Chuyện học lênh đênh theo sóng nước
Lần đầu tiên phóng viên Nguyễn Hữu Hoà Giang cùng 4 đồng nghiệp của Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai tham gia “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” với tác phẩm “Vượt sóng tìm chữ”.
Phóng viên Hoà Giang chia sẻ, trong một chuyến thiện nguyện tại lòng hồ Sê San 4 (xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) bản thân đã chứng kiến người dân sinh sống ở nơi đây không quá quan trọng việc đánh vần hay gọi đúng tên đảo mình ngụ cư. Phần vì cuộc sống bấp bênh, phần nữa là vì mấy ai được ăn học tới nơi tới chốn.
Bởi nơi đây dường như biệt lập, nỗi cơ cực mưu sinh của người lớn phủ lấp mong muốn đến trường của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ trên đảo theo cha mẹ lặn sông vớt củi, kéo cá, nhặt hạt điều. Cuộc sống quẩn quanh trên đảo nhỏ nên chuyện học hành cũng “lênh đênh” theo sóng nước.
Thế nhưng khi những người thầy tìm đến đã khơi dậy niềm đam mê đến trường tìm con chữ của lũ trẻ. Để đến được lớp, lũ trẻ nơi đây phải vượt qua nhiều gian nan, thử thách trên những chiếc thuyền vượt qua lòng hồ thuỷ điện.
Nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai trải qua nhiều khó khăn để hoàn thiện được tác phẩm "Vượt sóng tìm chữ". |
Phóng viên Hoà Giang cho hay, đây là đề tài khá lạ vì sóng nước thường mọi người sẽ nghĩ đến biển, miền Tây sông nước. Còn “Vượt sóng tìm chữ” ở Tây Nguyên dường như khá xa lạ, qua đó để mọi người thấy rằng dù ở bất kì đâu, bất kì hoàn cảnh nào thì việc học rất quan trọng.
Với nghị lực vượt khó của thầy, trò xã biên giới nhóm phóng viên của Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai đã gửi gắm những hy vọng, ước mơ về một tương lai tươi sáng của lũ trẻ vùng khó qua tác phẩm.
Lan toả đến cộng đồng
Để đến được lớp học chữ, lũ trẻ phải đi thuyền vượt qua sóng nước. |
Để hoàn thành tác phẩm, nhóm phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Gia Lai đã trải qua nhiều khó khăn. Từ TP Pleiku nhóm tác giả phải trải qua 2 giờ đồng hồ đi xe và gần 1 giờ lênh đênh trên thuyền. Lần đầu tiên đến hòn đảo biệt lập này, cả đoàn chỉ quay được vài cảnh đành phải quay về vì trời mưa to, không thể di chuyển và ghi hình.
Bên cạnh những khó khăn, thầy cô giáo và người dân hỗ trợ rất nhiệt tình. Cùng với đó là chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa trên hành trình thực hiện tác phẩm. Qua đó, tạo nên nguồn cảm hứng để tác phẩm được hoàn thiện…
Theo phóng viên Hoà Giang, khác với báo in và phát thanh, tác phẩm truyền hình muốn ghi nhận được những hình ảnh chân thực, bộc lộ toàn cảnh đời sống người dân đòi hỏi nhiều yếu tố nên đoàn tốn khá nhiều thời gian, công sức.
Tuy nhiên, khi tác phẩm được đăng tải có nhiều nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ cho những phận đời trên hòn đảo nhỏ. Đây là món quà to lớn dành cho nhóm tác giả, vì mọi người đều mong muốn đích đến của tác phẩm là lan toả được tới công chúng.
Từ niềm mong mỏi, hạnh phúc của lũ trẻ người dân nơi đây cũng hiểu tầm quan trọng của việc học đối với con, cháu. Bà con ở lòng hồ Sê San cũng xác định nơi đây là điểm dừng chân cuối cùng để ổn định cuộc sống và cho lũ trẻ có điều kiện được đến trường học chữ.
Gửi gắm của nhóm tác giả qua tác phẩm "Vượt sóng tìm chữ". |
“Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Mặc dù đích đến của một tác phẩm không phải nằm ở giải thưởng.
Tuy nhiên các giải thưởng, đặc biệt là giải uy tín như Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là một trong những động lực và niềm khích lệ to lớn đối với người làm truyền hình gắn với mảng Giáo dục”, phóng viên Hoà Giang chia sẻ.
"Có những đề tài là nỗi ám ảnh, nhưng có đề tài tạo cho bản thân sự hân hoan, mang đến sự sâu lắng. Nhiều người cho rằng đề tài Giáo dục có ở mọi nơi, nhưng thực hiện một tác phẩm để lại sự lắng đọng không phải đơn giản. Do đó, trong năm 2024 và những năm tiếp theo tôi sẽ tiếp tục học hỏi, trau dồi từ đồng nghiệp. Đồng thời cố gắng, nỗ lực đầu tư những tác phẩm truyền hình chất lượng tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam”, phóng viên Hoà Giang tâm sự.