Hai năm Hà Nội thí điểm xé rào "giờ giới nghiêm"

Số hộ đăng ký kinh doanh đến 2h sáng ngày càng giảm, một số cơ sở phải dừng hoạt động vì hàng xóm phản đối.

Khách nước ngoài ở phố Tạ Hiện. Ảnh: Ngọc Thành.
Khách nước ngoài ở phố Tạ Hiện. Ảnh: Ngọc Thành.

2h sáng, những người khách cuối cùng từ khu phố đêm Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến lục tục ra về. Cảnh sát và dân phòng đến từng cửa hàng nhắc nhở đóng cửa. Đây là dịp cuối tuần nên khu phố này được phục vụ khách đến quá nửa đêm - chủ trương này được thành phố cho thí điểm hơn 2 năm qua.

Giữa tháng 8/2016, trong một cuộc tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói thành phố sẽ có một số hoạt động để thúc đẩy phát triển du lịch, bao gồm nới lỏng quy định cấm kinh doanh sau 24h.

Nửa tháng sau, Hà Nội cho phép các khách sạn từ 3 sao trở lên (trên toàn thành phố), các quán bar, nhà hàng khu vực hồ Hoàn Kiếm được mở cửa đến 2h sáng vào 3 ngày cuối tuần, sau rút xuống còn 2 ngày là thứ Sáu và thứ Bảy. 

Lúc này quận Hoàn Kiếm đã kêu gọi các hộ đăng ký hoạt động sau "giờ giới nghiêm". Thời gian đầu có 65 hộ đăng ký, tập trung chủ yếu ở khu Tạ Hiện với các lĩnh vực như ăn uống, karaoke, quán bar...

Sau hơn hai năm triển khai, đến nay còn 54 hộ kinh doanh. Trong số các hộ "rời cuộc chơi" có 6 hộ bị dừng hoạt động vì vi phạm quy định phòng cháy, chữa cháy và điều kiện kinh doanh.

Công an nhắc nhở chủ hộ kinh doanh đóng cửa hàng quán sau 0h. Ảnh: Ngọc Thành

Công an nhắc nhở chủ hộ kinh doanh đóng cửa hàng quán sau "giờ giới nghiêm". Ảnh: Ngọc Thành.

Lý giải việc trên địa bàn có hàng trăm hộ kinh doanh dịch vụ ban đêm, song chỉ 65 hộ đăng ký mở cửa đến 2h sáng, ông Đoàn Quang Cường - Phó phòng kinh tế quận Hoàn Kiếm nói, "người dân khá dè dặt bởi khi đã đăng ký chính thức thì sẽ phát sinh nhiều vấn đề như bố trí thêm nhân công, chi phí và thực tế khách cũng không đông như mong đợi".

Theo ông Cường, việc thí điểm phát triển kinh tế đêm ở quận trung tâm thủ đô chưa cho thấy sự "ảnh hưởng rõ rệt đến kinh tế - xã hội". Năm 2016, doanh thu các hộ mở cửa đến 2h sáng tăng hơn 50%, nhưng đến 2018 chỉ còn tăng khoảng 30%. 

"Ngày thường hàng quán được mở đến 12h, cuối tuần đến 2h, thêm 2 tiếng là quá ngắn, khách chỉ uống thêm được vài chai bia, nghe thêm mấy bài nhạc là phải về", ông Cường nhận xét.

Nhìn lại quá trình thí điểm, ông Cường nói chính quyền có khó khăn là "chưa tìm được cơ sở pháp luật, quy định để thực hiện, nên chỉ có thể đưa ra một số tiêu chí cơ bản cho các hộ kinh doanh đêm".

Ông Nguyễn Trung Thủy, Chủ tịch UBND phường phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) - địa bàn có nhiều tuyến đường nằm cạnh Hồ Gươm như Đinh Tiên Hoàng, Hàng Dầu, Trần Nguyên Hãn..., cho biết suốt 3 năm qua, toàn phường chỉ có hai hộ đăng ký hoạt động quán bar, cà phê đến 2h sáng.

Tuy nhiên, vừa qua phường đã đề nghị Phòng kinh tế quận Hoàn Kiếm rút giấy phép hoạt động, do chủ các cửa hàng này kinh doanh cả bóng cười, shisha, mở nhạc to...

"Họ kinh doanh quá 2h, bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần vẫn tái phạm", ông Thủy nói.

Trung tá Phạm Văn Hiển, Đội trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Hoàn Kiếm) thông tin thêm, không chỉ hai cơ sở ở phường Lý Thái Tổ mà các phường Hàng Buồm, Hàng Bạc... cũng có những hộ vi phạm tương tự.

Giữa tháng 7, Công an TP Hà Nội huy động 250 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt kiểm tra hoạt động của 20/46 điểm kinh doanh ở quận Hoàn Kiếm. Tại một số bar trên phố Hàng Buồm, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện..., nhà chức trách đã phát hiện có bóng cười và shisha.

"Có phường thu được nhiều bình khí bóng cười đến nỗi không có chỗ để giữ, các quán dù bị phạt tiền nhiều lần nhưng do lợi nhuận họ vẫn bất chấp", trung tá Hiển nói.

