, nhưng không nấu thì học sinh không đi học. Điều đó khiến mình phải cố gắng, nấu cơm cho các cháu ăn, giữ học sinh lại trường, không bỏ học. Phần mình nấu cho học sinh ăn, nên mình ăn chung thì không đủ khẩu phần cho các em. Chúng tôi góp mỗi tháng 100 nghìn/tháng, chỉ vừa đủ. Hoàn cảnh của các em quá khổ, tôi sẵn lòng đóng góp vì các em.

Cô Hồ Thị Thùy Vân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum chia sẻ: Rất khó khăn trong việc vận động học sinh tới trường khi chưa có bữa ăn bán trú ‘Bữa cơm tình thương”. Tỉ lệ chuyên cần thấp, buổi sáng học sinh có thể đến trường nhưng buổi chiều lại vắng. Có em đến trường buổi chiều thì ngất đi vì trưa về nhà bố mẹ lên nương rãy không có ai lo lắng cho bữa.

Vì học sinh đến trường không đều, hay bỏ nghỉ học nên chất lượng giáo dục và kết quả học tập của học sinh không cao. Nhận thấy khó khăn đó, nên các thầy cô trong trường đã bàn bạc đưa ra  nhiều biện pháp tháo gỡ, tuy nhiên không có biện pháp nào hiệu quả. Chỉ đến khi các thầy cô cùng góp tiền để nấu cơm trưa cho học sinh ăn tại trường thì tỉ lệ chuyên cần tăng lên đáng kể, kết quả học tập của học sinh cũng tốt hơn rất nhiều.

Học sinh dân tộc thiếu đi tình yêu thương, sự quan tâm của cha mẹ nên những “Bữa cơm tình thương” chính là tình yêu thương của thầy cô dành cho học sinh, để các em cảm nhận được thầy tình cảm thầy cô dành cho mình.

Cô Hồ Thị Thùy Vân mới chuyển sang một ngôi trường mới, tại đây các 40 thầy cô giáo lại tiếp tục trích 1 phần lương, mỗi người 100.000đ/tháng để nấu “Bữa cơm tình thương” cho 82 học sinh. Số tiền đóng góp hàng tháng không đủ, các thầy cô vận động thêm hoặc mua chịu thực phẩm...

Cô Vân khẳng định: Khi thực hiện “Bữa cơm tình thương” có nhiều khó khăn nhưng không vì thế mà không làm, khó khăn đến đâu các thầy cô cũng cố gắng tháo gỡ.

Bởi hạnh phúc để những người thầy vượt qua mọi khó khăn, cống hiến tận tâm chính là được nhìn thấy HS mạnh khỏe, những nụ cười thật tươi trên gương mặt mỗi khi đến trường.

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 17
Câu chuyện của thầy A Phiên, cô Hồ Thị Thùy Vân đã lay động trái tim của người xem
Câu chuyện của thầy A Phiên, cô Hồ Thị Thùy Vân đã lay động trái tim của người xem

Anh Tú - Đức Hạnh

report

Thầy Hoàng Đức Mạnh: Tâm huyết và say mê sáng tạo

Thầy Hoàng Đức Mạnh hạnh phúc bên học trò.
Thầy Hoàng Đức Mạnh hạnh phúc bên học trò.

21 năm trong nghề, thầy Hoàng Đức Mạnh - Tổ phó Tổ KHXH, GV Lịch sử Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn tận tâm, không ngừng đổi mới trong dạy học, nắm vững tâm lý học trò, truyền ngọn lửa đam mê học tập môn Lịch sử đến các thế hệ HS.

13 năm làm công tác chủ nhiệm lớp, HS cá biệt của các lớp do thầy Mạnh chủ nhiệm đều tiến bộ trong rèn luyện và học tập. Đặc biệt, thầy Mạnh đã có sáng kiến thành lập và duy trì Câu lạc bộ "Goodbye game".  "Năm 2014, tôi thành lập CLB "Goodbye game" để tập hợp những HS mải chơi và nghiện game online tham gia, đến nay CLB vẫn tiếp tục được duy trì. Qua hoạt động này, nhiều HS đã thoát được nghiện game, có ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện, nhiều em đã đỗ vào các trường đại học", thầy Mạnh cho biết.

