Trăn trở với ngành giáo dục
Chia sẻ với Báo GD&TĐ, nhà báo Thu Phong (Báo Bắc Giang) cho biết có cơ hội trò chuyện, tiếp xúc với chàng trai Nguyễn Thành Ngọc (SN 1991) ở thôn Tó, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) trong hành trình tạm gác lại hạnh phúc riêng tư, dành gần 9 năm sang nước bạn Lào giảng dạy tiếng Việt.
Sau hôm đó, bài phóng sự: Chàng trai Bắc Giang "gieo" chữ Việt trên đất bạn Lào của tôi ra đời. Nhà báo Thu Phong chia sẻ, bản thân luôn quan tâm đến những trăn trở của ngành giáo dục nước nhà trong nỗ lực khắc phục những khó khăn về lương, đời sống cho cán bộ, giáo viên để xây dựng ngành giáo dục thêm vững mạnh.
Trong đó có công sức của nhiều thầy cô giáo vì lòng yêu nghề và tình yêu con trẻ. Có nhiều người đành gác lại niềm vui riêng để hoàn thành tốt công việc “trồng người” nơi biên cương, hải đảo, làm nhiệm vụ quốc tế...
Nhà báo Thu Phong cho biết, thầy Ngọc từng tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (khoá 2009 - 2013), sau đó dành gần chục năm dạy học ở nước bạn Lào.
"Bố mẹ thầy Ngọc đều làm ruộng ở một vùng khó của tỉnh Bắc Giang, bản thân thầy chọn học ngành sư phạm để đỡ tiền học phí. Tại ngôi trường thầy học có nhiều sinh viên Lào theo học dự bị.
Qua tiếp xúc, thầy Ngọc cho biết sinh viên Lào theo học ở Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng rất chất phác, dễ gần, bản sắc văn hoá cũng đặc sắc, nhất là điệu múa lăm-vông thầy rất thích. Những lúc rảnh rỗi, thầy Ngọc cũng tranh thủ học mót được một chút tiếng Lào. Tốt nghiệp đại học, thầy quyết định làm một chuyến du lịch, tới thăm đất nước mà mình đã dành rất nhiều tình cảm...”, nhà báo Thu Phong kể.
Là người con quê hương Bắc Giang từng gắn bó với ngành giáo dục địa phương, nhà báo Thu Phong cảm nhận sâu sắc những nỗi niềm trăn trở đó. Đồng thời, mong muốn có thể góp 1 chút sức lực nhỏ bé của mình để chung tay xây dựng nền giáo dục địa phương và nước nhà, thông qua những phóng sự, những chuyên đề đăng tải để truyền đi những thông điệp.
Nhà báo Thu Phong (Báo Bắc Giang). |
Nhà báo Thu Phong cũng cho biết, những suy nghĩ và mong mỏi đúng vào thời điểm giáo dục nước nhà có nhiều sự thay đổi từ chủ trương, chính sách cho đến nhận thức của cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên và toàn xã hội.
Đặc biệt, tháng 8/2021, tỉnh Bắc Giang kết nghĩa với tỉnh Xay Sổm Bun (Lào), giúp đỡ tỉnh này về nhiều mặt. Trong kế hoạch tuyên truyền có nội dung về mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Lào, những người con quê hương Bắc Giang có đóng góp cho đất nước Lào.
“Biết thầy Ngọc quê ở tỉnh Bắc Giang có thời gian gần chục năm giảng dạy tại Lào theo chương trình của Bộ GD&ĐT Việt Nam. Dịp tháng 2/2023, thầy có về quê hương ăn Tết và tôi đã hẹn được gặp trực tiếp thầy…”, nhà báo Thu Phong nhớ lại.
Thấy việc làm của thầy Ngọc vô cùng ý nghĩa và mang lại nhiều điều tích cực cho học sinh, góp phần vun đắp tình hữu nghị Việt Lào, nhà báo Thu Phong đã quyết định thực hiện phóng sự đăng tải trên Báo Bắc Giang.
“Xuất phát từ trách nhiệm và nghĩa vụ của một phóng viên, phải tuyên truyền và truyền thông thật tốt về những chủ trương của Đảng, Chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay lan tỏa và nhân rộng những giá trị tốt đẹp đến mọi người trong xã hội, vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam…”, nhà báo Thu Phong chia sẻ thêm.
Tri ân thầy cô giáo
Vì thời gian công việc, tuy chỉ ngồi trò chuyện với thầy Ngọc trong một quán cà phê, cảm nhận đầu tiên là thầy Ngọc vô cùng hiền lành, chất phác và rất thật thà. Hoàn cảnh gia đình thầy không thuộc diện khá giả.
