Đó là sản phẩm của Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy, học sinh lớp 11B1 Trường THPT Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sản phẩm này đã giành được giải nhất cuộc thi Khoa học - kỹ thuật - Intel ViSEF dành cho học sinh trung học toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế 2018.
Giấy chống thấm từ bã mía, vỏ tôm cua
Trưa nắng, khi tiếng trống trường báo tan buổi học sáng, Duyên và Thúy lại hẹn nhau trước cổng Trường THPT Phú Bài. Chưa về nhà vội, họ đạp xe đến các quán nước mía giải khát dọc đường Sóng Hồng (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) xin bã mía vứt ra về làm nguyên liệu chế tạo giấy chống thấm.
Tình cờ sau một buổi tan học, Duyên và Thúy ghé vào một quán nước ven đường để uống nước mía. Những bã mía phế thải được chủ quán chất cao thành từng đống ven đường nhanh chóng lọt vào "mắt xanh" của hai cô bạn yêu khoa học.
"Qua kiến thức hóa sinh được học ở trường, chúng em biết được trong bã mía có chứa khoảng 40 - 50% cellulose. Hơn nữa bã mía là nguyên liệu phế phẩm có rất nhiều ở Việt Nam, hoàn toàn có thể tận dụng để làm thành loại giấy từ bã mía thay thế cho giấy làm từ cây gỗ" - Thúy nói.
Bã mía ban đầu sẽ được xử lý lượng đường còn trong bã tại phòng thí nghiệm - Ảnh: NHẬT LINH
Từ đó, hai cô bạn thay nhau đi xin bã mía từ các quán nước giải khát, đưa về phòng thực hành hóa sinh của trường để cùng nghiên cứu, chế tạo ra sản phẩm dựa theo quy trình chế tạo giấy thông thường.
Bã mía được sấy khô, rồi dùng hóa chất làm tan lượng đường có trong bã. Sau đó sẽ đến công đoạn tẩy trắng, làm mềm giấy từ bã mía sao cho sản phẩm có đủ độ cứng và đẹp về hình thức.
Tuy nhiên, điều làm hai bạn trẻ đau đầu đó là làm sao giấy từ bã mía phải khác với giấy thông thường, chống thấm nước, độ bền cao và có khả năng làm ra những sản phẩm thay thế được túi nilon.
Qua tham khảo ý kiến của thầy cô và mạng Internet, Duyên và Thúy nhận thấy từ vỏ tôm cua bỏ đi có thể chế tạo ra hỗn hợp chitosan (màng tinh bột), vừa có khả năng chống nước, vừa có độ bền cao. Họ lại tiếp tục cùng nhau đến các nhà hàng, quán nhậu ở địa phương để xin vỏ tôm, cua vứt đi.
Vỏ tôm, cua sau khi đưa về sẽ được lọc sạch phần thịt rồi dùng hóa chất khử hết các thành phần protein, khoáng, màu. Sau khi điều chế, hỗn hợp chitosan từ vỏ tôm, cua sẽ được phủ lên lớp giấy từ bã mía giúp loại giấy này chống thấm nước, có độ bền như bìa carton.
Nguyên liệu thân thiện với môi trường
"Sau khi thử nghiệm, chúng em đã bắt tay vào làm được nhiều sản phẩm như cốc trà sữa, túi xách, ống hút… từ loại giấy mới này. Kết quả là những sản phẩm trên có độ không kém gì những sản phẩm tương tự bằng nilon hay nhựa" - Duyên nói.
Sản phẩm giấy chống thấm từ bã mía của Mai Cao Kỳ Duyên và Ngô Thị Diễm Thúy giành giải nhất cuộc thi Khoa học - kỹ thuật - Intel ViSEF dành cho học sinh trung học toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế 2018 - Ảnh: NVCC
Thúy cho biết vì thành phần chính làm từ cellulose nên khả năng phân hủy trong môi trường của giấy làm từ bã mĩa ngang với giấy bình thường, không độc hại như nhựa. Hai học sinh này hi vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ trở thành nguyên liệu thay thế cho túi nilông, ly nhựa... bởi giá thành rẻ và thân thiện với môi trường.
Thầy Hoàng Minh, hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, đánh giá cao tính sáng tạo của sản phẩm giấy làm từ bã mía. "Chúng tôi đang hết sức hỗ trợ Duyên và Thúy trong việc nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa sản phẩm giấy từ bã mía để chuẩn bị cho kỳ thì Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia sắp tới", thầy Minh nói.
Sản phẩm cốc đựng nước, cà phê chống nước làm từ giấy chống thấm từ bã mía - Ảnh: NVCC