Với mục tiêu khôi phục tiếng Hà Lan làm ngôn ngữ giảng dạy chính, Bộ trưởng Giáo dục Hà Lan Eppo Bruins đã thúc đẩy dự luật “quốc tế hóa cân bằng”. Theo đó, nước này giảm số lượng sinh viên quốc tế và cắt giảm các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh.
Theo tổ chức Các trường đại học Hà Lan (UNL), sự giảm sút thể hiện rõ rệt nhất ở các ngành như ngôn ngữ và văn hóa (giảm 17%) và khoa học tự nhiên (giảm 13%). Trong khi đó, các ngành kỹ thuật lại chứng kiến sự tăng trưởng 19% trong số lượng sinh viên quốc tế.
Chính sách trên đã gây nên làn sóng tranh cãi vì các quốc gia láng giềng như Bỉ, Đức và Pháp vẫn đang đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục để thu hút nhân tài.
Chủ tịch UNL Caspar van den Berg, cảnh báo: “Chính sách có thể gây nguy hiểm cho chất lượng giáo dục và thị trường lao động, khi Hà Lan đang thiếu hụt nhân tài có trình độ cao”.
Ông Berg nhấn mạnh trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút nhân tài, việc hạn chế sinh viên quốc tế là một quyết định “lỗi thời” và “khó hiểu”..
Việc chính phủ đặt mục tiêu giảm khóa học bằng tiếng Anh xuống còn 1/3 tổng chương trình dạy khiến các trường đại học phải tìm thích nghi. Nhiều chương trình sẽ được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Hà Lan, tạo ra lo ngại rằng những khóa học bằng tiếng Anh có thể sẽ “biến mất” nếu không được điều chỉnh hợp lý.