“Gia đình có bố mẹ làm nông nghiệp, một em gái làm công nhân. Ban đầu thầy sang Lào chỉ vì yêu đất nước này qua những lần ở ký túc xá của Đại học Đà Nẵng, tiếp xúc với các du học sinh người Lào đang học tập tại Việt Nam, sang để tham quan thôi chứ không nghĩ là ở đó lâu dài. Thế nhưng sang đó thầy bị cuốn hút bởi tình đoàn kết hữu nghị Việt Lào, của những người dân chân chất đất nước triệu Voi…”, nhà báo Thu Phong trải lòng.
Nhà báo Thu Phong trò chuyện với thầy Ngọc. |
Được biết, khi Bộ GD&ĐT Việt Nam có chương trình dạy ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam tại Lào, nhiệm kỳ hai năm (2021 - 2023), thầy Ngọc liền đăng ký đi và nhận công tác tại Trường THPT Viêng Phu Kha thuộc tỉnh Luông Nậm Thà - một tỉnh vùng biên giáp với Trung Quốc và Myanmar cách Thủ đô Hà Nội đến 2.000 km. Ở đó, thầy Ngọc là giáo viên nhận công tác ở địa bàn xa nhất so với 27 giáo viên cùng đi đợt ấy.
Qua lời kể của nhà báo Thu Phong, thì cuộc sống của thầy Ngọc ở ngôi trường bên đất bạn Lào khó khăn hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. “Tình nguyện là chính nhưng thầy Ngọc đã nỗ lực vượt qua, không chỉ tự động viên mình mà còn giúp được nhiều học sinh và người dân ở đây…”, nhà báo Thu Phong tâm sự.
“Khi ở Viêng-chăn, thầy Ngọc từng dạy thêm cho nhiều doanh nhân Việt kiều, sẵn có mối quan hệ thầy Ngọc đăng thông tin lên facebook, từ đó nhiều doanh nghiệp, cá nhân sẵn sàng đi cả vài trăm km đến ủng hộ không chỉ cho học sinh hoàn cảnh khó khăn mà cả người dân ở đây. Được biết, hơn một năm qua, thầy giáo Ngọc cùng nhóm thiện nguyện đã thực hiện 23 lần trao quà tặng học sinh và bà con nghèo trong huyện, tỉnh nơi thầy công tác với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
Thầy thương trò, trò thương thầy. Người dân ở đây nghèo nhưng sẵn sàng mang sản vật đến biếu, mua thuốc khi biết thầy ốm đau mà không có người thân bên cạnh. Ai cũng yêu quý thầy giáo người Việt. Gần 10 năm gắn bó với đất nước, con người Lào, tuổi thanh xuân đẹp nhất của thầy Ngọc đã dành trọn cho đất nước Lào, vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia…”, trích đoạn trong bài phóng sự của nhà báo Thu Phong.
Theo nhà báo Thu Phong, thông điệp của bài viết mà tác giả khẳng định đó là, dù có khó khăn đến đâu nhưng với tấm lòng chân thành, vì sự nghiệp trồng người, vì tình cảm quốc tế, thầy giáo, cô giáo Việt Nam chúng ta sẵn sàng khắc phục khó khăn, chấp nhận thiệt thòi, đi bất cứ nơi đâu để giảng dạy. Thầy cô giáo luôn đem tiếng nói và chữ viết tiếng Việt của mình góp phần vun đắp thêm tình hữu nghị Việt Lào.
Về hành trình “gieo chữ” của thầy giáo trẻ - Nguyễn Thành Ngọc, nhà báo Thu Phương cũng tiết lộ, khi trở về Việt Nam hồi tháng 6/2023, dự định lập gia đình, lấy vợ và ở Việt Nam làm việc. Tuy nhiên đầu tháng 11 vừa qua, thầy lại được Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ GD&ĐT Việt Nam) tiếp tục cử sang Lào giảng dạy tiếng Việt tại trường THPT tỉnh Luổng nậm tha (Lào) nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Tác phẩm dự thi giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam được nhà báo Thu Phong coi là món quà, bông hoa kính dâng lên các thầy, các cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cũng là cảm ơn cha mẹ - hai cựu giáo chức nay đã ở tuổi gần 80.
“Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam là sân chơi dành cho các phóng viên cả nước, trong đó có phóng viên báo địa phương như chúng tôi, đặc biệt cũng là dịp để phóng viên được tri ân thầy giáo, cô giáo và mái trường…”, nhà báo Thu Phong bày tỏ.