Nhà khoa bảng 'sinh vi tướng, tử vi thần'

GD&TĐ - Không chỉ là nhà khoa bảng nổi tiếng thời Lê, Tiến sĩ Đặng Phi Hiển còn có công lớn trong việc tiễu trừ giặc phỉ, giữ yên cuộc sống nơi biên thùy.

Đền Đông - nơi thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển.
Đền Đông - nơi thờ Tiến sĩ Đặng Phi Hiển.

Đứng đầu Đệ tam giáp

Tiến sĩ Đặng Phi Hiển sinh ngày 9 tháng 9 năm 1603 tại làng Thụy Thỏ, huyện Giao Thủy, nay là thôn Ngọc Thỏ, xã Tân Thịnh (Nam Trực – Nam Định). Từ nhỏ Đặng Phi Hiển đã nổi tiếng thần đồng, thông minh, ham học. Năm 1628 khi vừa tròn 25 tuổi, ông tham gia kỳ thi và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

Theo Văn bia đề danh Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khoa thi năm Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ 10 (1628) đời vua Lê Thần Tông, chọn dự tuyển 18 người, chính là khoa thi thứ nhất đời Trung hưng. Khi dâng quyển đọc, vua ngự lãm, xét định thứ tự cao thấp.

Ban cho Giang Văn Minh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Dương Cảo và hai người khác đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, Đặng Phi Hiển và 13 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Về danh hiệu “Cập đệ” thì từ khi khôi phục mới bắt đầu thấy có ở khoa này. Việc ban cấp áo mũ cho dự yến tiệc đều theo lệ cũ, tước trật chức vị đều theo quy chế.

Cũng theo văn bia đề danh, Đặng Phi Hiển đứng đầu trong số 14 người đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Sau khi vinh quy bái tổ, ông được triều Lê bổ làm quan ở Trung thư giám giữ việc biên chép, viết chế biểu, văn tế các đền miếu của quốc gia.

Là người thông minh hay chữ, Đặng Phi Hiển tỏ rõ năng lực trong mọi việc. Ông đã phụng soạn nhiều ngọc phả, thần phả có giá trị lịch sử cũng như văn chương. Theo tài liệu lịch sử của huyện Nam Trực, Đặng Phi Hiển sinh ra và lớn lên giữa thời đất nước có nhiều biến động, khi nhà Mạc đã suy yếu và chúa Trịnh ngày một chuyên quyền lấn át vua Lê.

Trịnh Tùng bức tử vua Lê Kính Tông để lập Lê Duy Kỳ (Thần Tông) lên làm vua, khi ấy Lê Duy Kỳ 12 tuổi. Trịnh Tráng nối nghiệp, năm Canh Ngọ ép gả con của chúa đã có chồng 4 con (chồng là Lê Trụ đang bị tội giam trong ngục) để lập làm Hoàng hậu, lại cho người sang nhà Minh cầu phong để được làm An Nam phó quốc vương và gấp rút chuẩn bị đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Đặng Phi Hiển không chỉ chứng kiến những cuộc giao tranh của hai phe Trịnh - Nguyễn, mà còn tận mắt thấy bọn quan sai và võ tướng phần nhiều cậy thế, được thân cận với cung vua phủ chúa, ít chịu tuân theo chiếu chỉ mệnh lệnh, thường lợi dụng mỗi khi huy động sức người, sức của để tham nhũng, hối lộ.

Trước thực trạng ấy, năm 1632 triều đình Lê - Trịnh buộc phải bãi chức một số quan lại cao cấp, nhằm răn đe những kẻ chuyên quyền, lợi dụng chức tước để lôi bè kết phái.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Mùa Hạ, tháng Tư, bãi chức Nguyễn Tuấn và Nguyễn Lại. Bấy giờ, bọn Lại bộ Tả thị lang là Nguyễn Tuấn và Hữu thị lang Lại bộ là Nguyễn Lại, khi tuyển bổ các chức thường hay nhũng lạm. Quan triều là Nguyễn Thực và Nguyễn Khải họ bị bãi chức”.

