Chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên: Rất cần những diễn đàn trao đổi, nhưng đừng diễn giải sai ý kiến đóng góp

GD&TĐ - Mấy ngày qua, một số cơ quan thông tin đại chúng đăng tải bức thư của ThS Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) góp ý với chủ trương của Bộ GD&ĐT về việc thí điểm chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động. 

Bỏ biên chế sẽ triệt tiêu tư tưởng an phận trong một bộ phận giáo viên và khơi dậy sự sáng tạo
Bỏ biên chế sẽ triệt tiêu tư tưởng an phận trong một bộ phận giáo viên và khơi dậy sự sáng tạo

Phản ánh với báo GD&TĐ, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, cách rút tít, trích dẫn của một số cơ quan thông tấn như vậy dễ làm cho nhiều người hiểu sai nội dung, bản chất và mục đích bài viết của tác giả. Thầy Trần Trung Hiếu đã có cuộc trao đổi với báo GD&TĐ để làm rõ hơn những vấn đề trên.

Chủ trương đúng, nhưng cần thận trọng

Chủ trương thí điểm chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động do Bộ GD&ĐT đề xuất mới đây đang thu hút sự chú ý của dư luận xã hội; nhiều diễn đàn được mở ra xung quanh vấn đề này, với sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn xã hội, đặc biệt trong đó là ý kiến của các giáo viên. Cũng là một giáo viên đang đứng lớp, thầy đánh giá về chủ trương này như thế nào?

“Là một viên chức trong Ngành, tôi luôn đồng tâm, đồng thuận, đồng hành với những quyết sách đúng đắn của Bộ GD&ĐT và luôn có những ý kiến góp ý, phản biện công khai với tinh thần thiện chí, với ý thức xây dựng với Ngành. Đối với vấn đề lớn như nội dung chúng ta đang trao đổi, tôi mong rằng ngoài những ý kiến đồng thuận, báo Ngành cũng mạnh dạn tạo diễn đàn đăng tải thêm các ý kiến góp ý và phản biện từ các nhà giáo tâm huyết. Chỉ có người trong Ngành mới thật sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhà giáo. Tôi tin rằng khi các chủ trương của Bộ GD&ĐT xuất phát từ thực tiễn, có sự tham vấn dân chủ, minh bạch và sâu rộng trong dư luận xã hội, trong đó có sự tham gia của giáo viên, phụ huynh, HS thì khi triển khai các quyết sách đúng đắn mang tính đột phá sẽ thành công trên thực tế”. Thầy Trần Trung Hiếu.

Trước hết, tôi xin khẳng định quan điểm cá nhân là luôn ủng hộ Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, trong đó có yêu cầu phát triển đội ngũ cán bộ giáo viên, đáp ứng yêu cầu mới của Ngành cũng như đòi hỏi của xã hội. Chủ trương bỏ biên chế giáo viên là ý tưởng rất táo bạo và mang tính đột phá, tuy nhiên sẽ đối diện với không ít khó khăn thách thức; do đó Bộ trưởng đã rất đúng khi đề ra lộ trình trước mắt là thực hiện thí điểm. Tôi cho rằng, ngay sau cả quá trình thí điểm cũng cần sự cân nhắc kỹ lưỡng và có đánh giá cẩn trọng kết quả đạt được.

Dù mới là chủ trương, nhưng ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu vấn đề này, đã tạo nên sự chú ý, quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội với nhiều ý kiến khác nhau, đây cũng là điều bình thường và dễ hiểu. Điều quan trọng, tôi tin là Bộ GD&ĐT luôn đón nhận sự góp ý, phản biện, phân tích, mổ xẻ của đội ngũ giáo viên tâm huyết trong Ngành và dư luận xã hội, với mục tiêu cao nhất là phục vụ cho yêu cầu đổi mới và phát triển của Ngành, trong đó việc đổi mới và phát triển đội ngũ đóng vai trò cốt lõi.

Theo thầy, đâu là những điểm tích cực của chủ trương này? Làm sao để nhân rộng tính tích cực ấy trong tình hình thực tế ngành GD hiện nay?

