Gửi tình yêu đất nước vào sáng tạo khoa học

GD&TĐ - Trong cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ XV, mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương” của học sinh (HS) Trường PTDTBT TH&THCS A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai đã đạt giải Khuyến khích. Giải thưởng không chỉ là sự sáng tạo, mà đáng trân trọng hơn cả khi ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước đã ngấm vào HS nơi vùng cao biên giới.

Thầy Lương Ngọc Duy và 2 HS Sùng Thị Sao (bên phải) và Vùi Thị Hương trong ngày nhận giải thưởng mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương”.
Thầy Lương Ngọc Duy và 2 HS Sùng Thị Sao (bên phải) và Vùi Thị Hương trong ngày nhận giải thưởng mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương”.

Khởi nguồn của sáng tạo

Vùi Thị Hương, một trong hai HS tham gia thực hiện mô hình, năm nay học lớp 9A, chia sẻ sự bắt nguồn ý tưởng đề tài: “Chúng em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Qua sự giáo dục của thầy cô, chúng em cũng hiểu rằng, để có sự bình yên cho đất nước thì biết bao người lính biên phòng đang ngày đêm âm thầm canh gác từng đường biên, cột mốc biên cương, giữ vững chủ quyền đất nước.

Bên cạnh đó, sau những chuyến tham quan, trải nghiệm do nhà trường tổ chức tại đồn Biên phòng A Mú Sung - xã A Mú, được đọc những bài báo, xem hình ảnh lưu niệm… giúp HS chúng em hiểu và ý thức hơn chủ quyền đất nước”.

Em Sùng Thị Sao, dù mới là HS lớp 5 nhưng cũng nhận thức: Việc lưu giữ lại những sự kiện lịch sử, câu chuyện cảm động của quân và dân xã A Mú Sung trong công cuộc bảo vệ biên cương Tổ quốc vô cùng cần thiết cho các thế hệ sau. Từ sự tự hào lịch sử đất nước, HS sẽ có thêm ý thức giữ gìn và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha.

Sau một năm lên ý tưởng, nghiên cứu và tìm tòi tài liệu, cùng sự gợi ý hướng dẫn của thầy Lương Ngọc Duy thì Sùng Thị Sao và Vùi Thị Hương đã bắt tay vào thực hiện hóa ý tưởng trên mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương”. Mô hình thực sự là bức tranh ý nghĩa với toàn cảnh dòng sông Lũng Pô, cột cờ Lũng Pô, đường biên giới xã A Mú Sung giáp nước bạn dài 27 km.

Mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương”.
 Mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương”.

Từ ý tưởng đến hiện thực

Thầy giáo Lương Ngọc Duy, GV hướng dẫn 2 HS thực hiện mô hình cho biết: Để hiểu và có nguồn thông tin liên quan đến các sự kiện lịch sử đưa vào mô hình, cả 2 HS phải nghiên cứu tìm đọc rất nhiều tài liệu địa phương, báo, ảnh… Mặt khác, những lời thuyết minh kết hợp với trực quan mô hình khiến HS dễ dàng hình dung ra vị trí, công việc, con người qua các sự kiện lịch sử.

Đặc biệt, sản phẩm được làm từ những vật liệu như: Xốp, nhựa, gỗ, que kem, tre, cỏ tranh khô, túi ni lông vỏ ngô khô… Không những tận dụng được nguyên vật liệu phế thải mà còn góp phần bảo vệ môi trường, có tính sử dụng lâu dài, khoa học, dễ ứng dụng trong dạy học.

Xét ở góc độ sáng tạo, mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương” giúp cho những người thầy chủ động trong việc mô tả, người học dễ dàng hình dung ra các sự kiện lịch sử gần như chính xác dựa trên sự hình thành tri thức từ giác quan đến thính giác trực quan.

 Trước khi thực hiện đề tài, thầy và trò chúng tôi không nghĩ là gặp nhiều khó khăn đến vậy. Bước vào triển khai mới cảm nhận hết những thách thức không hề nhỏ. Dù HS tâm huyết, nỗ lực, GV hướng dẫn cũng tích cực hỗ trợ… nhưng không ít lần thầy trò phải đập đi làm lại, chỉnh sửa… Thật đáng, các em luôn nhiệt tình, hứng khởi để hoàn thiện mô hình ở mức độ tốt nhất trong khả năng và điều kiện vật chất hỗ trợ.
Thầy Duy chia sẻ. 

Thầy Duy cũng khẳng định, mô hình ngoài việc sử dụng vào dạy học trong một số môn học như: Địa lý, Lịch sử, các buổi học trải nghiệm thực tế… còn như bức tranh trang trí ý nghĩa có thể để trong phòng truyền thống giúp nhắc nhở các thế hệ HS về ý thức giữ gìn bảo vệ Tổ quốc; Biết ơn và tự hào về các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ toàn vẹn quê hương, đất nước.

Nói về những khó khăn khi thực hiện đề tài, thầy Lương Ngọc Duy cho biết: Những thông tin tài liệu làm nên đề tài thuộc lĩnh vực an ninh biên giới, biên phòng… Chính vì vậy, không chỉ có HS thực hiện đề tài, giáo viên hướng dẫn vào cuộc mà Ban giám hiệu nhà trường, UBND xã và đồn biên phòng A Mú Sung cũng đã tạo điều kiện giúp đỡ mới có thể hoàn thành.

Dù mô hình “Xây dựng và bảo vệ biên cương” HS Trường PTDTBT TH&THCS A Mú Sung mới đạt giải Khuyến khích, tuy nhiên sản phẩm là tâm huyết, sáng tạo, vượt lên chính mình của thầy và trò vùng khó.

Ý tưởng đề tài cũng cho thấy ý thức bảo vệ biên cương Tổ quốc của HS vùng cao biên giới đã không ngừng nâng cao. Khi được gợi mở, thúc đẩy và khuyến khích chắc chắn nghiên cứu, sáng tạo khoa học ở HS vùng cao sẽ đạt được thành tích nhiều hơn nữa.

Đây là lần đầu tiên HS nhà trường đạt giải cấp quốc gia dù đã tham gia nhiều năm trước. Đây sẽ là “cú hích” để thúc đẩy hơn nữa phong trào nghiên cứu, sáng tạo của GV và HS nhà trường. Dù trường vùng cao còn bộn bề thách thức, khó khăn nhưng thời gian tới Ban giám hiệu sẽ tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất về mặt thời gian, cơ sở vật chất, động viên khuyến khích để HS và GV thêm nỗ lực trong việc ứng dụng kiến thức vào  thực tế.
Thầy Vi Hoài Thanh -
Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH &THCS A Mú Sung  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.