GS Phạm Thị Trân Châu cho rằng, việc ký hợp đồng có lợi cho cả hai bên: nhà nước và người lao động. Nhà nước chọn được người làm việc có hiệu quả; cá nhân ký hợp đồng nếu thấy có nơi làm việc phù hợp hơn, lãnh đạo đánh giá đúng năng lực, trân trọng tài năng của mình hơn, có thể chuyển đến đơn vị khác làm việc khi hết hợp đồng.
Điều quan trọng là, khi thực hiện theo chế độ ký hợp đồng, mỗi cá nhân sẽ luôn phấn đấu, làm việc hết khả năng của mình.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, theo GS Phạm Thị Trân Châu, cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá. Tiêu chí này khi xây dựng không nên chỉ do người đứng đầu đơn vị nghĩ ra mà cần tham khảo ý kiến của viên chức, công đoàn.
Cùng với đó là quy trình đánh giá cần làm thế nào để đảm bảo tính khách quan, trung thực; cấn có cơ chế kiểm soát trách nhiệm và quyền lực của thủ trưởng đơn vị. Ở các nước, người ta làm được việc này vì một mặt luật pháp chặt chẽ, mặt khác việc thực thi luật pháp cũng rất nghiêm chỉnh.
Về quyền khiếu kiện, cũng nên có những định cụ thể thêm để bảo đảm quyền lợi của người lao động.
“Tóm lại, tôi ủng hộ chủ trương ký hợp đồng, đối tượng áp dụng với mọi ngành nghề, rất thận trọng khi áp dụng với ngành GD&ĐT. Khi thực hiện, phải nhấn mạnh cơ chế kiểm soát quyền lực. Với chúng ta hiện nay, việc sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật là rất cần với mỗi người dân và người lãnh đạo” – GS Phạm Thị Trân Châu cho hay.