Sau rồi lại cho một số tiếp tục công việc, như đổi ngang chức cho Trần Nghi ra làm Tham Chính xứ Sơn Tây. Bổ nhiệm thêm quan chức có năng lực như “đưa Phạm Phúc Khánh lên làm Hiến sát sứ Lạng Sơn, Đặng Phi Hiển làm Hiến sát sứ Tuyên Quang”. Ở Tuyên Quang, Đặng Phi Hiển được đánh giá là vị quan thanh liêm, biết quan tâm đến đời sống dân chúng, ra sức tiễu trừ giặc phỉ phương Bắc, giữ yên biên thùy.

Sống lập công danh

Tấm bia đá dựng năm Duy Tân thứ 6 do Tú tài Đặng Phúc Thủy soạn.

Tấm bia đá dựng năm Duy Tân thứ 6 do Tú tài Đặng Phúc Thủy soạn.

“…Ông văn mỗ đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ đệ nhất danh năm Lê Vĩnh Tộ thứ 10, làm quan đến Đông các Thượng trụ quốc, tước Hầu, công lao trải qua bốn triều mọi người đều sùng bái ngưỡng mộ.

Đến cuối triều Lê, sông lở nhân dân phần nhiều rời đi nơi khác, ông Đặng Phi Hiển đến ở xã Liên Tỉnh sinh được 6 con trai đều hiển đạt, khoảng niên đại Gia Long (1802 - 1819) thì trở về quê cũ.

Sau gặp thời loạn mà thất lạc mất phả ký, vì vậy thứ tự và sự tích chỉ còn là giấc mơ” - Bản dịch “Đền Đông bia để muôn đời” dựng năm Duy Tân thứ 6 do Tú tài Đặng Phúc Thủy soạn.

Sau các cuộc giao tranh Trịnh – Nguyễn, quân chúa Nguyễn phải rút khỏi 7 huyện ở Nghệ An, Đặng Phi Hiển được cử làm trấn thủ Thanh Hóa vào năm 1663 để ổn định biên giới phía Tây.

Hiện trong đền thờ vẫn còn câu đối nói về công lao của Đặng Phi Hiển: Trấn Tây thanh trực nhân vô đối/Khổng Bắc công huân thế hãn tầm (Vâng lệnh trên giữ gìn cõi Tây, tiếng liêm trực đời không kể sánh/Phụng lệnh vua dẹp yên phương Bắc, nổi công lao thuở ấy ai bằng).

Khi về làm quan nội triều ông được giao phụng soạn nhiều văn bản của triều Lê Thần Tông. Do có nhiều công lao, ông được phong Đông các Đại học sĩ Thượng trụ quốc.

Lúc đã cao tuổi, triều đình còn cử ông ra đảm trách việc sửa sang xây dựng đền vua Đinh, vua Lê ở cố đô Hoa Lư. Tuy tuổi cao, sức yếu ông vẫn cố gắng hoàn thành công việc.

Ông đã làm đôi câu đối về vua Đinh Tiên Hoàng, như sau: Bình nội loạn, chế triều nghi, chính thống sơ khai tề Bắc địa/ Định đô thành, miễn thuế lệ, hoàng cương thủy kiến tại Nam thiên (Dẹp nội loạn, định kỷ cương, mở nền độc lập sánh ngang đất Bắc/ Lập đế đô, miễn sưu thuế, xây dựng cơ đồ lừng lẫy trời Nam).

Đặng Phi Hiển cũng để lại nhiều thơ văn cũng như là tác giả đặt tên cho nhiều đình đền. Trong đó, chùa Hà Lạn tại Hải Hậu (Nam Định) là một ví dụ gắn với công cuộc khai hoang do An phủ sứ Vũ Duy Hòa thực hiện vào những năm 1619 - 1628.

Còn tại đền Lựu Phố thuộc huyện Mỹ Lộc, Tiến sĩ Đặng Phi Hiển cũng để lại 4 câu thơ tứ tuyệt nói về Thám hoa họ Hà Nhân Giả và truyền thuyết dân gian về lời nguyền Lựu Phố.

Chuyện là Hà Nhân Giả vốn là con nuôi người họ Hà nhưng thông minh, lanh lợi. Năm 1502, Hà Nhân Giả đỗ Thám hoa khoa Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống 5 và làm quan đến chức Hiến sát sứ triều Lê. Bởi người ta cho rằng Hà Nhân Giả là con nuôi, không phải là hoàng đinh của làng nên bị hương lý, kỳ hào và người làng kỳ thị.