Không chỉ là một GV chủ nhiệm nhiệt tình, tâm huyết, có phương pháp chủ nhiệm hay, trong nhiều năm qua, thầy Hoàng Đức Mạnh còn tham gia ôn luyện bồi dưỡng đội tuyển HSG Lịch sử của trường, của huyện và đã bồi dưỡng được 121 HS giỏi cấp tỉnh, thành phố trong đó có nhiều giải Nhất.

Thầy Hoàng Đức Mạnh chia sẻ: Những danh hiệu và giải thưởng mà các cấp đã ghi nhận chính là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực học hỏi, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, ngày càng hoàn thiện bản thân và vững tin cống hiến hết mình cho sự nghiệp “trồng người”, cho nghề dạy học cao quý mà tôi đã lựa chọn.

Giang - Hà

report

Mong chương trình sẽ lan toả tới giáo viên toàn quốc

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 20

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành (Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) chia sẻ: Tôi đã lựa chọn nghề giáo và hơn thế, nghề giáo đã là nghiệp. Nói thực, khi xem chương trình, là một nhà giáo đang công tác tại trung tâm thành phố, khóe mắt mình cay cay xen lẫn cảm giác khâm phục các đồng nghiệp đang công tác ở vùng khó. Mình hạnh phúc và may mắn quá! Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi; thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

Niềm hạnh phúc của thầy cô vùng cao chỉ giản đơn là nhìn thấy học sinh đến trường, nụ cười trên gương mặt các em, thấy học sinh mình mạnh khoẻ. Tuy giản đơn là thế nhưng để có được điều đó là cả sự vất vả, gian nan, cả nước mắt, mồ hôi, cả vật chất, sức lực, trí tuệ của các thầy cô. Ông bà mình nói: Cái khó ló cái khôn.

Vâng, càng khó khăn các thầy cô càng sáng tạo. Sự sáng tạo đơn giản như bỏ bài tập cho học sinh trong ống nước nhựa để các em ôn tập trong mùa Covid làm tôi ngưỡng mộ. Nhìn thầy cô vùng cao sáng tạo mà nhìn lại giáo viên miền xuôi, đặc biệt giáo viên công tác ở các thành phố trung tâm, không chịu khó để giảng dạy qua mạng cho các em. Thậm chí có thầy cô chưa làm đã nêu khó, trong khi cơ sở vật chất tương đôi đầy đủ, phụ huynh hỗ trợ nhiệt tình, thầy cô thiếu cả lửa trong tâm mà mình hổ thẹn.

Mình mong muốn chương trình này sẽ lan toả trong tất cả giáo viên trên toàn quốc. Hy vọng lửa yêu nghề, sự nhiệt tâm, sự sáng tạo của các thầy cô vùng cao sẽ đánh thức bao giáo viên thụ động, thiếu tâm, thiếu tầm hiện nay. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi lời tri ân hạnh phúc đến quý thầy cô. Kính chúc quý thầy cô mãi mạnh khoẻ để đưa con chữ, đưa bữa cơm tình thương đến với các trò.

Ánh Ngọc

report

Cô giáo Lê Thị Ngọc Anh (TP. HCM): Cảm phục và trân trọng đồng nghiệp khắp nơi

Cô giáo Lê Thị Ngọc Anh đang theo dõi chương trình.
Cô giáo Lê Thị Ngọc Anh đang theo dõi chương trình.

Cô giáo Lê Thị Ngọc Anh, Trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức, TP HCM chia sẻ: “Thay lời tri ân” có lẽ là chương trình đặc biệt nhất, ý nghĩa nhất và được đông đảo các thầy cô giáo cả nước quan tâm theo dõi nhất trong năm.

