Cuộc thi GENIUS Olympiad 2021 với thông điệp Hãy cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Đây là cuộc thi với sự tham gia của các dự án của học sinh trung học quốc tế về các vấn đề môi trường, được tổ chức thường niên tại Mỹ.
Hành động vì môi trường
Nói về việc chọn ý tưởng, chủ đề cho thể loại phim ngắn có tên-A Ticking time bomb, Anh Khuê chia sẻ, GENIUS Olympiad là một cuộc thi giữa các trường trung học phổ thông trên thế giới về những vấn đề môi trường.
Khi nhắc đến ô nhiễm môi trường, mọi người luôn nghĩ đến các nguyên nhân tiêu biểu như rác thải nhựa, bao nylon,... nhưng thực tế vẫn còn một thứ rất gần gũi với chúng ta, đó chính là pin.
Một cục pin nhỏ tưởng chừng như vô hại nhưng lại có thể ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và sức khỏe của con người, vì thế nhóm đã làm nên bộ phim ngắn để nâng cao nhận thức của bạn bè trong nước cũng như trên thế giới về sự ảnh hưởng của pin đến cuộc sống.
Tham gia dự án, các em đã đưa ra giải pháp thu gom pin cũ từ gia đình, bạn bè, học sinh trong Trường THPT Gia Định và rộng hơn nữa là trong cộng đồng. Từ đó, tập hợp chúng để đưa đến những địa điểm thu gom pin đã qua sử dụng,… Khuyến khích người thân sử dụng pin có thể dùng được nhiều lần, tái chế pin, thu gom pin đã qua sử dụng, phân loại rác thải đúng cách.
Sử dụng mạng xã hội để lan tỏa thông điệp, đồng thời tuyên truyền nâng cao ý thức của mọi người về tầm quan trọng của việc tái chế pin đúng cách.
Qua dự án của mình, đôi bạn Anh Khuê và Gia Nghi gửi đến người xem một thông điệp là “Recycling batteries, rescuing the environment” mang ý nghĩa rằng “tái chế pin, giải cứu môi trường”.
“Chúng em muốn mọi người hiểu rằng, chỉ qua một hành động nhỏ của bạn như xử lý pin một cách hợp lý hay mang pin cũ đã qua sử dụng đến đúng nơi tái chế để không trộn lẫn chúng vào rác thải,… chính những việc tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại góp phần rất lớn vào vấn đề bảo vệ môi trường sống của chúng ta”, Gia Nghi nói.
Dự án được khởi động từ tháng 9/2020 đến tháng 3/2021 và được hướng dẫn bởi thầy Nguyễn Minh Trung (giáo viên Sinh học Trường THPT Gia Định). Do tình hình dịch Covid-19 nên các em dự thi với hình thức online, gửi các sản phẩm.
Khi sản phẩm được lọt vào vòng trong, học sinh sẽ tự quay các clip để trả lời câu hỏi từ phía ban tổ chức. Tất cả đều sử dụng tiếng Anh.
Chia sẻ về ý tưởng của dự án, hai em cho biết, khi đặt vấn đề về rác thải pin, thầy Minh Trung đã gợi ý cho các em có thể hướng đến thông điệp kêu gọi mọi người tái chế pin. Và từ đó, hai bạn bắt đầu quá trình lên ý tưởng, thực hiện dự án.
“Trong quá trình thực hiện thầy Minh Trung đã hỗ trợ chúng em rất nhiều khi tổng hợp thông tin, kiến thức, nhờ đó mà chúng em có thể hiểu vấn đề rõ hơn và hoàn thành tốt kịch bản cũng như bài luận”, Gia Nghi nói.
Được biết, trong quá trình thực hiện dự án, các em đã gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin vì đa phần những tài liệu về pin đều thuộc về chuyên ngành.
Ngoài ra, những ảnh hưởng của pin đối với mọi người vẫn chưa được quan tâm rộng rãi, thế nên việc tìm kiếm tài liệu và quay phim cũng gặp nhiều khó khăn. Có nhiều cảnh phim nguy hiểm như tác hại của pin khi bị đốt lên... hai bạn không thể tự quay được.
