Hai nhà khoa bảng xứ Thái được vua Lê ban tên

GD&TĐ - Tiến sĩ Nguyễn Cấu và Đỗ Cận sau khi đỗ đại khoa đã được vua Lê Thánh Tông ban tên để thể hiện lòng tin dùng và yêu mến nhân tài.

Đền thờ Tiến sĩ Đỗ Cận.
Đền thờ Tiến sĩ Đỗ Cận.

Phục vụ 6 đời vua Lê

Thành phố Phổ Yên (Thái Nguyên) có hai vị Tiến sĩ nổi danh là Nguyễn Cấu tự là Phúc Trung, sinh năm 1442 tại làng Thanh Thù (nay là xóm Thanh Xuân, phường Đồng Tiến) và Đỗ Cận tự là Hữu Khác, sinh năm 1434 người Thống Thượng (nay là xã Minh Đức). Cả hai ông đều đỗ đại khoa thời vua Lê Thánh Tông, được vua đổi tên và để lại những câu chuyện cảm động về lòng trung thành.

Năm 21 tuổi, tức năm Quý Mùi (1463), Nguyễn Cấu đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm 1463 do Hàn lâm viện Thị giảng Đào Cử vâng sắc soạn, Cẩn sự Thị lang Nguyễn Tủng vâng sắc viết chữ (chân), Mậu lâm lang Tô Ngại vâng sắc viết chữ triện, có đoạn: “Thánh thiên tử lên ngôi báu đã 4 năm, vận hội văn chương tựa sao sáng, nhân tài như mây họp. Gặp năm có khoa thi lớn, kẻ sĩ ca bài Lộc minh mà đến, đông tới 1.400 người, để cùng nhau đua tranh tài nghệ trong chốn xuân vi, hạng xuất sắc chọn được 44 người.

Ngày 16 tháng Hai, Hoàng thượng ngự ở hiên điện thân hỏi về đạo trị nước của các bậc đế vương; sai bọn Nguyễn Lỗi làm Đề điệu, Tế tửu Lê Niệm cùng trông coi công việc. Sáng hôm sau, Học sĩ Nguyễn Như Đổ, Nguyễn Vĩnh Tích, Tế tửu Nguyễn Bá Ký dâng quyển lên đọc.

Hoàng thượng ngự lãm, định thứ bậc cao thấp. Ngày 22, vua ngự điện Kính Thiên cho gọi loa xướng tên người thi đỗ. Quan Bộ Lễ rước bảng vàng ra yết ngoài cửa Đông Hoa để cho các sĩ tử xem tên. Lại ban áo mũ, yến tiệc để tỏ ý yêu mến đặc biệt, ơn sủng thật trọng hậu.

Kẻ sĩ may mắn được ghi danh vào tấm đá này, phải làm cho danh đúng với thực, sửa nết giữ mình, bắt chước Văn Hiến giữ lòng. Những người ở chức tháp tùng hầu vua phải lo dâng tiến mưu hay, những người nắm giữ kỷ cương phải lo làm cho chính sự trong sạch, những người cai trị địa phương phải lo làm sao rạng tỏ đức bề trên mà thấu tình người dưới, những người giữ quyền chăn dân phải lo sao cho nơi mình làm quan dân được no đủ mà gốc nước được vững bền…”.

Sau khi vinh quy bái tổ, Nguyễn Cấu được triều đình bổ nhiệm làm quan, được vua Lê Thánh Tông ban tặng tên Cấu (Nguyễn Cấu) và là một trong số những quan văn có tài năng được chuyển hàng quan võ, làm quan tới chức thị vệ - là chức vụ chỉ huy quân thị vệ, túc vệ chuyên tháp tùng vua, chức vụ này thời ấy thường lấy quan đại thần ban võ kiêm quản.

Nguyễn Cấu làm quan 6 đời vua Lê: Lê Thánh Tông (1460-1497); Lê Hiến Tông (1498-1504); Lê Túc Tông (1504); Lê Uy Mục (1505-1509); Lê Tương Dực (1510-1516); Lê Chiêu Tông (1516-1522). Ông có nhiều thăng tiến trên con đường võ nghiệp dài gần 60 năm, chủ yếu giữ trọng trách bảo vệ trong cung cấm.

Vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 16, nhà Lê bắt đầu suy yếu. Năm 1522 Mạc Đăng Dung cướp ngôi, vì hoảng sợ vua Lê Chiêu Tông đã bỏ kinh thành về vùng Minh Nghĩa, Sơn Tây (Hà Nội ngày nay) để lánh nạn. Lúc bấy giờ, đã ở tuổi 81 nhưng vì có nhiều công trạng nên Nguyễn Cấu được giao nhiệm vụ bảo vệ cung cấm và khu vực kinh thành. Ngày 27/7/1522 quân của Mạc Đăng Dung tiến vào kinh thành và sát hại những người trung thành với vua Lê, trong đó có Chỉ huy sứ Thị vệ Nguyễn Cấu.

Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu.

Đền thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu.

Vị đại khoa tiết nghĩa

Sau khi tử trận, thuộc hạ thân tín dưới quyền đã lấy thủ cấp của Nguyễn Cấu mang về quê nhà khâm niệm, mai táng (nay là xóm Phong Niên, xã Tân Hương, Phổ Yên).

Tương truyền, thủ cấp của ông được đặt dưới một gốc cây to ở ngoài làng, trong lúc những cận vệ của ông về báo tin dữ cho gia đình và chuẩn bị lễ mai táng, đến khi họ chạy ra gốc cây bèn thấy một hiện tượng lạ - thủ cấp của ông đã bị mối xông lên thành đống to. Thấy chuyện linh thiêng, người nhà Nguyễn Cấu đã để nguyên như cũ.

Theo gia phả dòng họ Nguyễn ở Thanh Thù, khi nhà Lê trung hưng khôi phục lại ngôi báu, vua đã sắc phong cho Nguyễn Cấu là “Lê triều Khâm sai đại thần - Chỉ huy sứ - Thị vệ Long quân cẩm hầu - Chánh Đô đốc - Đức Bác quận công - Thượng đẳng thần”.

Lê triều khâm sai đại thần là chức đại thần trong triều Lê được đặc phái ra ngoài để làm việc nội chính. Chức Chỉ huy sứ là chức võ quan, đời Hồng Đức nhà Lê cho hàm Chánh thứ phẩm phụ trách các ban ở trước cung điện nhà vua; chức Đô đốc có tả Đô đốc và hữu Đô đốc hàm Tòng nhất phẩm xếp ngang với Tam thiếu là những chức vụ cực lớn trong triều.

Để tưởng nhớ về một tấm gương học rộng tài cao – một tấm lòng trung quân ái quốc vào năm 1522, dân địa phương đã xây dựng mộ cho ông bằng đá ong trên một doi đất ở cánh đồng Nghè, xóm Phong Niên. Thời Lê trung hưng và thời nhà Nguyễn đều có sắc phong cho làng Thanh Thù thờ Tiến sĩ Nguyễn Cấu làm Thành hoàng.

Đến nay, ngôi mộ đã được tôn tạo rộng rãi và khang trang với căn nhà ba gian để thờ cúng. Mộ của ông có hình vuông với chiều dài các cạnh là 1,5m, cao 1,5m, phía trên mộ có một ngôi miếu nhỏ mái uốn vòm. Hằng năm, cứ đến ngày 27 tháng 7 (âm lịch), con cháu Nguyễn Cấu lại tổ chức làm lễ cúng giỗ ông.

Hiện nay, đình Thanh Thù - quê hương của Tiến sĩ Nguyễn Cấu vẫn lưu một số bản thư mục thần tích, thần sắc, bài vị, câu đối, hoành phi về ông. Tuy nhiên, di sản Hán Nôm ở Phổ Yên lại không thấy ghi lại bút tích hoặc văn khắc của Tiến sĩ Nguyễn Cấu.

Được vua đổi tên từ “Viễn” thành “Cận”

Tượng thờ nhà khoa bảng Đỗ Cận.

