Về một số ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện Luật GDĐH, UBTVQH nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH lần này tập trung mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của chính sách tự chủ đại học trong Luật hiện hành và chỉnh sửa các nội dung khác có liên quan để bảo đảm thống nhất trong thực hiện mà không làm thay đổi bố cục, kết cấu của Luật. Các chính sách khác về cơ bản vẫn phù hợp với thực tiễn.
Do vậy, Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Theo báo cáo này, mặc dù có quan hệ chặt chẽ với Luật Giáo dục song Luật GDĐH chỉ tuân thủ nguyên tắc, nguyên lý cơ bản về giáo dục và đào tạo. Cho đến nay, hầu hết các nội dung giữa hai Dự thảo Luật cơ bản đã thống nhất, không có xung đột, mâu thuẫn.
Việc thông qua Luật GDĐH tại kỳ họp này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý một cách kịp thời cho các cơ sở GDĐH phát huy tự chủ, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng GDĐH một cách thực chất.
Báo cáo giải trình, tiếp thu cũng đưa ra cụ thể những tiếp thu ý kiến đề xuất trong dự thảo Luật về: Quy định rõ hệ thống GDĐH Việt Nam; mô hình tổ chức của đại học quốc gia, đại học vùng; cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng trường và mối quan hệ giữa Hội đồng trường với các thiết chế quyền lực khác trong trường đại học; về đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế; về tài chính và tài sản; Về phát triển hệ thống đại học tư thục; về giảng viên và người học; về quản lý nhà nước về giáo dục đại học; một số nội dung khác và kỹ thuật văn bản.
Trong báo cáo, UBTVQH cũng đề nghị xin được giữ nguyên phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.
Thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắc Nông) nêu ý kiến đồng ý với một số quy định liên quan đến hội đồng trường. Đại biểu cũng tán thành với quy định về quyền hạn của hội đồng trường, tiến tới bỏ cơ chế cơ quan chủ quản Theo đại biểu, dự thảo luật lần này đã có nhiều quy định liên quan đến các nội dung nói trên. Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chi tiết về một số nôi dung về nhiệm vụ quyền hạn cơ sở giáo dục, nghiên cứu khoa học và đào tạo để cung cấp cấp nguồn nhân lực cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang |
Đại biểu Giang cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhấn mạnh vấn đề về khoa học công nghệ, nhiệm vụ cơ sở giáo dục và hỗ trợ ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên. Đồng thời đề nghị làm nổi bật quản lý nghiên cứu khoa học công nghệ ứng dụng trong các cơ sở giáo dục đại học. Mặt khác, cần cân nhắc quy định giáo dục phi lợi nhuận, vấn đề cho thuê đất…
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An) nhìn nhận, xuyên suốt dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục ĐH là tháo gỡ nút thắt thực hiện tự chủ đại học. Để thực hiện được, phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống cơ sở giáo dục đại học.
Phân tích những vướng mắc trong tổ chức bộ máy đại học hiện nay, trong đó nhấn vào mô hình ĐHQG và ĐH vùng, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho rằng: Vấn đề cần quan tâm là sửa đổi tổ chức bộ máy đại học. Chủ trương này phải được thể chế hóa trong Luật. Nếu giải quyết được sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh |
Đóng góp ý kiến thảo luận, Đại biểu Lê Quang Trí – (đoàn Tiền Giang) nhất trí cao với bản dự thảo luật.
Theo đại biểu Trí, Dự thảo đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sơ sở giáo dục đổi mới nâng cao tự chủ và phát triển. Đại biểu cũng góp ý: Về xếp hạng cơ sở giáo dục đại học - đây là điều cần thiết, nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học, giúp người học có thông tin để lựa chọn ngành, trường mà mình yêu thích.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về xếp hạng, tiêu chí thành lập và điều kiện để xếp hạng đại học. Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, theo đại biểu quy định như trong dự thảo là phù hợp nhằm đạt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại biểu Lê Quang Trí |
Theo đại biểu, chính sách nhà nước phát triển giáo dục khá đầy đủ. Tuy nhiên cần nghiên cứu theo hướng: nội dung nào nhà nước khuyến khích đầu tư, nội dung nào nhà nước đầu tư. Đối với chỉ tiêu tuyển sinh và tổ chức tuyển sinh, đại biểu thống nhất với quy định trong dự thảo. Bởi quy định này đã phát huy được tính tự chủ của các trường. Tuy nhiên cần quy định trách nhiệm của các ngành liên quan để hạn chế tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm. Đồng thời nghiên cứu các quy định về quyền hạn và nhiệm vụ của người học.