Chương trình năm nay thật đặc biệt. Qua các phóng sự của chương trình, tôi đặc biệt xúc động và ấn tượng với sự khó khăn vất vả của đồng nghiệp ở vùng lũ Bố Trạch – Quảng Bình. Cảm động và biết ơn người thầy dành đồng lương ít ỏi để phụ cho bữa ăn của các học trò…. Và còn nhiều hình ảnh lay động cảm xúc từ những điều gần gũi, giản dị, chân thực về những thầy cô trên mọi miền Tổ quốc đã được truyền tải.

Xem chương trình tôi càng thấy “yêu người bao nhiêu lại càng yêu nghề bấy nhiêu”. Đối với cá nhân tôi, đây là một kênh thu nạp thông tin hữu ích và bao quát nhất về nghề giáo. Chương trình là “lời tri ân” vô cùng ý nghĩa đối với tất cả những ai đang cống hiến cho nghề giáo.

Bản thân là giáo viên miền xuôi lại ở thành phố, có điều kiện hơn các thầy cô ở miền núi. Câu chuyện của các thầy cô đã bồi đắp thêm cho những đồng nghiệp như tôi lòng yêu nghề và tinh thần vượt khó trong nghề cũng như đối với cuộc sống.

Kim Thoa

report

Thầy Hoàng Đức Mạnh - Trường THCS Lê Thanh (huyện Mỹ Đức, Hà Nội): Cố gắng dạy bảo các em thành người

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 22

13-14 năm nay, tôi luôn sẵn sàng nhận chủ nhiệm những lớp HS cá biệt. Những lớp này, hầu hết HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bất hạnh, nên GV chủ nhiệm không nhận được sự ủng hộ của phụ huynh HS trong công tác giáo dục. HS cũng vì thế mà có thái độ lệch lạc, thậm chí nhiều em còn từng sa vào tệ nạn xã hội… Khó khăn đến vậy, nhưng tôi không nản chí mà cố gắng để dạy bảo các em thành người.

Niềm vui gặp lại học trò cũ của của thầy Hoàng Đức Mạnh tại trường quay
 Niềm vui gặp lại học trò cũ của của thầy Hoàng Đức Mạnh tại trường quay

Để GD các em, đầu tiên bản thân người GV phải hiểu HS, từ hiểu hoàn cảnh gia đình đến tâm sinh lý của các em; hiểu được tâm tư, nguyện vọng, mặt mạnh, yếu của các em. Từ đó, GV có được giải pháp phù hợp để dạy học và giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Bên cạnh đó, GV phải là nhà tâm lý để có được niềm tin của HS.

Trong các giờ sinh hoạt lớp, tôi cũng không bao giờ quát mắng HS mà thay vào đó tạo tâm thế thoải mái cho các em qua thông qua những hoạt động văn nghệ, tập làm MC, để các em hòa đồng vào tập thể lớp và phát huy tâm tình, khả năng của mình…

Kiều Giang

report

Thầy Thái Thành Thuận: Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng

Thầy Thái Thành Thuận trên chiếc xe lăn quen thuộc.
Thầy Thái Thành Thuận trên chiếc xe lăn quen thuộc.

Sau biến cố cuộc đời, thầy giáo trẻ Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình (huyện Cai Lậy, Tiền Giang) phải ngồi xe lăn suốt đời. Vượt qua nghịch cảnh, thầy viết tiếp ước mơ dạy học trên chiếc xe lăn. Thầy là tấm gương của tinh thần vượt khó, được đồng nghiệp, học trò và phụ huynh quý mến.

Thầy Thuận bùi ngùi nhớ lại ngày định mệnh 12/5/2016, khi vừa đi coi thi học kỳ về đến nhà, thấy người hàng xóm lớn tuổi trèo cao tỉa cành cây, thầy Thuận trèo lên giúp, không may cành cây ngã xuống va vào đường dây điện, thầy Thuận bị điện giật rơi từ độ cao khoảng 6m xuống đất. Tai nạn kinh hoàng khiến thầy bị liệt 2 chân và phải ngồi xe lăn vĩnh viễn.

