Tại hội nghị “Triển khai mô hình du lịch không khói thuốc trên địa bàn quận Hoàn Kiếm,” diễn ra sáng 1/10 tại Hà Nội, ThS Phạm Thị Thanh Nhàn - Trưởng phòng y tế quận Hoàn Kiếm cho biết, trong tháng 10/2019, sau khi Ban quản lý và Ban Giám đốc 16 điểm văn hóa và 14 đình, đền, chùa thuộc quận Hoàn Kiếm thực hiện ký cam kết "Điểm du lịch không khói thuốc", các điểm này sẽ chính thức trở thành điểm du lịch không khói thuốc.
Đây là 30 trong tổng số 190 điểm văn hóa, di tích thuộc quận Hoàn Kiếm sẽ thí điểm thực hiện mô hình này.
Danh sách 30 điểm du lịch thuộc quận Hoàn Kiếm sẽ thực hiện mô hình điểm du lịch không khói thuốc.
Bà Nhàn cho hay, quận Hoàn Kiếm là quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, là trung tâm du lịch, dịch vụ thương mại.
Trên địa bàn quận có 190 điểm di tích lịch sử và gần 20 điểm du lịch văn hóa. Trong năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã đón trên 2,1 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan và nghỉ lại. Trên địa bàn quận có 311 nhà hàng, khách sạn từ 3 sao trở lên.
Để tạo ra một môi trường du lịch trong sạch, nhiều năm qua UBND quận đã triển khai Luật phòng chống tác hại thuốc lá tại 100% nhà hàng, khách sạn, cơ sở lưu trú, trường học, bệnh viện, công sở trên toàn quận.
"Việc thực hiện điểm du lịch không khói thuốc để khi thăm quan các điểm du lịch, bảo tàng, di tích, hay ăn uống, nghỉ ngơi tại các nhà hàng, khách sạn, du khách sẽ được hưởng bầu không khí trong lành, không có mùi thuốc lá. Đồng thời, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh như ung thư, tim mạch, hen suyễn do phơi nhiễm với khói thuốc lá”, bà Nhàn nói.
Trưởng phòng y tế quận Hoàn Kiếm cũng cho biết, những năm qua, việc xử phạt hành vi hút thuốc lá diễn ra hầu hết ở trong khuôn viên nhà hàng - nơi bị cấm hút thuốc lá trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Trong 8 tháng năm 2019, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận Hoàn Kiếm đã phạt tiền 32 triệu đồng đối với các hành vi hút thuốc lá tại điểm cấm hút thuốc lá. Trước đó năm 2018, số tiền phạt đối với hành vi này là 88 triệu đồng và năm 2017 là hơn 100 triệu đồng.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, hơn 90% ca ung thư phổi, 75% ca bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sử dụng thuốc lá gây ra. Với gần 6 triệu ca tử vong hằng năm trên thế giới do các căn bệnh liên quan đến thuốc lá, trong đó gần 5 triệu ca là ở các nước có thu nhập trung bình và thấp.
Nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời thì trong thế kỷ 21, tổng số ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá sẽ lên tới 1 tỷ người.