Đại biểu Lê Thị Yến (đoàn Phú Thọ) đánh giá cao Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp, đại biểu Lê Thị Yến đồng thời kiến nghị cần có quy định cụ thể riêng với đào tạo nhân lực y tế trong Luật.
Đại biểu Lê Thị Yến |
Đại biểu Lê Thu Hà (đoàn Lào Cai) cũng đánh giá cao báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia; bổ sung các điều khoản quan trọng , góp phần tháo gỡ vướng mắc hạn chế hiệu quả hoạt động của các trường…
Đại biểu Lê Thu Hà |
Giúp hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu Lê Thu Hà đưa ra các góp ý liên quan đến xếp hạng đại học, kiểm định chất lượng, tự chủ đại học... Theo đó, cần có điều khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu của các trường liên quan đến chất lượng; khi nào việc này được thực hiện tốt thì xếp hạng đại học mới thực chất.
Cần có cơ chế giám sát các tổ chức kiểm định, tốt nhất nên đưa thêm vào dự thảo Luật một chương về kiểm định chất lượng giáo dục. Về tự chủ, cần luật hóa, đồng bộ với các luật khác để nâng cao hơn nữa quyền tự chủ các trường. Đại biểu Lê Thu Hà đồng thời cho rằng, điều 4, nên bổ sung bậc Cao đẳng vào phần giải thích từ ngữ…
Tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH tại lỳ họp lần này, Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) đồng thời nói đến tính minh bạch trong Luật và cho rằng: Luật có thể được viết dài nhưng quy định rõ ràng, công khai các quy định của pháp luật còn hơn viết ngắn nhưng phải chờ các văn bản dưới luật mới thực hiện được.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương |
Các góp ý cụ thể của Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về tự chủ đại học, mở mã ngành, kiểm định chất lượng giáo dục… cũng hướng tới quan điểm trên. Trong đó nhấn mạnh cần có những quy định chế tài xử lý rõ ràng, cụ thể để luật được thực hiện một cách nghiêm minh.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoàn TP Hồ Chí Minh) bày tỏ tán thành sự cần thiết với nội dung được đề cập trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Vă hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; đồng thời, nhất trí với việc xem xét thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này.
Đại biểu Huỳnh Thành Đạt |
Đại biểu nêu lên 3 trụ cột trong dự thảo luật đó là: các nội dung liên quan đến chuyên môn; vấn đề nhân sự và tài sản, tài chính.
Về cơ cấu tổ chức, dự thảo luật đã được quy định rõ, tường minh. Đây là nội dung quan trọng phù hợp với thế giới. Định hướng phá triển, quy định trong dự thảo rất mới và là bước tiến quan trọng. Theo đó, trường đại học có thể trở thành đại học, các đại có thể liên kết với nhau để phát triển đáp ứng với nhu cầu hội nhập quốc tế. Đại biểu cũng thống nhất và đề nghị giữ ổn định về mô hình, không để xáo trộn không cần thiết.
Về hội đồng trường, quy định trong dự thảo về nội dung này rất cụ thể. Sau khi luật có hiệu lực có thể triển khai mà không cần văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ quan hệ hội đồng trường với Ban lãnh đạo.
Đối với giáo dục đại học tư thục, theo đại biểu, dự thảo đã thể hiện quan điểm không phân biệt công – tư. Cơ hội phát triển giữa trường công và trường tư là như nhau.
Bày tỏ ý kiến, Đại biểu Triệu Thế Hùng (đoàn Lâm Đồng) cho rằng mặc dù trong phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng dự thảo luật đã giải quyết được những nút thắt về phát triển GD ĐH, trong đó có vấn đề tự chủ đại học. Dự thảo luật góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về tự chủ, gắn liền với giải trình xã hội.
Đặc biệt, dự thảo luật quy định về đổi mới cơ chế tài chính, khắc phục được đầu tư dàn trải trong đầu tư công, phát huy được cạnh tranh lành để phát triển.