Một năm sau tai nạn, sức khỏe tạm ổn, thầy Thuận quyết định xin đi dạy trở lại, dù biết đây là quyết định khó khăn cho bản thân và cả nhà trường.

Nhớ lại ngày nhận quyết định được dạy học lại vào vào tháng 12/2017, thầy Thuận coi đó như “ngày mình được sống lại lần nữa”. Ngay năm học 2018 - 2019, thầy Thuận tiếp tục được phân công bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả là 3/5 học sinh được thầy bồi dưỡng đạt giải.  

Mỗi ngày, thầy giảng bày trên chiếc xe lăn, học trò chăm chú lắng nghe và lớp học rộn ràng không kém lúc thầy còn khỏe mạnh...

“Ước mơ lớn nhất của tôi là được đứng trên bục giảng. Vì vậy, dù khó khăn, gian khổ bao nhiêu tôi cũng phải nỗ lực vượt qua để có thể tới trường, được gặp đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu”, thầy Thuận tâm sự.

Quốc Ngữ

report

Chương trình giúp giáo viên thêm động lực cống hiến

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 25

Cô Trương Thị Oanh – Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Thọ (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An): Tối nay tôi cùng cháu ngoại ngồi xem tivi như thường lệ, nhưng thay vì xem kênh giải trí, thì tôi chuyển sang VTV1 để theo chương trình Thay lời tri ân. Trong chương trình, qua các phóng sự ngắn và tọa đàm trên sóng trực tiếp, tôi thực sự xúc động và cảm phục đối với đồng nghiệp của mình trên mọi miền đất nước. Đó là hình ảnh địa phương vùng lũ lụt, vùng sông nước, thầy cô dùng bè đến trường. Hay là hình ảnh những thầy cô cắm bản, bỏ tiền túi ra nuôi cơm học sinh, để giữ các em ở lại trường đi học. Có học trò mới có thầy cô, có trường lớp, mới nghĩ đến chuyện cải thiện chất lượng dạy học. Tôi cũng được lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm chủ nhiệm lớp, xử lý tình huống sư phạm với từng đối tượng học sinh.

Bản thân tôi đã gắn bó với nghề gần 30 năm, qua nhiều trường học như: Tiểu học Nghĩa Lợi, Nghĩa Lạc, Nghĩa Phú và hiện tại là Trường Tiểu học Nghĩa Thọ. Những nơi tôi dạy học, các em học sinh cũng là người dân tộc thiểu số người Thái, Thổ ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Xem chương trình,tôi thấy có cả bản thân mình trong đó, khi mua từng quyển sách, quyển vở, chiếc bút tặng học sinh để tạo niềm vui cho các em đến trường. Hay có lần đi tìm lặn lội tìm học sinh bỏ nhà đi vì sợ bố mẹ đánh mắng... Nhưng so với đồng nghiệp thì tôi vẫn đang còn nhiều thuận lợi hơn. Nghề giáo vất vả nhưng nếu tâm huyết thì tình cảm cô trò càng thêm thắt chặt. Chương trình đặc biệt ý nghĩa, để giáo viên như chúng tôi có thêm động lực, niềm tin tiếp tục cống hiến trong nghề.

Hồ Lài

report

Thầy Thái Thành Thuận - Trường THCS Tam Bình (Cai Lậy - Tiền Giang): Không gì là không thể!

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 26

Gần ba năm trước, một tai nạn bất ngờ ập đến khiến đôi chân thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình huyện Cai Lậy không thể đi lại được. Giao lưu tại chương trình, thầy Thuận cho biết, trong thời gian nghỉ bệnh, nỗi niềm đau đáu nhất là phải làm sao để nhanh chóng được trở lại trường, gặp lại đồng nghiệp, gặp lại học sinh thân yêu.

“Trong thời gian công tác, tôi luôn được sự tin yêu của học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp. Chính niềm tin yêu của mọi người đã thôi thúc tôi phải sống hết mình vì nghề, vì ngành, vì niềm đam mê dạy học - niềm đam mê mà tôi đã nung nấu từ thưở nhỏ”, thầy Thái Thành Thuận chia sẻ.

