Hà Nội: Phụ huynh mong muốn tổ chức ăn bán trú khi học sinh tiểu học trở lại trường

GD&TĐ - Hà Nội vừa cho phép học sinh tiểu học và lớp 6 ở ngoại thành trở lại trường từ ngày 10/2. Các khâu chuẩn bị cuối cùng trước "giờ G" đều đang được phụ huynh và học sinh hoàn tất.

Chuẩn bị được đến trường học trực tiếp khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy rất hào hứng.
Chuẩn bị được đến trường học trực tiếp khiến nhiều phụ huynh, học sinh cảm thấy rất hào hứng.

Phụ huynh phấn khởi, học sinh hồ hởi

Từ ngày 10/2, học sinh cấp tiểu học và khối 6 thuộc các huyện/thị xã ngoại thành của TP Hà Nội sẽ được quay trở lại trường học trực tiếp theo quyết định của UBND thành phố. Đây là thông tin được đông đảo phụ huynh đón chờ bởi các em đã phải học trực tuyến trong thời gian quá dài. Công tác chuẩn bị những khâu cuối cùng trước "giờ G" được các trường thực hiện khẩn trương. 

Chị Nguyễn Thị Nhung, phụ huynh Trường Tiểu học Đồng Quang (huyện Quốc Oai) chia sẻ: "Cháu đang học lớp 1 nhưng từ đầu năm học đến nay vẫn chỉ học trực tuyến, kết quả cũng không được cao lắm. Khi biết thông tin thành phố cho các cháu đến trường từ ngày mai, vợ chồng tôi rất vui và ngay hôm nay sẽ tự đi mua thiết bị về để test nhanh cho cả nhà. Dù dịch bệnh còn phức tạp nhưng chỉ cần con thực hiện giữ vệ sinh thường xuyên thì bố mẹ cũng yên tâm phần nào". 

Tương tự, anh Hoàng Văn Quang đang có con học tiểu học ở huyện Gia Lâm cũng cho hay, cô con gái học lớp 1 của anh hôm nay đòi bố đi mua cho cặp sách mới để mai đến lớp khoe với cô và các bạn. Anh cho biết, thời gian qua cả hai vợ chồng phải thay phiên nhau ở nhà làm việc online để trông và hỗ trợ con học trực tuyến. Dù vậy nhưng mỗi lần cho con tập viết chữ thì thực sự là một khó khăn. Bởi nhìn vào video cô giáo hướng dẫn nhưng tay con viết rất chậm. Chỉ khi nào cầm tận tay chỉ cách thì con mới viết vào nét. 

Trẻ lớp 1 ngoại thành Hà Nội sẽ được đến trường trong ngày mai, 10/2.
Trẻ lớp 1 ngoại thành Hà Nội sẽ được đến trường trong ngày mai, 10/2.

Chị Đỗ Xuân Mai, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học An Khánh B (huyện Hoài Đức) vui vẻ nói: "Từ cuối năm học trước khi con học mẫu giáo 5 tuổi đã phải nghỉ dịch ở nhà. Đầu năm học này cháu ra lớp 1 nhưng chỉ được dự khai giảng và học online. Bố mẹ phải rất vất vả để cùng với cô giáo kèm cặp, hướng dẫn con viết từng nét chữ hay những phép toán đơn giản. Ngày mai được đến trường, cháu rất vui và hớn hở vì được gặp cô và chơi với các bạn trong lớp. Tôi sẽ để sẵn một chai nước ấm dùng riêng và dặn dò con thật kỹ về sát khuẩn tay, đeo khẩu trang y tế khi đi học". 

Chung suy nghĩ trên, dù có con gái năm nay đang học lớp 1 tại huyện Hoài Đức, chị Nguyễn Thị Hằng hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Chính phủ và thành phố về việc mở cửa trường học. Chính quyền đã cho phép mở lại nhà hàng, rạp chiếu phim, bố mẹ cho con đi chơi cùng mà lại không cho con đến trường thì là điều vô lý. Ở trường nếu làm tốt công tác phòng dịch thì phụ huynh vẫn yên tâm hơn là chỉ cho con học ở nhà. 