Đại biểu Triệu Thế Hùng |
Các quy định trong dự thảo đã tiếp cận chuẩn đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế. Các quy định liên quan đến trường đại học tư thục khá mới và phù hợp. Dự thảo luật cũng tạo cơ hội cho các trường phát triển theo mô hình phù hợp.
Đặc biệt, dự thảo cho thấy, chúng ta đã chuyển một hệ thống giáo dục đại học tĩnh sang hệ thống mở. Đây là một bước đột phá, tạo cơ hội để phát triển đại học. Ngoài ra, những điểm mới trong dự thảo luật đã sửa đổi khá căn bản, chi tiết về hội đồng trường, khắc phục tình trạng hội đồng trường hiện nay chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả.
Theo Đại biểu Trần Tất Thế (đoàn Hà Nam), về phạm vi sửa đổi, đây không chỉ là sửa đổi một số bất cập của Luật Giáo dục ĐH mà còn là cơ hội để xem xét toàn diện quá trình đào tạo đại học hiện nay; từ đó có cơ chế, chính sách, khâu tổ chức thực hiện trong thời gian tới hiệu quả hơn. Nên cần xem xét phạm vi sửa đổi.
Đại biểu Trần Tất Thế |
Đại biểu Tất Thế cũng cho rằng, cần quy định chi tiết hơn các nội dung ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, để khi đưa Luật vào thực hiện không phải chờ đến Nghị định, thông tư hướng dẫn.
Về trình độ, hình thức đào tạo của giáo dục ĐH: Đề nghị hình thức đào tạo chỉ cần gồm chính quy tập trung và không chính quy. Các hình thức cụ thể nên giao cho các trường…
Đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) góp ý: Về chức danh chủ tịch Hội đồng trường, quy định về kinh nghiệm là tốt nhưng nên xem xét thêm kinh nghiệm về giảng dạy chứ không chỉ là kinh nghiệm về quản lý.
Đại biểu Dương Minh Tuấn |
Về tự chủ đại học, trước đây đã làm thí điểm nhưng thực tiễn vẫn chưa được nhưng mong muốn. Vì vậy, lần sửa luật này được kỳ vọng là sẽ tự chủ thực sự: Tự chủ học thuật, nhân sự và tài chính.
Tự chủ không có nghĩa là buông để các trường tự bơi mà nhà nước vẫn đầu tư nhưng không theo hình thức “bao cấp” dàn trải, nhà nước sẽ rút đầu tư ra dần dần.
Đề nghị, cần ghi điều này vào nghị định để các trường có chính sách khuyến khích, ưu đãi để hỗ trợ sinh viên nghèo hoặc khó khăn.
Đại biểu Lê Quốc Phong (đoàn Bình Thuận) thống nhất cao quy định đại diện Đoàn thanh niên là đại diện đương nhiên của Hội đồng trường, nhưng cho rằng cần xác định rõ Bí thư đoàn trường tham gia vào Hội đồng trường.
Đại biểu Lê Quốc Phong |
Đại biểu đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định trong Luật về việc học các môn lý luận chính trị, lịch sử dân tộc trong các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Về hoạt động NCKH của sinh viên: Sau khi Luật được ban hành, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu, sửa quy định để thúc đẩy hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường đại học.
Đại biểu Phùng Thị Thường (đoàn Vĩnh Phúc) góp ý: Về hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học công lập, việc bầu các thành viên hội đồng trường cần theo lợi ích chung và vì sự phát triển chung của nhà trường.
Đại biểu Phùng Thị Thường |
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, bất cập hiện nay là quản lý theo hành chính, các cơ sở giáo dục đại học chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành khác nhau. Để khắc phục, dự thảo luật đã mở rộng về cơ chế, chính sách tự chủ. Tuy nhiên, khi tăng cường tự chủ cần có quy trình và tăng cường kiểm định chất lượng. Theo đại biểu, nâng cao chất lượng là cần thiết nhưng cũng phải đảm bảo cho sinh viên có được những kỹ năng thích ứng với công việc.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhấn mạnh sự cần thiết của Luật này, gỡ bỏ nút thắt trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương |
Đại biểu Phương đồng ý cơ sở GDĐH gồm trường ĐH và ĐH nhưng góp ý, tùy trường hợp cụ thể để công nhận chỗ nào là ĐH, chỗ nào là trường ĐH. Đại biểu đồng thời đề nghị không nên đưa quy định cứng về tiêu chuẩn của hiệu trưởng, cái này nên do nhà trường quy định; đề nghị mở rộng phạm vi để các trường tư thục cũng được tham gia các công trình nghiên cứu khoa học…
Theo Đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai), tự chủ đại học là xu thế tất yếu toàn cầu nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, thứ bậc, danh tiếng trong nước và với thế giới. Vì vậy việc mở rộng phạm vi tự chủ là cần thiết và rất cần ban hành luật này.
