Đổi thay của cô, trò sau Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Là nhân vật truyền cảm hứng trong Giải báo chí Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam cô Thu và trò điểm trường Tắk Pổ có điều kiện dạy - học tốt hơn.

Cô Trà Thị Thu cùng học sinh ở điểm trường Lang Lương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập.
Cô Trà Thị Thu cùng học sinh ở điểm trường Lang Lương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập.

Đổi thay ở Tắk Pổ

Sau 3 trở thành nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”, cô Trà Thị Thu, giáo viên ở điểm trường Lang Lương - Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn còn nhiều xúc động xen lẫn hạnh phúc.

“Khi đạt nhân vật tiêu biểu của cuộc thi bản thân tôi cảm thấy rất bất ngờ và vui vì mình đã truyền tải được những điều chân thật, tích cực nhất về cuộc sống, công việc dạy và học của cô trò tại miền núi đến với mọi người.

Dù khó khăn, gian nan thì thầy cô miền núi vẫn rất kiên trì, cố gắng, miệt mài từng giờ, từng ngày để truyền tải kiến thức đến với các em.

Giải thưởng đã cho tôi một bước ngoặc mới trong sự nghiệp giáo dục, đánh thức được tinh thần nhiệt huyết, cống hiến nhiều hơn trong bản thân tôi”, cô Thu chia sẻ.

Năm học 2019-2020 là năm đầu tiên cô giáo Trà Thị Thu nhận nhiệm vụ giảng dạy ở điểm trường Tắk Pổ. Để đến với điểm trường thôn cô đi bộ gần 2 giờ đồng hồ. Lễ khai giảng năm học 2019-2020, cô Trà Thị Thu và cô Riah Uối cùng 38 học sinh giản dị trên đỉnh Ngọc Linh với những khuôn mặt ngây thơ, háo hức, tay cầm cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới.

Trong ngày đặc biệt của năm học mới ấy có những học trò đi chân đất, không đủ ghế nên một số em ngồi xổm dưới sân trường lổn nhổn đất, phía sau là lớp học bằng phên gỗ. Thế nhưng, những bức ảnh về Lễ khai giảng năm ấy vẫn tràn đầy niềm vui, sự lạc quan khiến cho nhiều người rưng rưng xúc động. Tác phẩm “Lễ khai giảng xúc động trên đỉnh Ngọc Linh” viết về cô trò trong ngày khai giảng cũng xuất sắc đoạt giải đặc biệt trong cuộc thi “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020.

Cô Thu luôn ân cần, hết lòng vì học trò.

Cô Thu luôn ân cần, hết lòng vì học trò.

3 năm kể từ ấy, điểm trường Tắk Pổ cũng như cô Trà Thị Thu và cô Riah Uối đã có nhiều đổi thay. Bản thân cô Thu và học sinh đón nhận được rất nhiều chia sẻ của bạn bè, đồng nghiệp và mọi người trên cả nước. Từ lớp học bằng phên gỗ, nơi đây được nhiều nhà hảo tâm đến thăm, hỗ trợ kinh phí để sửa sang trường lớp, mua sắm trang thiết bị hiện đại. Những đứa trẻ thiếu thốn trăm bề cũng có quần áo mới, trắng tinh tươm đến trường.

Sau những đổi thay ở điểm trường Tắk Pổ, vừa qua cô Trà Thị Thu được chuyển đến điểm trường Lang Lương để nhận công tác. Chặng đường đến trường của cô thuận lợi hơn, chỉ còn một đoạn ngắn là đường đất nên lội bộ khoảng 10 phút là đến nơi.

“Hi vọng rằng cuộc thi ‘Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam’ sẽ tổ chức hằng năm để có thể mang đến nhiều câu chuyện hay, giúp mọi người có cái nhìn sâu sắc, tích cực hơn về cuộc sống. Đặc biệt là những câu chuyện cảm động về nghề giáo”, cô Thu bộc bạch.

“Cô trò chúng tôi vẫn thế, vẫn vô tư hồn nhiên trên những thảm cỏ xanh sau giờ học, vẫn không ngừng cố gắng từng ngày để các em biết được con chữ, sau này có một tương lai rộng mở”, cô Thu tâm sự.

Tương lai tươi sáng

Còn cô giáo Riah Uối hạnh phúc nhân đôi khi đón niềm vui lần đầu tiên làm mẹ. Vừa giữ thiên chức của người mẹ, cô Uối vẫn không ngừng nỗ lực, cố gắng mang con chữ và nhiều niềm vui đến cho học trò của mình.

3 năm qua, không còn giảng dạy ở điểm trường mẫu giáo Tắk Pổ, nhưng cô Uối vẫn dõi theo từng sự thay đổi tích cực ở ngôi trường cũ. Không còn cảnh học sinh co ro trong giá rét, Tắk Pổ bây giờ đã có cơ sở vật chất khang trang, các em có điều kiện học tập tốt hơn.

Cô Riah Uối dạy cho học sinh Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ.

Cô Riah Uối dạy cho học sinh Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ.

Nhận công tác ở Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) 2 năm nay, cô Uôi phải di chuyển hơn 4 tiếng đồng hồ từ nhà đến trường. Nhà ở tận xã biên giới La Dêê (huyện Nam Giang, Quảng Nam) nên suốt 3 tháng qua, cô Uôi cùng người con 3 tuổi ăn, ở tại khu tập thể giáo viên.

Ở nơi dạy mới, đường sá đi lại có phần thuận lợi hơn khi được trải bê-tông. Cơ sở vật chất nhà trường cũng đang xây dựng, khang trang hơn trước kia. Học sinh nơi đây chủ yếu là người Ca Dong và Giẻ Triêng, phụ huynh quan tâm đến việc học của con em nên giáo viên vơi bớt phần vất vả.

“5 năm qua, mình luôn quan tâm và theo dõi “Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam’. Bởi đây là một cuộc thi rất ý nghĩa vì truyền tải đến mọi người hình ảnh xúc động của thầy, cô giáo không ngừng nỗ lực để mang con chữ đến vùng khó.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cận kề, bản thân mình sẽ tiếp tục phấn đấu, nỗ lực để giúp đỡ nhiều hơn nữa những học trò khó khăn. Mình mong rằng các em ở Trường Mẫu giáo liên xã Năng Mỹ sẽ có thêm sân chơi ngoài trời để khích lệ học sinh đến trường”, cô Uối tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