Thầy Thuận nhớ như in ngày trở lại trường sau 1 năm chiến đấu với bệnh tật. “Đó là cảm giảm giác hạnh phúc, lâng lâng khó tả. Tôi nhìn bao quát không gian trường học và đã hét lên thật to: “Trường ơi, tôi đã quay trở lại” như niềm hạnh phúc vỡ òa”.

Thông điệp mà thầy Thái Thành Thuận muốn gửi gắm qua chương trình là không gì là không thể, chỉ cần có quyết tâm, kiên trì, vượt lên tất cả, thì mọi chuyện tốt đẹp sẽ đến.

“Hạnh phúc với tôi là được cống hiến, được cháy hết mình với niềm đam mê dạy học. Có mặt trong chương trình ngày hôm nay, tôi mong rằng câu chuyện của mình trở thành tiền lệ tốt, lan tỏa cảm hứng sống tích cực cho những mảnh đời không may mắn” – thầy Thái Thành Thuận chia sẻ.

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 27
Cảm xúc lắng đọng của khán giả trước tấm gương đầy nghị lực của thầy Thái Thành Thuận
Cảm xúc lắng đọng của khán giả trước tấm gương đầy nghị lực của thầy Thái Thành Thuận

Hiếu Nguyễn

report

"Xem chương trình Thay lời tri ân, tôi lại càng thấy đồng nghiệp của mình thật kiên cường"

Cô Nguyễn Thị Nhung và học trò.
Cô Nguyễn Thị Nhung và học trò.

Cô Nguyễn Thị Nhung (Trường PT DTBT THCS Lưu Kiền, huyện Tương Dương, Nghệ An): Đồng nghiệp của mình thật kiên cường trước khó khăn. Tối Chủ nhật hàng tuần, tôi thường lên trường để phụ đạo cho học sinh yếu. Ở đây tivi rất khó bắt sóng, nên tôi mở máy tính cá nhân của mình và cùng xem chương trình Thay lời tri ân với các em học sinh. Tôi đặc biệt ấn tượng với chia sẻ của thầy A Phiên Trường PTDT bán trú Tiểu học – THCS Tu Mơ Rông (Kon Tum), tự nấu cơm để kéo các em đến lớp đi học.

Câu chuyện giống như ở nơi tôi đang công tác - Trường PTDTBT THCS Lưu Kiền. Trường chúng tôi có hơn 200 học sinh bán trú. Năm nào cũng vậy, cứ giữa tháng 8 là chúng tôi đã đón học sinh ở các bản xa đến trường nhập học và ở lại bán trú. Nhưng chế độ trợ cấp cho học sinh bán trú chỉ có từ tháng 9 – khi năm học chính thức bắt đầu. Vì vậy, nhà trường, các thầy cô tự bỏ tiền, bỏ công để nấu ăn và quản lý các em. Những việc làm đó, với chúng tôi như trở thành bình thường. Nghề nào thì nghiệp đó, học trò còn khó khăn vất vả thì thầy cô hỗ trợ. Miễn sao mình cảm thấy yêu nghề và có trách nhiệm với chính nghề của mình.

Xem chương trình Thay lời tri ân, tôi lại càng thấy đồng nghiệp của mình thật kiên cường trước khó khăn, đáng cảm phục. Khi cùng với các em học sinh xem chương trình này, tôi cũng muốn các em nhìn thấy được khó khăn, vất vả của thầy cô giáo và các bạn bè ở nhiều nơi trên đất nước. Từ đó để các em biết đồng cảm và cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn luyện.

Hồ Lài

report

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê (Thanh Hoá): Lời tri ân vô cùng ý nghĩa

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê theo dõi chương trình.
Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê theo dõi chương trình.