Đại biểu Đinh Duy Vượt |
Tại điều 16, hội đồng trường, để tránh hình thức thì cần căn cứ vào NQ 29, tức là cấp ủy phải đi đầu. Theo đó đại biểu đề xuất Bí thư đảng ủy là Chủ tịch Hội đồng trong trường đại học công lập. Về tiêu chuẩn, chức năng quyền hạn, cần đưa ra các tiêu chuẩn về chủ tịch Hội đồng trường mang tính định lượng.
VD như: cần có tiêu chuẩn về Giáo sư, Phó giáo sư, kinh nghiệm quản lý hoặc kinh nghiệm giảng dạy hay không? Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét các quy định về số lượng và thành viên của hội đồng trường. Đồng thời cần quy định chặt chẽ trong Điều 52, trong đó có kiểm định chất lượng giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình với rất nhiều nội dung trong sửa đổi này và cho rằng những nội dung đó sẽ tạo điều kiện để có nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và nhân dân.
Một số nội dung đại biểu Nguyễn Thiện Nhân làm rõ thêm: Thứ nhất: Điều 7, xác định cơ sở giáo dục ĐH công lập do Nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động; đại biểu thấy nên viết rõ: Cơ sở giáo dục ĐH do Nhà nước là chủ sở hữu, đầu tư và đảm bảo điều kiện hoạt động. Chủ sở hữu là rất quan trọng, với ĐH tư thục cũng vậy.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân |
Thứ 2: Dự thảo nêu rõ Hội đồng trường ĐH công lập là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu nhà nước. Theo đại biểu, điều này rất đúng, nhưng chủ sở hữu nhà nước là ai thì trong dự thảo Luật chưa xác định. Đề nghị bổ sung thêm.
Thứ 3: Thành viên Hội đồng trường, theo đại biểu, Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến Hội đồng trường. Ví dụ: danh sách dự kiến hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Danh sách dự kiến Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải được chủ sở hữu duyệt trước, sau đó bầu Chủ tịch Hội đồng trường chỉ trong danh sách được duyệt đó.
Thứ 4, về Điều 32: Cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, điều này đúng nhưng chưa đủ, cần nói rõ: chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước người học, trước các tổ chức cá nhân liên quan…
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) đánh giá, Dự thảo luật được soạn thảo kỹ càng, tiếp thu nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần xem xét lại quy định về thành lập trường đại học nhằm đảm bảo công khai, minh bạch. Liên quan đến xử lý vi phạm tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học, đại biểu đề nghị cần xác định tính chất mức độ vi phạm để có chế tài xử lý hợp lý, không nên quy định chung chung như trong trong Dự thảo Luật.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển |
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (đoàn Bình Định) đề nghị ban soạn thảo cần xem xét cam kết trường đại học không vì lợi nhuận. Cần quy định rõ hơn về nội dung này và việc lựa chọn hiệu trưởng được thực hiện theo phương thức tuyển dụng hay xét tuyển?... Về mở ngành đào tạo, theo đại biểu quy định trong dự thảo rất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng của đào tạo của các trường, đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Đại biểu Huỳnh Cao Nhất |
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh Luật Giáo dục ĐH năm 2012 đã bộc lộ nhiều bất cập về quản trị ĐH, tài chính – tài sản, quản lý quản trị đại học… cần sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và đồng bộ với các luật khác.
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo |
Theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH cơ bản đáp ứng đủ điều kiện để được thông qua lần này. Đưa ra nhận định này, đại biểu Phương Thảo đồng thời nêu một số góp ý hoàn thiện dự thảo liên quan đến tự chủ đại học; xem lại quy định về trách nhiệm của Hội đồng trường; nhất thiết bổ sung trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục ĐH trước và sau khi thực hiện tự chủ…
Đại biểu Hồ Thanh Bình (đoàn An Giang) đánh giá, so với dự thảo lần đầu, dự thảo luật lần này đã tiếp thu và hoàn chỉnh hơn.