Theo ông Hiển, việc thành phố cho phép các hộ ở phố cổ kinh doanh đến 2h sáng dịp cuối tuần đã đáp ứng một phần nhu cầu của du khách, giúp các chủ cơ sở có thêm thu nhập và đóng góp vào phát triển kinh tế của quận; ngoài ra cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận thanh niên.

Tuy nhiên quá trình thí điểm phát sinh nhiều vấn đề. Trong đó để đảm bảo an ninh, trật tự vào các đêm cuối tuần, công an quận Hoàn Kiếm thường phải huy động tới 400 cán bộ, chiến sĩ, gây tình trạng quá tải công việc cho lực lượng chức năng.

Việc thí điểm nới lỏng "giờ giới nghiêm" của quận Hoàn Kiếm còn gặp trở ngại khác đến từ sự phản ứng của người dân trên địa bàn.

9h sáng thứ Bảy, khuôn mặt phờ phạc, ông Nguyễn Bảo Anh (68 tuổi, Tổ trưởng dân phố số 4, phường Lý Thái Tổ) than thở, cả đêm qua gia đình ông gồm 6 người, trong đó có hai cháu nhỏ đều không ngủ được vì tiếng nhạc từ quán bar bên cạnh dội sang quá to.

"Nhà tôi đóng kín cửa vẫn nghe ầm ầm bên tai. Ai nấy đều sống trong cảnh mệt mỏi, mất ngủ", ông Bảo Anh nói và cho hay trong tất cả cuộc họp tổ dân phố hai năm nay, chủ đề bàn luận, kiến nghị nhiều nhất là ảnh hưởng tiếng ồn từ quán bar.

Từ khi thành phố thí điểm kinh doanh đến 2h sáng cũng là lúc 50 hộ dân với 300 nhân khẩu mất ăn, mất ngủ. Các hộ dân ở đây nằm sát vách với nhà hàng số 20 Hàng Tre, một trong số các cơ sở kinh doanh đến 2h sáng.

Ông Nguyễn Văn Khang, 72 tuổi, cùng tổ dân phố cho hay, gia đình ông đã làm thêm vách ngăn cách âm mà vẫn không hiệu quả. "Chúng tôi mong chính quyền không cấp phép kinh doanh đến 2h sáng cho những hộ quá gần khu dân cư", ông Khang nói.

Từ góc độ người kinh doanh, anh Nguyễn Văn Quang, chủ quán bia ở ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, cho rằng chủ trương thí điểm nới lỏng "giờ giới nghiêm" của quận Hoàn Kiếm không được đón nhận trong thực tiễn.

"Quận đi theo hướng vận động từng hộ đăng ký, trong khi đây là nhu cầu với hầu hết các hộ kinh doanh ở Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến. Theo tôi, quận nên ban hành khung chính sách chung để áp dụng cho cả khu phố thay vì yêu cầu từng hộ đăng ký", anh Quang nói.

Theo anh, khu Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến hầu hết là mặt bằng cho thuê để kinh doanh, việc mở cửa hàng khuya sẽ ít ảnh hưởng đến người dân xung quanh như các nơi khác; việc đảm bảo an ninh, trật tự cũng thuận lợi do dãy phố không quá dài.

"Có thể ở Hàng Tre, quán bar mở muộn sẽ ảnh hưởng đến hàng xóm, nhưng Tạ Hiện thì không vì ở đây chủ yếu nhà cho thuê. Nếu thành phố tiếp cận theo hướng là quy định các điều kiện chung để kinh doanh ban đêm, có quy hoạch rõ ràng để không ảnh hưởng đến khu dân cư thì hoạt động kinh doanh về đêm sẽ thuận lợi hơn", anh Quang nói thêm.

Phó phòng kinh tế quận Hoàn Kiếm Đoàn Quang Cường cũng đồng tình, việc phát triển kinh tế đêm ở Hà Nội cần được xây dựng theo quy hoạch không gian và thời gian rõ ràng, thay vì kêu gọi từng hộ đăng ký. Khu phố cổ là một trong những địa điểm đông đúc khách du lịch, vẫn được đặt nhiều kỳ vọng cho mô hình này. Đồng thời, ông Cường cho rằng cần kéo dài thời gian kinh doanh đêm, không nên giới hạn ở 2h sáng như hiện nay.

Trong khi chờ chủ trương tiếp theo của thành phố, theo ông Cường, quận Hoàn Kiếm tiếp tục "cho những hộ đã, đang và sẽ đăng ký được hoạt động đến 2h sáng".

Ngày 2/10, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng nói trước năm 2010, việc kinh doanh ban đêm đã phát sinh nhiều vấn đề làm mất an ninh trật tự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Một số thực khách sau ăn uống đã gây rối, tổ chức đua xe.

Công an phải vất vả để ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự nên đề xuất và thành phố đã chấn chỉnh việc kinh doanh sau 0h. "Sau khi có quy định các nhà hàng ăn uống, hộ kinh doanh không được hoạt động quá 0h, tình hình an ninh trật tự ở thủ đô chuyển biến tốt", ông Hùng nói. 

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