Tới lớp sẽ giúp tăng tính tương tác giữa cô trò, bạn bè với nhau để phát triển cả về tư duy lẫn thể chất.
Tới lớp sẽ giúp tăng tính tương tác giữa cô trò, bạn bè với nhau để phát triển cả về tư duy lẫn thể chất.

"Hơn 9 tháng qua, các cháu phải học online đã quá thiệt thòi, thầy cô và cả phụ huynh đều vất vả. Tôi chỉ mong các cháu sớm được đến trường học trực tiếp. Không gì bằng việc cô giáo cầm tay chỉ cách cho con viết sẽ đẹp hơn rất nhiều so với bố mẹ ở nhà. Hơn nữa, lên lớp được gặp và giao tiếp với cô giáo, các bạn trong lớp sẽ giúp tâm lý trẻ được thoải mái hơn rất nhiều. Dù các con chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19 nhưng ở lớp, chỉ cần đảm bảo nguyên tắc "5K" và giãn cách thì tôi vẫn tin tưởng để cho con đến trường" - chị Hằng nêu quan điểm. 

Phụ huynh mong muốn tổ chức ăn bán trú

Là ông bố của hai con đang trong độ tuổi đi học, anh Vũ Khắc Ngọc, trú quận Hai Bà Trưng rất ủng hộ chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ cũng như Bộ GD&ĐT. Những hệ lụy của việc học trực tuyến quá lâu như giảm thị lực, kết quả học tập giảm sút, tính tương tác giảm, tâm lý của nhiều học sinh bị ảnh hưởng khiến anh rất lo lắng. Trẻ phải được giao tiếp, vận động thì mới phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần. 

Trẻ được trở lại học trực tiếp trên lớp sẽ hiệu quả hơn rõ rệt so với chỉ học online trong thời gian dài.
Trẻ được trở lại học trực tiếp trên lớp sẽ hiệu quả hơn rõ rệt so với chỉ học online trong thời gian dài. 

"Nhà tôi ở KĐT Times City nhưng con đi học tận huyện Đông Anh. Tuy nhiên, nếu thành phố không cho tổ chức ăn bán trú thì trường có thể cho các con vào học lúc 8h, học đến 11h thì đi xe về nhà tự ăn, tới 13h lại học online tiếp thì sẽ gây ra sự phiền toái không cần thiết. Một khi đã mở cửa trường học thì đồng nghĩa với việc nhà trường chuẩn bị các phương án giãn cách, kể cả giờ ăn ngủ. Chỉ cần đảm bảo khoảng cách, bố trí học sinh ăn lệch giờ, ngồi lệch bàn hoặc đặt tấm kính ngăn cách thì vẫn có thể được.

Tôi cho rằng, khi đã cho phép các cháu đi học thì việc rút ngắn thời gian từ hai buổi xuống còn một buổi hay bỏ bán trú cũng không có nhiều tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm. Mặt khác, cần giao cho các trường tính chủ động trong việc tổ chức ăn bán trú, miễn sao đảm bảo an toàn chứ không nên cấm bán trú.

Hơn nữa, nếu anh lớp 7 được đi học, em mới học mầm non chưa được đến trường thì ở nhà không có người trông. Do đó, theo tôi thành phố cần có chính sách nhất quán, quyết liệt trong việc mở cửa trường học một cách hợp lý và khoa học, tránh gây ra những bất cập không cần thiết như đã đề cập ở trên", anh Vũ Khắc Ngọc bày tỏ. 

Về vấn đề cho học sinh trở lại trường học nhưng không cho ăn bán trú, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, Bộ sẽ làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội để giải quyết. Khi đưa các em trở lại trường cũng phải đánh giá đến phụ huynh học sinh, đặc biệt là các em nhỏ cần phải ăn bán trú như cấp mầm non và tiểu học. Nếu chỉ cho các em học nửa ngày, còn nửa ngày đón về nhà sẽ ảnh hưởng đến giờ làm và việc đi lại của cha mẹ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