Liên quan đến quy định về hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường, đại biểu đồng tình với tiêu chuẩn về kinh nghiệm. Tuy nhiên đây chỉ nên là tiêu chuẩn ưu tiên. Theo một số trường đại học trên thế giới, họ lựa chọn chủ tịch Hội đồng trường dựa còn vào uy tín, kinh nghiệm quản lý, điều hành…
Đại biểu Hồ Thanh Bình |
Cũng theo đại biểu, dự thảo đã tham khảo mô hình hội đồng trường của một số nước trên thế giới. Riêng quy định về hiệu trưởng, đại biểu tán thành quy định như trong dự thảo. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm hiệu trưởng có bao nhiêu nhiệm kỳ.
Về nội dung tự chủ đại học, theo đại biểu, dự thảo luật đã chi tiết hóa nhiều nội dung. Đây là bước tiến quan trọng của dự thảo nhằm giúp các trường phát huy quyền tự chủ, từng bước hội nhập và phát triển. Tuy nhiên, cần lưu ý, các quyền tự chủ của luật này vẫn đang bị hạn chế bởi các luật khác. Vì thế cần nghiên cứu, xem xét.
Đại biểu, đề nghị dự thảo cần làm rõ thêm chức danh trợ giảng, quyền hạn và nghĩa vụ của trợ giảng. Đồng thời cần hiện thực hóa triết lý lấy người học là trung tâm và đảm bảo các quyền lợi của người học.
Đánh giá sự tiếp thu rất nghiên túc các ý kiến đóng góp của Ban soạn thảo, Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) đề nghị: Dự thảo Luật quy định về cơ sở giáo dục ĐH hoạt động định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng, cần xác định rõ từng loại hình cơ sở giáo dục ĐH là gì; đề nghị thống nhất một mô hình ĐH chung nhằm đơn giản hóa mô hình giáo dục ĐH; đề xuất thành viên ngoài trường trong Hội đồng trường chiếm tỷ lệ 20-30%...
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ |
Liên quan đến trách nhiệm giải trình của các trường đại học khi thực hiện tự chủ, Đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) đề nghị quy định rõ hơn để đảm bảo tính minh bạch, công khai và coi là việc phải làm thường xuyên chứ không phải khi nào yêu cầu mới thực hiện.
Theo xu hướng đại học quốc tế, đào tạo đại học hiện nay đang theo các hình thức: bán thời gian, tập trung và đào tạo từ xa. Sự khác biết này chỉ là về hình thức đào tạo.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng |
Liên quan đến văn bằng, đại biểu đề nghị quy định thống nhất một loại văn bằng như nhau không phân biệt chính quy hay vừa học, vừa làm và phải đảm bảo công bằng, đáp ứng được các tiêu chuẩn chung về chất lượng giữa các hình thức đào tạo.
Góp ý tại điều 52 có liên quan đến kiểm định chất lượng giáo dục, đại biểu đề nghị, cần rà soát lại quy định này và thực hiện theo hướng quy định về chuyên môn và có thể xã hội hóa về vấn đề này.
GS Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy văn Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tiếp thu các ý kiến của đại biểu:
Bộ phận thẩm tra và Ban soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ để tiếp thu các ý kiến của đại biểu. Đến nay, đa số đại biểu đồng ý với báo cáo giải trình, tiếp thu cũng như dự thảo Luật đã trình Quốc hội. Các ý kiến góp ý của các đại biểu tiếp tục được ghi nhận và tiếp thu.
GS Phan Thanh Bình cho biết: 2 vấn đề lớn tập trung trong sửa Luật lần này là làm sao để tăng tự chủ thật sự cho trường ĐH; tạo điều kiện để phát triển các trường tư thục, từ đó tạo cạnh tranh thúc đẩy hệ thống giáo dục ĐH phát triển.
GS đồng thời nhấn mạnh 4 quan điểm Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra quán triệt trong quá trình soạn thảo Luật là: Tôn trọng quy luật phát triển và thông lệ quốc tế; tôn trọng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục ĐH, tạo hành lang pháp lý để các trường ĐH phát triển tốt nhất; tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở giáo dục ĐH, nhưng cố gắng giữ ổn định hệ thống giáo dục ĐH hiện nay; quản lý nhà nước không phải cầm tay chỉ việc mà tạo môi trường, quy hoạch hệ thống để các trường hoạt động tốt…