Nữ Trung tá trải lòng về Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - "Theo dõi giáo dục lâu năm, từng vinh dự nhận giải báo chí về giáo dục, không chỉ tôi mà bất cứ phóng viên nào cũng vô cùng hạnh phúc".

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương cùng các đồng nghiệp của Báo CAND tặng quà cho các em học sinh nghèo. Ảnh NVCC.
Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương cùng các đồng nghiệp của Báo CAND tặng quà cho các em học sinh nghèo. Ảnh NVCC.

Đó là chia sẻ của Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Pháp luật Báo Công an nhân dân.

Nữ trung tá 20 năm gắn bó với mảng giáo dục

Theo Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương, Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp, thể hiện qua việc ban tổ chức đã mời được các nhà quản lý báo chí, các nhà báo giàu kinh nghiệm cùng tham gia vào ban giám khảo. Số lượng tác phẩm dự thi ngày càng dồi dào, có sự đầu tư công phu, bài bản cho thấy sự uy tín của giải thưởng.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ: “Tôi may mắn được theo dõi giáo dục gần 20 năm, qua nhiều đời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chứng kiến các lần thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới, những đổi thay lớn trong thi cử…, tôi cảm nhận giáo dục nước nhà hiện nay có uy thế hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và châu Á.

Đặc biệt, tại các cuộc thi tầm vóc quốc tế như các kỳ thi Olympic, bạn bè quốc tế đã phải ngưỡng mộ học sinh Việt Nam. Chúng ta đã có tên các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng danh giá thế giới – điều này khi tôi mới vào nghề, theo dõi giáo dục thì chưa hề có.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương (bên trái ngoài cùng) cùng đồng nghiệp các báo đoạt giải cao tại Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục năm 2019. Ảnh NVCC.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương (bên trái ngoài cùng) cùng đồng nghiệp các báo đoạt giải cao tại Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp giáo dục năm 2019. Ảnh NVCC.

Rồi có rất nhiều vấn đề lớn của giáo dục đại học, nước ta đã tiếp cận được và biến thành xu thế phát triển như tự chủ đại học, quản trị đại học.

Đặc biệt, đại dịch COVID-19 những năm vừa qua như một “cú hích” khiến cả hệ thống giáo dục, toàn ngành giáo dục chuyển đổi số mạnh mẽ, thay đổi cơ bản cách dạy và học của thầy và trò.

Những khái niệm như “bài giảng điện tử”, “học liệu điện tử”, “cơ sở dữ liệu về người học, về giáo viên” đã trở nên quen thuộc, phổ biến… Đấy là những điều tôi rất ấn tượng về giáo dục Việt Nam”.

Tuy nhiên, chị và nhiều đồng nghiệp vẫn trăn trở làm thế nào để học sinh Việt Nam học hành đỡ vất vả, mỗi ngày các em đến trường phải đúng nghĩa là một ngày vui; làm thế nào để chúng ta xây dựng được một nhà trường thân thiện, tích cực thực sự, đặc biệt không có sự mất dân chủ trong nhà trường; những đạo lý thầy trò vẫn phải được tôn trọng, bồi đắp dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Người "kể chuyện" sau tấm huy chương

Năm nay, tại Giải báo chí toàn quốc vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam, Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương đã dự thi loạt bài “Phía sau những tấm huy chương Olympic quốc tế”.

Bài viết đã cho độc giả thấy việc tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi vào các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế luôn được Bộ GD&ĐT đổi mới đảm bảo trung thực, đánh giá đúng trình độ học sinh.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương cùng các em nhỏ vùng cao. Ảnh NVCC.

Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương cùng các em nhỏ vùng cao. Ảnh NVCC.

“Chúng tôi đã đưa tin thường xuyên mỗi khi các đoàn học sinh Việt Nam giành huy chương. Nhưng điều thôi thúc tôi làm loạt bài này một cách kỹ lưỡng, bài bản hơn là từ một câu nói của một thầy giáo từng dẫn quân đi thi Olympic quốc tế: “Nếu không vì danh dự của Tổ quốc, không vì những đứa học sinh quá giỏi không có thầy giỏi dẫn dắt thì sẽ phí một tài năng nên bằng mọi giá các thầy phải bám trụ với đội tuyển”. Câu nói đó của thầy khiến tôi suy nghĩ mãi”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.

“Tôi còn trực tiếp đến trường xem các em học, gặp giáo viên chủ nhiệm của các em để lắng nghe cảm nhận của họ về học sinh và trái tim tôi đã run lên khi biết có “chàng trai vàng” của chúng ta đã có một tuổi thơ rất nhọc nhằn. Khi gia đình em liên tục phải chuyển nhà trọ đến những khu trọ tồi tàn để ở, thậm chí, đêm đến chuột chạy ầm ầm trên mái nhà. Nhưng những khó khăn vật chất đó không ngăn cản các em đến với khoa học”, chị Thu Phương xúc động kể lại.

Trong loạt bài, tác giả cũng đề cập đến những người thầy “lãnh tuyển”, nghe họ chia sẻ về chiến thuật, chiến lược xây dựng đội tuyển, quá nhọc nhằn vất vả. Có những đoạn “Dạy đội tuyển không có sách hướng dẫn, không ai đào tạo, các thầy phải tự đào tạo, tự chịu trách nhiệm và buộc phải thành công”; “Dạy đội tuyển là cuộc chơi danh dự nên các thầy không bao giờ xét đến hiệu quả kinh tế và vật chất, chấp nhận bao vất vả để dạy dỗ các em thành danh”. Bên cạnh đó, tác giả cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong chính sách đãi ngộ các em học sinh giỏi Olympic, nuôi dưỡng nhân tài.

“Trường THPT Chuyên Khoa học tự nhiên là cái nôi đào tạo biết bao lứa học sinh giỏi quốc tế, hiện điều kiện dạy và học còn rất khó khăn, những môn cần phải có phòng thí nghiệm hiện đại thì thầy, trò vẫn phải đi thí nghiệm nhờ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên… Từ đó, bài báo của tôi đã đề xuất cơ chế để “giữ chân” người tài, để làm sao chúng ta có thể xây dựng được đội ngũ các nhà khoa học giỏi, tài năng ở trong nước…”, Trung tá Nguyễn Thị Thu Phương - Phó Trưởng ban Ban Kinh tế - Pháp luật Báo Công an nhân dân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