Hà Nhân Giả lễ tạ tổ tiên, và quỳ xuống trước mặt bố mẹ nuôi cảm tạ ông bà, dù không sinh ra, nhưng đã bao công dưỡng dục, rồi xin phép để được từ tạ cha mẹ.

Hà Nhân Giả đi một mạch đến cửa Tuần Vường, trịnh trọng bê một tảng đá trên bờ ném xuống lòng sông và nguyền rằng: Thề cùng trời, đất có quỷ thần chứng giám, khi nào hòn đá này nổi lên, mây chìm xuống nước, bấy giờ ở Lựu Phố mới có người đỗ đại khoa. Hà Nhân Giả thề xong không quên quay về nhà bố mẹ nuôi từ tại lần cuối, rồi đi đâu không rõ.

Trong sự nghiệp chữ nghĩa, Đặng Phi Hiển cũng để lại một số trước tác giá trị cùng những bài thơ hay. Trong đó có bài “Kiếm hồ vọng dạ”, được người đương thời truyền tụng: “Bất tri hồ hữu tự hà thì/ Thủy bộ phân minh nhất kính đài/ Thủy họa vân phi tinh củng nguyệt/ Bộ vi thụ bích tứ liên bài/ Chu trung ẩm tửu giai nhân luận/ Vọng dạ ngâm thi thố nhập đoài/ Hoạn hải ba đào tư cố quán/ Bạch đầu lộ thấp phản thư trai”.

Được dân tôn thánh

Tiến sĩ Đặng Phi Hiển để lại nhiều di bút tại các đình - đền - chùa (chùa Hà Lạn do Đặng Phi Hiển đặt tên).

Tiến sĩ Đặng Phi Hiển để lại nhiều di bút tại các đình - đền - chùa (chùa Hà Lạn do Đặng Phi Hiển đặt tên).

Ngày 21 tháng 3 năm 1678, Tiến sĩ Đặng Phi Hiển qua đời. Để tỏ lòng thương tiếc, vua Lê đã nhiều lần ban tặng sắc phong, được dân địa phương tôn làm Thành hoàng làng, được thờ ở đền Đông thuộc thôn Thụy Thỏ. Đền được xây theo hướng Đông Nam.

Cổng đền có kiến trúc theo kiểu nhà chè, mái che giả ngói ống cùng đôi câu đối: Công tại Lê triều danh tại sử/ Sinh vi danh tướng tử vi thần (Công ở triều Lê, tên trong sử/ Sống là tướng giỏi, thác là thần).

Sân đền có vườn hoa, chính giữa là bức bình phong xây gạch vữa Thiệu Trị ban chữ: Thế đại canh thiên từ nhược cựu/ Nhân tâm hoán cải đức trường lưu (Thời cuộc dù thay đổi thì đền vẫn thế/ Lòng người dù có khác nhưng đức mãi vẫn còn).

Kiến trúc đền theo kiểu tiền nhất, hậu đinh với ba gian tiền đường, ba gian trung đường và một gian chính tẩm. Tiền đường được xây lại vào năm Bảo Đại thứ 7 (1932) theo kiểu cột gạch, vòm cuốn, mái lợp ngói nam. Cửa tòa tiền đường cuốn vòm để trống phía trước và hai đốc hai bên.

Đền Đông hiện còn lưu nhiều hiện vật có giá trị. Đặc bia là bia đá dựng ngày 15 tháng 3 năm Duy Tân thứ 6 (1912), nội dung văn bia do Tú tài khai khoa Đặng Phúc Thủy soạn.

Lễ hội truyền thống đền Đông hàng năm được tổ chức hai kỳ lễ vào (ngày mất) 21 tháng 3 (ngày sinh) 9 tháng 9 của Tiến sĩ Đặng Phi Hiển. Khi chuẩn bị mở hội, các chức sắc trong làng đều ăn chay trước ngày vào lễ để tỏ lòng tôn kính đối với nhà khoa bảng “sinh vi tướng, tử vi thần”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Khám phá bản đồ sao chi tiếtapp than so học online