Sự chung tay của cộng đồng đã và đang góp phần giúp cho giáo dục miền Trung từng bước khắc phục thiệt hại, vượt qua khó khăn về vật chất.
Đối diện với việc mất nhà cửa, người thân, sinh kế, người miền Trung còn bị tổn thương tâm lý nặng nề, đặc biệt là trẻ em đang ở độ tuổi đi học. Đã một tuần kể từ ngày sạt lở núi ở Trà Leng gây nên cảnh tang thương, những giọt nước mắt đau đớn, ánh mắt thất thần của các em mất cha, mất mẹ, mất nhà cửa vẫn còn đầy ám ảnh. Để có thể vượt qua nỗi đau chỉ sau một đêm không còn gia đình, với 6 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Nam Trà My (Quảng Nam), rõ ràng là chuyện không phải ngày một, ngày hai…
Sang chấn tâm lý hậu thiên tai là hội chứng có thật. Một khảo sát năm 2014 tại miền Trung Việt Nam do Trường Đại học Y tế Công cộng và VietHealth thực hiện ở 4 xã thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị cho thấy, tâm lý người dân bị tác động trước, trong và sau khi xảy ra bão rõ rệt nhất là ngay tuần đầu tiên, kéo dài trong 2 tuần tiếp theo, một số trường hợp cá biệt có thể kéo dài nhiều tháng. Trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất. Tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, trẻ có thể bị những rối loạn căng thẳng, trầm cảm, thậm chí có nguy cơ bỏ học, tự tử. Sự hỗ trợ của cộng đồng, chăm sóc về y tế trong việc phục hồi tinh thần sau thảm họa thiên nhiên cho các đối tượng bị tổn thương được xem là một trong những biện pháp quan trọng để chữa lành vết thương sang chấn.
Đồng hành với học sinh sau biến cố do thiên tai gây nên, đến nay, không chỉ quan tâm hỗ trợ sách tập, học bổng, lương thực thực phẩm, nhiều trường học khu vực miền Trung còn đặc biệt quan tâm hỗ trợ tâm lý cho các em. Giáo viên chủ nhiệm luôn bám sát tình hình từng học sinh, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên các em vượt qua khó khăn, mất mát. Nỗ lực của đội ngũ giáo viên ở các trường những ngày qua là cần thiết và đáng ghi nhận, tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy công tác này cơ bản chỉ dựa trên trách nhiệm, tình thương của người thầy là chính, đang còn thiếu vắng yếu tố chuyên môn. Theo các chuyên gia tâm lý, với những trẻ bị mất gia đình, tình thương, sự quan tâm của thầy cô, bạn bè chưa đủ mà các em cần được điều trị tâm lý chuyên sâu, lâu dài. Ở khía cạnh này, điều kiện tư vấn, tham vấn tâm lý ở các nhà trường hiện chưa thể đảm đương nổi vì giáo viên kiêm nhiệm, không có chuyên môn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có số lượng thảm họa tự nhiên và số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai cao nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, những sự kiện bất khả kháng như dịch bệnh Covid-19 cũng ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý học sinh. Bối cảnh này cùng với những yêu cầu của đời sống hiện đại, đòi hỏi công tác tham vấn tâm lý học đường phải được đầu tư chuyên nghiệp hơn nữa. Trong đó, việc xây dựng đội ngũ chuyên gia tâm lý có chuyên môn chứ không phải giáo viên kiêm nhiệm, là yêu cầu cấp thiết để hiệu quả của công tác tham vấn được phát huy một cách tốt nhất.