Giải pháp này tiếp sau vụ một giáo viên trung học ở Nam Seoul tiết lộ đề thi cho hai con gái sinh đôi đang học ở trường mà ông dạy.
Theo Bộ Giáo dục, biện pháp trên sẽ có hiệu lực thi hành vào năm học tới. Ở những vùng nông thôn, nơi trường học thưa thớt, sự tách biệt như thế này không thể áp dụng thì các giáo viên sẽ bị đuổi việc nếu có liên quan đến thi cử, thành tích học tập của con cái nơi họ giảng dạy.
“Chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp và các cơ quan quản lý giáo dục địa phương sẽ sửa đổi theo các nguyên tắc về nhân sự của họ để đưa ra áp dụng vào năm học tới”, một viên chức của Bộ Giáo dục nói. Với các trường tư thục, Bộ yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục đưa ra biện pháp như chuyển các giáo viên đến các trường khác nằm trong cùng hệ thống, nếu có việc cha mẹ dạy nơi trường con học.
Theo Bộ Giáo dục, trên toàn quốc có 560 trường mà giáo viên và con của họ dạy và học chung, chiếm 23,7% trên tổng số các trường trung học. Trong số 17 cơ quan giáo dục khu vực, có 4 tuân hành các nguyên tắc, trong đó nếu học sinh vào học trường nơi cha mẹ dạy, thì giáo viên đó sẽ được chuyển đến trường học khác gần bên. Các khu vực còn lại thì chưa có động thái gì.
Tuy nhiên, biện pháp này của chính phủ đang gặp những phản ứng của các nhà giáo dục. “Đáng tiếc là Bộ đang cư xử với các giáo viên như những người có khả năng phạm tội”, Kim Seung-hwan, thuộc Sở Giáo dục tỉnh North Jeolla, giãi bày trên Facebook, “Rò rỉ đề thi đến học sinh hoặc tác động lên điểm số là những hành vi phạm pháp hiếm, chỉ liên quan đến một ít giáo viên. Điều này có thể được ngăn chặn qua hình thức kỷ luật nặng nề hoặc buộc tội hình sự”.