Vì thế, các em đã quyết định tự làm những đoạn animation, stop-motion để có thể truyền tải thông điệp một cách rõ ràng nhất đến khán giả.
“Tuy chúng em gặp nhiều trở ngại trong quá trình làm phim, nhưng nhờ sự giúp đỡ của thầy Trung, gia đình cũng như bạn bè mà chúng em đã có thể hoàn thành dự án Shortfilm một cách chỉnh chu nhất để mang đến cuộc thi”, Anh Khuê nói.
Mong muốn được lan toả đến mọi người
Lần đầu tiên tham gia nghiên cứu khoa học, cũng như lần đầu tiên tham gia một cuộc thi lớn mang tầm quốc tế, việc hồi hộp, lo lắng là không thể tránh khỏi.
Đôi bạn chia sẻ thêm, trước khi tham gia nghiên cứu khoa học (NCKH), các em từng là những học sinh rụt rè và nhút nhát, không dám thử thách bản thân và tham gia các cuộc thi lớn.
Nhờ sự động viên từ thầy Minh Trung cũng như các bạn, các em đã quyết định tự thử thách mình qua sân chơi này và nhờ đó hiểu được rằng mình cần tự tin bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân thì mới phát triển và gặt hái được thành công.
Anh Khuê và Gia Nghi mong muốn, dự án sẽ lan toả tới mọi người về tầm quan trọng của việc phân loại các rác thải, đặc biệt là pin để góp phần đảm bảo sức khỏe và môi trường của chúng ta.
Ngoài ra, các em cũng hy vọng rằng hành trình của mình có thể tiếp lửa cho các bạn học sinh có niềm đam mê với NCKH cũng sẽ có thể tự tin tham gia và theo đuổi niềm mong ước của mình.
Đánh giá về học trò của mình, thầy Nguyễn Minh Trung cho biết: "Đây là năm thứ 3, tôi hướng dẫn học sinh tham gia NCKH quốc tế. Các em học sinh sau khi tham gia dự án đa phần đều có sự cải thiện, phát triển theo chiều hướng tích cực.
Ban đầu, nhiều bạn rất rụt rè, nghĩ rằng mình không có khả năng tham gia. Tuy nhiên được sự chia sẻ và khuyến khích từ thầy cô, các bạn tham gia và các kỹ năng về công nghệ, làm việc nhóm, làm thí nghiệm, thuyết trình, phản biện, cũng như tư duy khoa học, tư duy logic, ngôn ngữ đều được phát triển tốt.
NCKH một lĩnh vực thiết thực và mang lại nhiều giá trị cho học sinh THPT, các em học sinh có thể phát triển về năng lực và phẩm chất.
Chương trình GDPT 2018, chú trọng đến phát triển năng lực và phẩm chất ở học sinh có lẽ sẽ mở hy vọng NCKH được tạo điều kiện thuận lợi, được quan tâm, có cơ chế tài chính cho lĩnh vực này tại trường THPT.
Bản thân tôi hy vọng, NCKH sẽ ngày càng gần gũi đến với các em học sinh hơn nữa, cũng như trở thành tầm nhìn và chiến lược của giáo dục phổ thông", thầy Trung nói.
Cuộc thi GENIUS Olympiad 2021 có 2.481 dự án nộp dự thi vòng loại Thế giới, 1.245 dự án đã được vào vòng chung kết (tỷ lệ đạt 50%). Số quốc gia tham gia cuộc thi là 85 .
Ngày 12/6 vừa qua, Ban tổ chức đã công bố kết quả. Đối với lĩnh vực Short film: có 4 HCV Thế giới, trong đó Việt Nam đạt 1 HCV là nhóm HS Trần Xuân Anh Khuê và Ngô Gia Nghi lớp 11TH1 (lớp 11 tích hợp) của Trường THPT Gia Định.
Theo thống kê, team của Trường THPT Gia Định đạt tổng cộng 16 giải (1 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 6 huy chương đồng và 6 giải Tư) cho 3 lĩnh vực Science (8 giải), Short film (6 giải), Writing (2 giải).