Thầy Trần Trung Hiếu 

Tôi cho rằng, nếu bỏ biên chế giáo viên, sẽ có hai tác dụng cơ bản:

Thứ nhất, xét về phương diện cán bộ quản lý, bỏ biên chế sẽ giúp họ có quyền tự chủ về mặt nhân sự, thêm quyền lựa chọn và tinh lọc đội ngũ giáo viên; thu hút và giữ chân được giáo viên giỏi, có năng lực và phẩm chất đáp ứng được yêu cầu đổi mới của GD-ĐT.

Thứ hai, đối với giáo viên. Bỏ biên chế sẽ triệt tiêu tư tưởng an phận trong một bộ phận giáo viên; đồng thời tạo cơ hội thể hiện phẩm chất và năng lực cho các giáo viên trong diện hợp đồng lâu năm, cũng như tạo cơ hội cho nhiều sinh viên mới ra trường có thêm sự lựa chọn môi trường, cơ quan công tác theo khả năng của mình.

Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, chủ trương này nếu triển khai sẽ gặp nhiều thách thức, khó khăn ngay tại các nhà trường. Nếu triển khai không khoa học, thiếu công bằng sẽ tạo ra sự không ổn định về tâm tư, tình cảm của đội ngũ giáo viên.

Xóa biên chế sẽ triệt tiêu sự chây ỳ, thụ động

Hiện có một số ý kiến cho rằng, giáo viên khi đã vào biên chế sẽ bằng lòng với sự ổn định, thiếu đi ý chí tự phấn đấu học hỏi nâng cao trình độ, thiệt thòi chính là HS. Thầy nghĩ sao về nhận xét này?

Đây là một thực tế đáng băn khoăn mà chúng ta đang đối mặt, nhưng chưa có nhiều giải pháp kèm theo chế tài để khắc phục. Đúng là có một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được nhiệm vụ về mặt năng lực, nhưng vì nhiều lý do khách quan, kể cả những lý do “khó nói” mà họ vẫn công tác, vẫn hưởng lương đầy đủ bởi cái mác “biên chế”. Thực trạng viên chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”, tôi thiết nghĩ không chỉ có trong ngành GD, mà còn diễn ra ở nhiều ngành khác trong các cơ quan hành chính sự nghiệp mà chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và nhiều vị lãnh đạo khác đã trăn trở lên tiếng.

Một trong những mục tiêu của việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động là để tạo động lực cho giáo viên thể hiện khả năng và nâng cao thu nhập từ chính khả năng của mình. Tuy nhiên khi chủ trương này vừa được đề xuất, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, cũng có một bộ phận giáo viên lại chưa đồng tình, theo thầy đâu là nguyên nhân?

Là giáo viên dạy Lịch sử, tôi mạnh dạn khẳng định lại là trong lịch sử của mọi quốc gia, dân tộc, phần lớn những cái mới khi vừa xuất hiện đều bị đặt nghi ngờ và dè dặt đón nhận. Giáo dục cũng không phải là một ngoại lệ. Tâm lý của một bộ phận giáo viên là băn khoăn, lo lắng trước chủ trương quá mới mẻ, khi mà tư duy biên chế đã ăn sâu vào xã hội ta. Nhưng phải khẳng định rằng, phần lớn cán bộ giáo viên luôn đặt niềm tin vào sự quyết liệt, sáng tạo, đúng đắn của lãnh đạo Bộ GD&ĐT. Vấn đề này cũng dễ hiểu. Điều mà giáo viên cần không chỉ là thu nhập, mà là phát triển trên sự ổn định và hiệu quả công việc. Cá nhân tôi thấy rằng nghề dạy học tuy không có thu nhập cao, nhưng những đồng nghiệp của tôi luôn đồng thuận với sự đổi mới, sáng tạo trong các chủ trương, chính sách. Ngoài ra, các nhà giáo luôn trọng danh dự, muốn sự ổn định tư tưởng, tinh thần để an tâm dạy học, cống hiến và theo đuổi nghề mà mình đã lựa chọn.

Ủng hộ chủ trương thí điểm chuyển biên chế giáo viên sang chế độ hợp đồng, vậy theo thầy, cần phải làm gì để lộ trình thí điểm có thể triển khai hiệu quả và tạo được sự đồng thuận trong xã hội?

