Mỗi trường đại học hoặc cao đẳng buộc phải ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của địa phương và cư dân ở đó.
Viễn cảnh đáng lo ngại này được dự báo sẽ đến trong vòng 4 năm tới. Các trường cao đẳng sẽ đối mặt với sự giảm mạnh số sinh viên bắt đầu từ năm 2022, trong khi các trường đại học thì từ năm 2024. Đây là những gì mà các chuyên gia gọi là “hiệu ứng domino của việc đóng cửa đại học”.
Việc các trường đại học phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng người học khi tỷ lệ sinh của quốc gia tiếp tục giảm là tất yếu. Giai đoạn sinh suất thấp bắt đầu từ năm 2002 với số trẻ sinh ra trong năm đó chỉ có 490 ngàn, lần đầu tiên dưới mốc 500 ngàn.
Theo các số liệu thống kê, năm 2017, Hàn Quốc có số trẻ ra đời thấp kỷ lục, giảm 11,9% so với năm trước. Đây là số thấp nhất kể từ khi cơ quan thống kê bắt đầu tiến hành thu thập số liệu điều tra vào năm 1970.
Theo một nghiên cứu do GS Cho Young-tae, khoa điều tra dân số thuộc ĐH quốc gia Seoul, có 138 trường cao đẳng và 189 trường đại học hiện hoạt động trong cả nước. Tuy nhiên, do sinh suất giảm mạnh nên sẽ có 43 trường cao đẳng ngưng hoạt động vào năm 2022 và 73 trường đại học cùng chung cảnh ngộ vào năm 2024.
70% chi phí cho hoạt động của các trường đại học là từ học phí, do đó số người học giảm sẽ tác động trực tiếp đến sự sống còn của các cơ sở này. Các trường đã nhận rõ nguy cơ này và đang cần sự giúp đỡ.
Theo GS Cho Young-tae, nhà nước cần có những chính sách ngăn chặn việc thiếu sinh viên tại các trường. Ông cho biết: “Hiện nay, quy định về tuyển sinh đại học là ứng viên phải trong độ tuổi 18, nghĩa là mới tốt nghiệp phổ thông, đã lỗi thời… Sắp tới cần phải mở rộng lứa tuổi vào đại học để ai cũng có thể học được thì các trường mới có thể tồn tại”