Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án chậm triển khai, không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định. Đồng thời, thành phố bổ sung chính sách ưu đãi tiền thuê đất cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Kiểm tra dự án “bất động”
Có 26 dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Thanh Xuân. Đây là con số được đưa ra tại cuộc họp do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì mới đây.
Theo ông Võ Đăng Dũng - Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, địa phương đã tổng hợp các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai với 26 dự án. Trong đó có 20 dự án mà quận đã tổng hợp tại các báo cáo trước đây.
Cụ thể, 11 dự án chưa có quyết định giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất; 4 dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần nhưng đến nay chủ đầu tư đang ngừng thực hiện dự án; 3 dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng; 2 dự án có vi phạm khác.
Quận Thanh Xuân cũng bổ sung thêm 6 dự án và kiến nghị xử lý. Theo đó có 3 dự án đã thực hiện xong hoặc điều chỉnh sang dự án mới (kiến nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai); 1 dự án đã có quyết định chấm dứt hoạt động dự án (kiến nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai). Trong 6 dự án bổ sung, có 2 dự án đã có quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng của UBND TP Hà Nội.
Đối với 2 dự án này, quận Thanh Xuân đề nghị chủ đầu tư tích cực triển khai thực hiện; nếu hết thời gian gia hạn sử dụng đất mà chưa triển khai thực hiện thì đề nghị thu hồi đất.
Trước đó, nhiều cử tri quận Thanh Xuân đã kiến nghị thu hồi các dự án chậm triển khai tại hội nghị tiếp xúc trước Kỳ họp thứ 7 (HĐND TP Hà Nội khóa VXI).
Đơn cử, ông Nguyễn Mạnh Thắng (phường Nhân Chính) đã kiến nghị thu hồi Dự án Đầu tư xây dựng công trình hành chính, văn hóa và y tế tại khu đất C2 - khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (nếu chủ đầu tư còn chậm triển khai) để phục vụ công trình dân sinh.
Với thực trạng trên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện bảo đảm tính chính xác, đầy đủ hồ sơ pháp lý, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật trong xử lý các dự án chậm triển khai, chậm tiến độ trên địa bàn quận Thanh Xuân.
Chủ tịch UBND Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị chức năng, UBND quận Thanh Xuân tập trung hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án để sớm đưa dự án vào hoạt động. Đồng thời, kiên quyết thu hồi các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng lưu ý, các sở, ngành thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất. Qua đó góp phần thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Huyện Đông Anh thuộc địa phương được miễn 100% tiền thuê đất cho cả thời gian thực hiện dự án đối với 7 lĩnh vực. Ảnh minh họa |
Ưu đãi tiền thuê đất cho giáo dục
Cùng với kiểm tra, xử lý các dự án “ôm đất” chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội ký, ban hành Quyết định số 17 (ngày 28/8/2023) về chính sách ưu đãi tiền thuê đất trong 7 lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố.
Theo quyết định, khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây được miễn 100% tiền thuê đất cho cả thời gian thực hiện dự án.
Khu vực các quận (không bao gồm 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm) được giảm 60% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất. Khu vực 4 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm được giảm 30% tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thực hiện dự án trong thời hạn được thuê đất.
Trường hợp dự án xã hội hóa thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư thì áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất theo Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố và các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Với trường hợp dự án xã hội hóa không thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo quy định nhưng thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại Khoản 1 Điều 1 và đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 1 quy định này được áp dụng tỷ lệ % đơn giá thuê đất là 1%. UBND TP Hà Nội yêu cầu cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thực hiện đúng danh mục, loại hình, tiêu chí, quy mô dự án đã được cấp phép.
Đồng thời, cơ sở thực hiện xã hội hóa tuân thủ theo điều lệ hoạt động, bảo đảm các điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, nhân lực, cơ sở vật chất theo quy định, có trách nhiệm thực hiện yêu cầu về thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế, tài chính và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Quyết định số 17 (ngày 28/8/2023) của Chủ tịch UBND TP Hà Nội áp dụng cho các đối tượng tại Nghị định số 69 (ngày 30/5/2008) và Nghị định số 59 (ngày 16/6/2014) của Chính phủ. Điều kiện được hưởng chính sách ưu đãi tiền thuê đất, cơ sở thực hiện xã hội hóa phải thuộc danh mục loại hình và đáp ứng các tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn ban hành kèm theo các Quyết định: số 1466 (ngày 10/10/2008), số 693 (ngày 6/5/2013) và số 1470 (ngày 22/7/2016) của Thủ tướng Chính phủ và các quy định sửa đổi, bổ sung (nếu có). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 8/9/2023.