Đổi mới là tất yếu, vì đó là quy luật tự nhiên của xã hội. Mọi chủ trương đổi mới mang tính đột phá đều phải nghiên cứu và triển khai thận trọng, đúng quy trình và có lộ trình. Cá nhân tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT muốn tạo sự đồng thuận cao trong Ngành, trong xã hội cần phải có những việc sau đây:

Thứ nhất, Bộ GD&ĐT cần lắng nghe để khơi dậy, đánh thức khả năng, tiềm năng “hiến kế” từ dư luận, đội ngũ trong ngành, các chuyên gia, các nhà khoa học bằng nhiều phương pháp để thu thập thông tin. Cách làm cần dân chủ, công khai và minh bạch.

Thứ hai, cần nghiên cứu, rà soát lại một số văn bản mang tính pháp quy của Nhà nước, quan trọng nhất là Luật Giáo dục và Luật Viên chức - lấy đó là cơ sở khoa học và pháp lý; cần có sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành và sự giám sát của nhân dân cho việc triển khai chủ trương thí điểm.

Thứ ba, nếu triển khai thí điểm phương án bỏ biên chế, nên tạo bình đẳng. Sự đổi mới của ngành GD luôn được đặt trong công cuộc đổi mới chung của đất nước, có mối quan hệ tương tác, biện chứng với các bộ, ban, ngành liên quan, do đó, cần có sự vào cuộc, chung tay với ngành GD trong chủ trương này. Nếu làm thành công trong ngành GD, chúng ta có thể thí điểm dần sang các ngành, lĩnh vực khác, từ đó giải bài toán biên chế vốn đang rất căng thẳng từ nhiều năm nay ở bộ máy hành chính nước ta, chứ không riêng gì ngành GD.

Thứ tư, về lộ trình, nếu thí điểm về không gian thì nên triển khai ở một số thành phố lớn trước, các địa phương còn lại sau; đến tuyến tỉnh, lựa chọn đô thị trung tâm trước, vùng nông thôn đồng bằng, miền núi sau. Nếu có hiệu quả và tạo ra hiệu ứng tích cực, có sự tổng kết và rút kinh nghiệm, có sự đồng thuận của đội ngũ trong Ngành mới triển khai đồng bộ, đồng loạt trên toàn quốc. Toàn bộ quá trình này đều cần có sự tham gia của các cơ quan ban ngành liên quan, sát cánh cùng ngành GD để đảm bảo sự công tâm, minh bạch trong công tác nhân sự.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi này! 

Trở lại bức thư của thầy góp ý cho chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên của Bộ GD&ĐT, được đăng tải trên một số tờ báo mà thầy Hiếu cho rằng đã diễn giải sai là “nên giảm biên chế trước với lãnh đạo Bộ GD&ĐT”. Thầy Hiếu cho rằng:

“Bài viết” của tôi thực tế đó là một bức thư đóng góp ý kiến gửi đến các cơ quan báo chí để thêm tiếng nói của người trong cuộc cho sự phát triển của Ngành. Tôi thấy, việc rút tít như vậy dễ làm cho người đọc hiểu sai nội dung, bản chất và mục đích bài viết của tác giả. Bản chất các ý kiến trong “tâm thư” đó là phân tích, kiến giải vấn đề liên quan tới việc bỏ biên chế trên tinh thần xây dựng, đầy tâm huyết và trách nhiệm của người trong cuộc, trong Ngành với Bộ GD&ĐT. Việc chọn lựa tít như vậy đã diễn giải sai lệch nội dung bên trong.

Tôi cho rằng, chủ trương của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đối với việc thí điểm này đòi hỏi một quá trình dài với nhiều công đoạn. Không phải ai cũng hiểu tính chiến lược của vấn đề cũng như những hiệu quả chính trị, kinh tế, xã hội mang lại. Vì vậy, tôi mong lãnh đạo Bộ và các cơ quan truyền thông của Ngành nên có sự giải thích rõ ràng hơn, rộng rãi hơn nữa với dư luận nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. Điều đó không chỉ góp phần giải tỏa các băn khoăn lo lắng, mà còn giúp dư luận hiểu rõ bản chất vấn đề, từ đó tạo sự đồng thuận chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.