Tượng thờ nhà khoa bảng Đỗ Cận.

Người đồng hương với Nguyễn Cấu là Đỗ Viễn tham gia kỳ thi khoa Mậu Tuất (1478) và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi này cho biết “chọn hạng trúng cách tất cả 62 người”, khoa này về hàng Tiến sĩ cập đệ không có đệ nhất danh, chỉ ban cho Lê Quảng Chí đỗ Đệ nhị danh, Trần Bích Hoành, Lê Ninh đỗ Đệ tam danh; còn lại ban cho Nguyễn Địch Tâm 9 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, Nguyễn Hiến 50 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Mến mộ tài năng của Đỗ Viễn, vua Lê Thánh Tông đã đổi tên Đỗ Viễn thành Đỗ Cận. Theo phân tích của giới nghiên cứu lịch sử, “Cận” ở đây không phải là “gần” mà có nghĩa là “yết kiến” nhà vua.

Theo quan chế thời Hồng Đức (ban hành năm 1472) những người như Tiến sĩ Đỗ Cận buổi đầu bước vào quan trường chỉ được mang hàm Tòng Thất phẩm, chức vụ chỉ được giao chức tri huyện hoặc chức Cấp sự trung - một chức vụ đứng vị trí thứ hai ở một trong 6 khoa trong triều.

Thế nhưng 5 năm sau khi làm quan, Đỗ Cận được cử làm Phó sứ trong phái đoàn sứ bộ nhà Lê sang cống nhà Minh, bởi ông là người có học thức cao, ứng đối giỏi, có tài văn học và được nhà vua quý mến.

Trong đợt đi sứ nhà Minh ấy, ông đã viết tác phẩm “Kim Lăng ký” nổi tiếng, là tập ký về phong tục, con người, cảnh vật đất Kim Lăng thuộc Nam Kinh (kinh đô của nhà Minh) bằng chữ Nôm, hai bài thơ trong chuyến đi này được Lê Quý Đôn chép lại trong sách “Toàn Việt thi lục”. Tương truyền ông còn là tác giả truyện thơ “Phan Trần” viết bằng chữ Nôm được phổ biến cho đến ngày nay.

Trong vòng 20 năm cống hiến và thăng tiến trên quan trường, từ một chức quan nhỏ với hàm Tòng Thất phẩm, Đỗ Cận được làm Phó sứ, rồi làm Tham nghị xứ Quảng Nam. Nhờ tài năng và sự cống hiến của một bậc quân tử, ông được làm tới chức Thượng thư với hàm Tòng Nhị phẩm.

Không chỉ là một vị quan tài năng đức độ và cần mẫn, Đỗ Cận còn là thành viên của Hội Tao Đàn nhị thập bát tú - nơi tập hợp những nhà thơ tài năng nhất của nền thi ca thời Hồng Đức do vua Lê Thánh Tông sáng lập và làm Đô nguyên suý. Đỗ Cận có những bài thơ hay được so sánh cùng những tuyệt tác của thi nhân Trung Hoa.

Dù là quan lớn, Đỗ Cận vẫn đau đáu nghĩ về quê hương. Ông đã thuê thợ giỏi, kén gỗ tốt dựng đền Lục Giáp tại xã Đắc Sơn, phỏng theo kiểu dáng Văn Miếu thay cho ngôi đền cũ nhỏ.

Ngưỡng mộ và biết ơn ông, sau khi Đỗ Cận mất nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay chân núi Phổ Sơn để thờ phụng. Ông cũng được tôn thờ tại đền Lục Giáp, cùng với những người anh hùng khác xứ Thái như Dương Tự Minh, Lưu Nhân Chú. Tại ngôi đền này, hàng năm rất nhiều sĩ tử đến thắp hương cầu mong đỗ đạt như Tiến sĩ Đỗ Cận.

Tên của Tiến sĩ Nguyễn Cấu và Đỗ Cận đều được chọn để đặt cho hai con đường tại thành phố Phổ Yên. Năm 1997, Trường Cấp II năng khiếu Phổ Yên được đổi tên thành Trường THCS Đỗ Cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.