Hà Nội đưa ra hàng loạt biện pháp ngăn COVID-19 từ bên ngoài

GD&TĐ - Sáng 25/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý - Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp.

Báo cáo tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tuần qua Hà Nội đã ghi nhận 4 trường hợp nhập cảnh dương tính với Sars-CoV-2 và đều được cách ly xét nghiệm kịp thời.

Tính đến nay, đã 99 ngày Hà Nội không có ca nhiễm mới ngoài cộng động.

Thực tế qua kiểm tra thực tế tại 13 quận, huyện trên địa bàn, ông Hạnh cho biết vẫn còn tình trạng người dân chủ quan, không đeo khẩu trang tại các nơi công cộng như công viên, chợ, bến xe… Đây được coi là nguy cơ dịch bệnh vẫn thường trực. Bởi số người nhập cảnh vào Việt Nam chưa dừng lại, 82% ca dương tính ở Việt Nam không có triệu chứng lâm sàng, cộng thêm tâm lý chủ quan.

Do đó, ông Hạnh nhấn mạnh: "Ngay ngày hôm qua, Bộ Trưởng Bộ Y tế vẫn cảnh báo dịch bệnh có thể bùng phát trở lại".

Cũng theo ông Hạnh, hiện nay việc cách ly được thực hiện khu chủ yếu ở các khách sạn và việc quản lý ở đây không được chặt chẽ như ở khu cách ly của quân đội. Các đoàn kiểm tra đều phát hiện sở hở. Bởi trông bên ngoài tưởng rất đầy đủ nhưng bên trong lại có nhiều vấn đề như theo dõi sức khoẻ, lối đi riêng cho người cách ly, xử lý chất thải…

Về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết thêm, các khách sạn 3 sao còn nhiều thiếu sót và đã được yêu cầu khắc phục ngay: "Sở sẽ tiếp tục kiểm tra các cơ sở lưu trú có thực hiện công tác cách ly. Tuy nhiên, Sở không thể kiểm tra hết mà các quận huyện cần chủ động kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời các tồn tại”.

Ông Ngô Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kết luận buổi họp đã nhắc lại về tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp. Ông Quý nhấn mạnh, tuần qua, thành phố đã họp với Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Chính phủ để xem xét, hoàn thiện quy trình cách ly với người nhập cảnh. Các bộ ngành đều thống nhất cần kiểm soát chặt chẽ các trường hợp này bởi đây là nguy cơ lây lan rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ các trường hợp cách ly ở các nơi lưu trú; rà soát quy trình quản lý với các trường hợp ngoại giao để ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài vào.

Sở Y tế phối hợp cùng Bộ y tế làm tốt việc phòng chống dịch với các đoàn ngoại giao. Đặc biệt, lực lượng chức năng thành phố cần phải làm tốt công tác phát hiện, xử lý nghiêm các nhập cảnh trái phép.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao các đơn vị tăng cường biện pháp kiểm tra ở 100% các bệnh viện trên địa bàn, tất cả các cơ sở cách ly, các sự kiện đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch, các nơi công cộng như: Bến xe, quảng trường, siêu thị, trung tâm thương mại làm sao để việc đeo khẩu trang trở thành nếp sinh hoạt hằng ngày của người dân…

Trước đó, sáng 24/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì hội nghị trực tuyến với ngành y tế 63 tỉnh, thành về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vietnam+.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Vietnam+.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, 80 ngày qua Việt Nam không phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng là tín hiệu vui. Tuy nhiên, tình hình thế giới căng thẳng, sự lây nhiễm COVID-19 không có xu hướng chậm lại. Hiện nay, trên toàn cầu, các nước đều có số mắc COVID-19 ngày càng có xu hướng gia tăng, gần như cứ ngày hôm sau lại là đỉnh so với ngày hôm trước.

Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Nguy cơ nhiễm COVID-19 từ các nước vào Việt Nam là rất lớn và hiện hữu. Và nếu đặt trong bối cảnh như vậy thì hệ thống y tế của chúng ta khó đáp ứng được nhu cầu điều trị COVID-19".

Cũng tại Hội nghị sáng 24/11, Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh - Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, chuẩn bị tới Tết Nguyên đán nên nhu cầu thăm thân nhân của người dân khu vực biên giới rất lớn. Bên cạnh đó, vì nhu cầu mưu sinh, người dân khu vực biên giới tìm mọi cách để xuất nhập cảnh trái phép.

Tình trạng người Việt Nam nhập cảnh trái phép, trốn cách ly khi về nước cũng diễn biến phức tạp. Việc nhập cảnh trái phép chủ yếu được tiến hành thông qua mạng xã hội. Các đối tượng liên lạc với nhau bằng sim rác sau đó thuê xe ôm, taxi để vận chuyển người trái phép. Một số đối tượng lẩn trong tàu hàng, tàu cá, container để vào Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát biểu.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Mạnh, từ đầu năm tới nay, lực lượng bộ đội biên phòng đã được duy trì trên 6.000 chốt đường mòn, lối mở và làm thủ tục cho hơn 2,7 triệu người nhập cảnh, phát hiện hơn 20.000 trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Ngày 24/11, Bộ Y tế đã có công văn gửi các Bộ: NN-PTNT, Công thương, Tài chính và Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện các biện pháp kiểm soát đối với thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch bệnh COVID-19.

Bộ Y tế đề nghị thực hiện lấy mẫu trên bao bì để xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 đối với các thực phẩm nhập khẩu từ các nước đang có dịch COVID-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.