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa Lê - Trung Tâm GDNN - GDTX Hà Trung (Thanh Hóa) chia sẻ: Chương trình "Thay lời tri ân 2020" với chủ đề Hạnh phúc khiến tôi thật sự xúc động. Có rất nhiều phóng sự về tất cả các thầy cô giáo ở khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những thầy cô giáo ở những vùng khó khăn, tuyến đầu đất nước.

Mỗi nơi, hạnh phúc của người thầy là khác nhau. Với các thầy cô vùng lũ Bố Trạch- Quảng Bình là kết bè chuối vượt lũ, vượt hiểm nguy mang nhu yếu phẩm và con chữ cho HS. Với các thầy cô Hùng Ke - Yên Bái là bỏ bài vào ống tre, ống nhựa chuyển đến tận từng nhà để HS được làm bài.

Còn cô Hà Ánh Phượng, 1 trong 10 GV xuất sắc nhất toàn cầu, hạnh phúc là có được niềm tin và gắn kết. Và với cô giáo Hồ Thị Thùy Vân và thầy A Phiên nơi buôn làng xa xôi là có thêm nhiều hơn những bữa ăn "Tình thương" để các em được học chữ được ăn no...Và rất rất nhiều câu chuyện nữa khiến tôi cảm phục về nghị lực, tấm lòng của các thầy cô.

Bản thân là  GV dạy ở 1 ngôi trường rất nhiều HS đặc biệt: khiếm khuyết có, không  được quan tâm đầy đủ có, chơi bời có... Tôi thấy những khó khăn của mình chỉ như muối biển so với các thầy cô đồng nghiệp. Tôi cũng thấy đây là 1 chương trình đặc biệt có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với những người làm nghề chèo đò. Những gì chương trình mang lại còn hơn cả "Thay lời tri ân"!

Kim Thoa

report

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương: Mong các thầy cô luôn yêu nghề, vững vàng, nỗ lực không ngừng cho thế hệ trẻ Việt Nam

“Thay lời tri ân năm 2020” với chủ đề Hạnh phúc ảnh 31

Gửi đến các thế hệ nhà giáo trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương ghi nhận, Chương trình “Thay lời tri ân” là sự động viên cổ vũ, mang nhiều ý nghĩa dành cho các thầy, cô giáo trong cả nước – những người đang góp phần vào sự nghiệp trồng người.

Năm 2020, đất nước chịu nhiều tác động lớn của dịch bệnh, bão lũ, thiên tai. Ngành giáo dục đi qua một năm học đặc biệt, với nhiều biến động. Trong tình hình đó, với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, bằng những phương pháp, hình thức phù hợp như: học trực tuyến, dạy học từ xa, qua truyền hình… ngành Giáo dục đã điều chỉnh linh hoạt nội dung dạy - học.

Khẳng định, giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, phát triển GD-ĐT là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; Trưởng ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp GD-ĐT, trong đó có chăm lo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp trồng người. Và nghề giáo luôn được Đảng, Nhà nước, xã hội trân trọng xem đó là nghề cao quý.

Nhắc lại những câu chuyện giao lưu của thầy, cô giáo trong chương trình hôm nay, Trưởng Ban dân vận Trung ương chia sẻ, đó là những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng cho khán giả và thầy – trò trên cả nước.

“Những yêu cầu và mục tiêu của đất nước đang đặt ra những trách nhiệm to lớn đối với sự nghiệp GD-ĐT, mong rằng, các thầy cô giáo sẽ luôn yêu nghề, vững vàng, nỗ lực không ngừng cho thế hệ trẻ Việt Nam và tương lai của đất nước" - bà Trương Thị Mai bày tỏ.

Nhân dịp này, bà Trương Thị Mai cũng thông báo về việc Ban Dân vận Trung ương sẽ gửi tặng 200 triệu đồng tới chương trình "Bữa ăn bán trú" mà thầy A Phiên, cô Hồ Thị Thùy Vân (hai nhân vật tham gia giao lưu tại Chương trình "Thay lời tri ân 2020") cùng các thầy cô giáo đang triển khai thực hiện.

Minh Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