Hà Nội ‘trảm’ dự án chậm triển khai để xây trường học

GD&TĐ - Ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, đã yêu cầu quyết liệt thu hồi dự án chậm triển khai để ưu tiên xây dựng trường học.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra ô đất xây dựng trường học ở quận Hoàng Mai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra ô đất xây dựng trường học ở quận Hoàng Mai.

“Trảm” dự án chậm triển khai

Là địa phương có dân số đông, nhiều năm qua quận Hoàng Mai được coi là “điểm nóng” thiếu trường lớp ở Hà Nội. Chuẩn bị cho năm học mới, ngày 11/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận này.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết, quận đang thực hiện 99 dự án, gồm 24 dự án xây dựng trường học (16 dự án chuyển tiếp với tổng mức đầu tư 2.008 tỷ đồng).

Dự kiến, năm 2023, quận hoàn thành 5/16 dự án trường học.

Về tiến độ xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia, theo ông Tâm, hiện có 59 trường, trong đó có 41 trường chuẩn quốc gia, đạt 69,5%.

Kế hoạch đến năm 2025, tổng số trường công lập đạt dự kiến là 61 trường, phấn đấu có 49 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 80,3%.

“Do dân số cơ học tăng, dẫn đến số học sinh trên địa bàn quận tăng nhanh hằng năm, cơ sở vật chất của một số trường không đáp ứng kịp. Số lượng học sinh đông, số học sinh/lớp cao, diện tích đất/học sinh không bảo đảm tiêu chuẩn, thiếu quỹ đất để mở rộng trường học công lập...”, ông Tâm chia sẻ về khó khăn.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cũng cho biết, hiện quận có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do nhiều chủ đầu tư nợ thuế lớn, chây ỳ không thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài qua nhiều năm. Nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như: Trường học, cây xanh, bãi đỗ xe... dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội.

Lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai kiến nghị TP chỉ đạo, ban hành quyết định thu hồi chính thức 4 ô đất trường học đã được HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư.

Quận Hoàng Mai cũng kiến nghị thành phố chấp thuận phương án hỗ trợ nguồn ngân sách TP giao quận thực hiện đầu tư công đối với 2 ô đất và chấp thuận thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư/đấu giá quyền sử dụng đất đối với 2 ô đất còn lại.

Đối với dự án khu vực chức năng đô thị Ao Sào, quận Hoàng Mai kiến nghị thu hồi 2 ô đất trường học tại đây, giao quận đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách…

Lãnh đạo quận Hoàng Mai cũng đề nghị TP cho phép nâng thêm tầng cao đối với các dự án trường học khi đầu tư xây dựng.

Tập trung xây dựng trường lớp

Trước thực trạng trên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, đề xuất, quận Hoàng Mai tiếp tục dành quỹ đất đầu tư cho trường học bởi tại địa bàn quận, số lượng trường công lập còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi tâm lý của phụ huynh học sinh là mong muốn con em được học trường công lập.

Sau khi kiểm tra thực tế các ô đất xây dựng trường học tại quận Hoàng Mai, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, khẳng định "Thủ đô rất quan tâm công tác giáo dục".

Theo ông Thanh, quận Hoàng Mai cần có nghị quyết chuyên đề mới về vấn đề cơ sở vật chất giáo dục - đây được cho là vấn đề cốt yếu của quận Hoàng Mai.

Quận cần rà soát, đánh giá lại nhu cầu, dự báo xu hướng phát triển để phân công triển khai nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của ngành Giáo dục quận.

Cải tạo, xây mới nâng cao chất lượng trường lớp đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.

Cải tạo, xây mới nâng cao chất lượng trường lớp đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai, nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Đối với 4 ô đất quận đề xuất dành để xây dựng trường học, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất và điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp, đề nghị các cơ quan liên quan ủy quyền lại cho quận để thực hiện các thủ tục đầu tư với tinh thần chỉ hướng dẫn và giám sát việc thực hiện.

Ghi nhận tại cơ sở, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội), cho biết, theo kế hoạch phát triển kinh tế của huyện giai đoạn 2020 - 2025, giáo dục là một trong những nội dung được Đảng bộ huyện chỉ đạo nhiều nhiệm vụ quan trọng.

Thanh Trì hiện có 64/73 trường học đạt chuẩn quốc gia (mầm non, tiểu học, THCS) đạt tỉ lệ 87,67%, trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

“Với các trường học được xây mới nằm trong quy hoạch mạng lưới trường lớp của TP Hà Nội và huyện phê duyệt. Tất cả trường học trong dự án cải tạo và xây mới được nằm trong đầu tư công của huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 - 2026. Trong đó, có lộ trình từng bước để hàng năm có xây mới và cải tạo các trường theo quy định...”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì cho hay.

Riêng năm 2023, Thanh Trì xây dựng mới 7 trường học, trong đó có 2 trường THCS, 2 trường tiểu học và 3 trường mầm non.

Hàng năm huyện Thanh Trì cải tạo hàng chục trường học để đảm bảo nhu cầu học tập của con em người dân địa phương và nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn quốc gia.

Tương tự, tại quận Ba Đình, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận, cho biết, quận ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho giáo dục, trong đó chú trọng xây dựng, cải tạo trường lớp.

“Trong năm 2023, quận đang xây dựng và cải tạo mới nhiều trường học: THCS Giảng Võ, THCS Nguyễn Trãi, tới đây là Trường THCS Phúc Xá, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em địa phương và nâng cao chất lượng giáo dục...”, ông Chiến nói.

Trước thực trạng thiếu trường lớp, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết, để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, đồng thời bố trí nguồn vốn cho việc mua sắm trang thiết bị dạy học tối thiểu.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội dự kiến xây dựng mới 433 trường, trong đó thành lập mới 225 trường, xây mới tăng thêm 8.323 phòng học và phòng học bộ môn.

Hà Nội cũng cải tạo, sửa chữa 631 trường với 11.803 phòng học và phòng học bộ môn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.