Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục đã góp tiếng nói tới các nhà giáo

GD&TĐ - Tuyến bài 'Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản' có số liệu thuyết phục chỉ ra thực trạng khoa học cơ bản đang kém sức hút.

Nhà báo Võ Thanh Hùng, Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: NVCC
Nhà báo Võ Thanh Hùng, Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ảnh: NVCC

Nhà báo Võ Thanh Hùng, Báo Sài Gòn Giải Phóng lần đầu tham gia Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam với tuyến bài "Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản".

Khó khăn trong việc tìm minh chứng

Loạt bài “Bất cập đào tạo nhân lực khoa học cơ bản” của nhà báo Võ Thanh Hùng (bút danh Thanh Hùng) đăng trên Báo Sài Gòn Giải Phóng từ ngày 9 đến 11/ 3/2023.

Tuyến bài nêu thực trạng khoa học cơ bản (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội) của Việt Nam đang đối diện nhiều thách thức như kém thu hút người học từ đại học cho đến sau đại học, lực lượng chuyên gia đầu ngành giảm, năng lực nghiên cứu chưa cao.

Nhà báo Thanh Hùng cho biết, ý tưởng thực hiện đề tài này nung nấu trong thời gian dài khi anh theo dõi kết quả tuyển sinh đại học của các ngành khoa học cơ bản.

Theo đó, các ngành này ở Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TPHCM, các đại học vùng và nhiều trường đại học lớn khác đều chung hoàn cảnh: rất khó tuyển sinh.

Tuy nhiên, nhà báo sẽ rất khó thu thập số liệu cụ thể để minh chứng cho việc tuyển sinh kém, không thu hút được người học bởi các trường đại học thường e ngại chia sẻ.

Cuối tháng 12/2022, nhà báo Thanh Hùng có tham dự hội thảo khoa học với chủ đề “Khoa học cơ bản - Vai trò và định hướng phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học”. Tại đây, anh nghe được nhiều thông tin hay từ các bài tham luận, nhất là số liệu cụ thể qua từng năm ở các trường.

Từ một sự kiện thời sự, anh đề xuất với lãnh đạo cơ quan triển khai tuyến bài. Đề cương tuyến bài được lãnh đạo ban chuyên môn và Ban biên tập duyệt.

Bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn sau tuyến bài "Bất cập đào tạo nhân lực cơ bản" trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15/3/2023. Ảnh: SGGP

Bài phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn sau tuyến bài "Bất cập đào tạo nhân lực cơ bản" trên báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 15/3/2023. Ảnh: SGGP

Nhà báo Thanh Hùng kể, tại hội thảo nói trên, phóng viên chỉ được ban tổ chức phát thông cáo báo chí. Các tham luận lại được các đại biểu trình bày tóm tắt, không đầy đủ.

Sau đó, anh vận dụng mối quan hệ xin tất cả các bài phát biểu và có luôn tất cả những bài tham luận gửi đến ban tổ chức hội thảo.

Theo anh, có số liệu để "nói có sách, mách có chứng" là rất tốt nhưng khai thác, trích và sử dụng thế nào để đạt hiệu quả cũng không kém phần quan trọng.

Tiếp đến, cần có thêm những ý kiến của các cơ sở đào tạo, nhà quản lý, chuyên gia độc lập để đạt được mục đích truyền tải thông điệp và tạo tác động.

“Khi thực hiện tuyến bài này, tôi muốn góp thêm tiếng nói để gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng của các ngành khoa học cơ bản đang kém sức hút. Từ đó, các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý chuyên môn sẽ có những giải pháp, chính sách để khắc phục phần nào thực trạng này. Rất may, khi tuyến bài đăng, tôi nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Trong đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhận trả lời phỏng vấn, giúp tôi có bài phản hồi”, nhà báo Thanh Hùng kể.

Viết về tiêu cực với tinh thần xây dựng

Là một trong những phóng viên có thâm niên theo dõi lĩnh vực giáo dục ở TPHCM, nhà báo Thanh Hùng kể, ban đầu khi nắm mảng giáo dục đại học, anh chỉ "chạy" thông tin thời sự.

Sau khi tích lũy kinh nghiệm từ thực tế và học hỏi từ những đồng nghiệp đi trước, anh bắt đầu thực hiện các bài viết sâu trong lĩnh vực này.

Để viết tốt mảng giáo dục đại học, anh đọc, lưu trữ các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời tiếp thu các ý kiến từ các chuyên gia, giảng viên.

Ngoài ra, yếu tố quan trọng của một phóng viên là phải có "máu nghề" cùng sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ cơ quan.

Nhà báo Thanh Hùng tác nghiệp trong một hội thảo. Ảnh: NVCC

Nhà báo Thanh Hùng tác nghiệp trong một hội thảo. Ảnh: NVCC

Làm phóng viên giáo dục lâu năm, kỷ niệm buồn vui nhiều không kể hết. Tuy nhiên, kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là cùng đồng nghiệp thực hiện loạt bài 5 kỳ chủ đề: "Đại học ngoài công lập đang bị thả nổi?", năm 2010.

Một hiệu trưởng sau khi đọc đã nhắn tin cho anh khen tuyến bài công phu, nhưng kèm theo góp ý "em dùng các từ ăn chia, tranh giành, đấu đá… với ngành giáo dục, có thể sẽ tổn thương cho nhà giáo".

"Tôi cảm ơn thầy đã góp ý thẳng thắn. Từ đó đến nay, tôi luôn chú ý cách dùng từ trong các bài phản ánh thực trạng, vấn đề tiêu cực. Tôi thích đi vào những vấn đề gai góc, những mặt hạn chế của lĩnh vực nhưng luôn với tinh thần nói để xây dựng, góp ý cho ngành. Phản ánh những mặt hạn chế cũng là góp tiếng nói để ngành hoàn thiện tốt hơn", nhà báo Thanh Hùng nói.

Nhà báo Thanh Hùng cho biết, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, anh sẽ cố gắng đầu tư các bài viết có chất lượng, tiếp tục tham dự Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

"Một ý kiến nhỏ xin góp ý là Ban tổ chức giải là nên tăng tần suất thông tin về giải hơn để có nhiều tác giả tham dự", anh bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.