(GD&TĐ)-Cục Thống kê thành phố Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 (CPI) tại Thủ đô tăng 1,76% so với tháng 4, tăng 19,08% so với cùng kỳ năm trước, tăng 11,59% so với cuối năm 2010.
Trong tháng 5, ngoại trừ nhóm hàng bưu chính viễn thông giảm 1,73%, toàn bộ 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá tăng khá cao.
Vật liệu xây dựng dẫn đầu mức độ tăng với 2,99% |
Dẫn đầu về mức tăng trong tháng là nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng khi tăng tới 2,99%; tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có chỉ số giá tăng 2,25%; giao thông xếp thứ ba với mức tăng 2,23%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,01%.
Những nhóm hàng còn lại như thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa, thể thao, giải trí; đồ uống và thuốc lá; thiết bị và đồ dùng gia đình, có mức tăng dao động dưới 2% so tháng trước.
CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ còn tăng 2,25%, dù vẫn là động lực thúc đẩy chỉ số giá chung nhưng đã hạ nhiệt rất nhiều so với mức hơn 5% trong tháng trước.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận xét, việc nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng mạnh tới 2,99% - cao nhất trong các nhóm hàng, được xác định một phần do giá gas trong nước liên tục tăng trong tháng 5.
Cụ thể, nếu ngày 1/5 loại bình 12kg đã tăng thêm gần 30.000 đồng một bình so với giá trước đó, thì đến ngày 11/5 lại “đội” thêm tới 4 nghìn đồng một bình. Và hiện nay, giá gas trên thị trường được bán ra ở mức khá cao. Nguyên nhân giá gas tăng một phần là do bất ổn tại khu vực Trung Đông, Bắc Phi.
Cũng trong tháng 5, chỉ số giá vàng tăng 1,62% so tháng trước và tăng 40,11% so cùng kỳ năm 2010. Trái với giá vàng, chỉ số giá của đồng USD đã giảm 0,75% so tháng 4, nhưng tăng 9,6% so cùng kỳ năm trước.
Chương trình hành động của thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, với một số nhiệm vụ lớn cho mục tiêu kiềm chế lạm phát như: ngừng, đình hoãn, giãn tiến độ thực hiện đối với các dự án có nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng triển khai chậm, chưa cấp thiết; các nguồn vốn của thành phố sẽ được ưu tiên cho các dự án, công trình cấp thiết về hạ tầng xã hội, phục vụ đời sống dân sinh bức xúc và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đồng thời, việc tiết kiệm chi thường xuyên, bán hàng bình ổn giá... cũng góp phần đem lại những chuyển biến tích cực trong việc giảm tốc độ tăng chỉ số giá trong tháng này.
Ngọc Khánh