Động lực để nhà giáo cống hiến và sáng tạo

GD&TĐ - Để bắt kịp với tiến trình đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Dự thảo Chương trình GD phổ thông tổng thể mới đây của Bộ GD&ĐT đã có những thay đổi tích cực. 

Động lực để nhà giáo cống hiến và sáng tạo

Tuy nhiên, vấn đề then chốt được đặt ra là đội ngũ nhà giáo phải thay đổi như thế nào để đáp ứng với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học. Bộ GD&ĐT hiện đang rà soát, hoàn thiện mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập; từng bước cơ cấu hóa lại đội ngũ, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của nhà giáo; trong đó có chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên đang thu hút quan tâm của dư luận.

Thực trạng về đội ngũ

Hiện cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Với số lượng giảng viên ĐH tới gần 70.000, giảng viên dạy nghề 75.600, cùng giáo viên phổ thông hiện hữu lên tới 1,4 triệu người.

Theo đánh giá khảo sát, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) cơ bản đủ về số lượng, tỷ lệ đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo so với quy định hiện hành cao… Tuy nhiên, ngành GD-ĐT vẫn tồn tại những bất cập như: Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn khó thu hút nhà giáo; định mức giáo viên và chuẩn đào tạo đối với nhà giáo đã bộc lộ những bất cập.

Do đó, thực tế vẫn có tình trạng thiếu giáo viên và giáo viên không đáp ứng yêu cầu về chất lượng; Hệ thống chính sách pháp luật đối với nhà giáo còn chồng chéo, dẫn đến những lúng túng khi áp dụng tại các địa phương.…

Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, một số bộ phận giáo viên và cán bộ QLGD còn bộc lộ những hạn chế về năng lực và động lực đổi mới. Tương quan giữa thu nhập và lao động của nhà giáo còn mất cân xứng, dẫn đến một số nhà giáo không yên tâm với nghề, việc thu hút người giỏi làm nghề nhà giáo gặp nhiều khó khăn…

Vấn đề cần nghiên cứu để đưa Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật của nhiệm kỳ Quốc hội này, nhằm luật hóa và thống nhất các quy định liên quan đến đặc thù nghề nghiệp, tạo cơ sở pháp lý để phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo… là vấn đề cấp thiết, thúc đẩy quá trình đổi mới GD.

Đó cũng chính là xuất phát điểm để Bộ GD&ĐT đề xuất chủ trương tự chủ nhân sự cho các cơ sở GD, trong đó có việc thí điểm thực hiện hợp đồng lao động thay vì biên chế của nhà giáo.

Sự cạnh tranh công bằng về năng lực

Tại tọa đàm về chính sách đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ QLGD, do Học viện QLGD (Bộ GD&ĐT) tổ chức mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học QLGD, thuộc Học viện QLGD - đã đưa ra những phân tích cụ thể về thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay: “Phần tuyển dụng do Bộ Nội vụ thực hiện, nên có trường thừa giáo viên rồi mà vẫn được giao thêm.

Về tổng số giáo viên, có thể trường đủ, nhưng về cơ cấu lại có vấn đề, có huyện, tỉnh thừa hàng trăm giáo viên môn Sử, môn Văn, trong khi các môn khác lại thiếu. Giữa tuyển dụng, sử dụng chưa gắn với nhau, mà cắt khúc qua hai Bộ.

Phải làm thế nào để tuyển dụng, sử dụng về “một nhà”. Bởi sử dụng gắn với đánh giá giáo viên, nếu đào tạo, bồi dưỡng mà đánh giá vẫn không đạt chuẩn nghề nghiệp, thì có quyền sa thải, nhưng thực tế các nhà trường không thể sa thải giáo viên, kể cả người không bảo đảm về mặt kỷ luật và chất lượng nghề nghiệp”.

Trao đổi về vấn đề này, nhà giáo Phạm Thị Giang, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan B (Nho Quan - Ninh Bình) chia sẻ: Việc thực hiện hợp đồng lao động thay cho hình thức biên chế sẽ tạo ra sự cạnh tranh một cách công bằng trong đội ngũ nhà giáo. Đây chính là tiền đề để đẩy mạnh xã hội hóa GD.

Không phân biệt trường công trường tư mà chỉ lấy chất lượng và chuẩn mực giáo viên làm chuẩn. Điều này sẽ tạo động lực để bản thân mỗi giáo viên phải tự nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, thay đổi phương pháp dạy học nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình mới và nhu cầu thực tiễn của xã hội. Như vậy sẽ không có sự cào bằng trong vấn đề đánh giá.

“Theo cơ chế hiện hành, một nhân sự khi vào được biên chế, việc xét hoàn thành nhiệm vụ hay không để có sự luân chuyển hay sa thải là việc rất khó làm. Chỉ trường hợp vi phạm kỷ luật lao động đến mức buộc thôi việc mới có thể đào thải, nhưng vi phạm đến mức kỷ luật này là rất hiếm. Mặt khác, hiện nay vấn đề đánh giá, khen thưởng giữa các giáo viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những giáo viên khác chưa thực sự rõ rệt, chưa tạo ra động lực để các nhà giáo phấn đấu. Do đó theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng sự linh hoạt trong sử dụng nhân sự ở cơ sở như đề xuất thí điểm bỏ biên chế giáo viên mà Bộ GD&ĐT đề xuất chính là cơ hội để cơ cấu lại đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu của GD&ĐT trong tình hình mới” - nhà giáo Phạm Thị Giang nêu quan điểm.

“Trên thực tế nhiều giáo viên thiếu động lực để phát triển năng lực nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo. Có giáo viên của một trường, theo quy định dạy 19 tiết/tuần, nhưng chỉ dạy 8 tiết vì hết giờ dạy, ngoài ra ít có hoạt động nghiên cứu, nâng cao năng lực nghề nghiệp, nhưng vẫn hưởng 100% lương, dù làm việc dưới 40% yêu cầu. Vì vậy cần rà soát để đánh giá, có chính sách giải quyết những giáo viên không đủ năng lực, giáo viên dư thừa”. PGS Đặng Thị Thanh Huyền cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch 2 của Ukraine

Kế hoạch 2 của Ukraine

GD&TĐ - Thế cuộc đã thay đổi, Kiev giờ đây đã bớt hi vọng về chiến thắng trước Nga và đã vạch ra một kế hoạch mới gồm 10 điểm, mang tính ổn định, lâu dài.