GS.TS Phạm Quang Minh: Nhà khoa học của thời kỳ hội nhập

GD&TĐ - Phát huy truyền thống văn hóa lịch sử của quê hương, GS.TS Phạm Quang Minh đồng thời cũng là người rất năng động, chủ trương đổi mới, hội nhập với khu vực và thế giới. Chính vì thế, mỗi bài giảng và đề tài nghiên cứu khoa học của ông đều kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của Việt Nam với những kiến thức quốc tế, hiện đại và mới mẻ.

GS.TS Phạm Quang Minh
GS.TS Phạm Quang Minh

Vượt khó chinh phục mọi ước mơ

GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), sinh ra và lớn lên tại Thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, một vùng quê ở đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi nuôi dưỡng nhiều danh nhân hào kiệt nổi tiếng.

Sinh năm 1962, lớn lên khi đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh chia cắt, việc học hành của ông vì thế gặp muôn vàn khó khăn. Vì ham học và cũng một phần vì không có người trông, nên ngay từ khi 5 tuổi, cậu bé Phạm Quang Minh đã “lẽo đẽo” theo anh trai của mình đến lớp và trở thành thành viên không chính thức của lớp từ lúc nào không hay.

Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cậu học trò Phạm Quang Minh luôn chăm chỉ, vượt khó, luôn đạt kết quả cao trong học tập. Năm 1978, khi mới 16 tuổi, Phạm Quang Minh đã trở thành sinh viên trẻ nhất của K23 Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 1 năm học đại học, nhờ có những thành tích học tập và rèn luyện xuất sắc, ông được nhà trường cử đi đào tạo ở Liên Xô học ngành lịch sử thế giới.

Năm 1986, ông tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu và được phân công về làm giảng viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - nơi đã cử ông đi học trước đây.

Những tháng ngày mới bước chân vào nghề dạy học, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp, chàng giảng viên trẻ Phạm Quang Minh đã thể hiện tinh thần không nản chí, gắn bó với công việc, ham học hỏi và tiếp tục phấn đấu.

Ông vẫn nhớ như in những buổi chiều những năm 1988 - 1989, khi mọi người nghỉ ngơi hoặc đi chơi sau một ngày làm việc, thì ông lại phải “vừa làm vừa học”. Khi đến xin dạy thêm tiếng Nga ở Trung tâm Ngoại ngữ Trưng Vương để mưu sinh, ông “phát hiện” ra rằng mình có thể học tiếng Anh ở đó mà không mất tiền vì Trung tâm ưu tiên cho nhân viên. Thế là từ 17h00 đến 19h00 làm giáo viên dạy tiếng Nga còn từ 19h00 đến 21h00 ông lại là học viên tiếng Anh.

Và sau một năm miệt mài, vượt khó khăn, ông đã thi được chứng chỉ trình độ C tiếng Anh của ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Ông thường nói đùa, đây là chứng chỉ “đắt giá nhất” của mình.

Trưởng thành tại CHLB Đức

Tháng 9/1991, với kinh nghiệm công tác đã tích lũy được và vốn ngoại ngữ tiếng Anh nổi trội, ông nhận được học bổng sang CHLB Đức học thạc sỹ chuyên ngành chính là Lịch sử Đông Nam Á và hai ngành phụ là Khoa học Chính trị và Lịch sử châu Âu, đồng thời, sau một năm học tập tích cực, ông đã thi chứng chỉ năng lực tiếng Đức (PNDS) cho phép theo học tại các trường đại học của Đức.

Năm 1996, ông về nước với tấm bằng thạc sĩ loại ưu và bắt tay vào đóng góp xây dựng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXHNV) lúc đó mới được thành lập. Trên cương vị Trưởng phòng Đối ngoại, cùng với các đồng nghiệp và kinh nghiệm tích lũy trong thời gian học tập nghiên cứu ở nước ngoài, ông đã xây dựng và phát triển các mối quan hệ hợp tác quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác sau này cho Nhà trường.

Sau 3 năm công tác, năm 1999 ông đã vinh dự nhận được suất học bổng toàn phần của Cơ quan Trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) cho chương trình đào tạo Tiến sỹ tại CHLB Đức.

Với kiến thức và kinh nghiệm sẵn có, lại được sự hướng dẫn tận tình của các giáo sư, chỉ sau 3 năm ông đã nhận được tấm bằng Tiến sỹ loại giỏi từ một trường đại học uy tín hàng đầu trên thế giới -Trường Đại học Tổng hợp Humboldt.

Luận án tiến sỹ của ông về đề tài “Giữa lý thuyết và thực tế:Chính sách nông nghiệp ở Việt Nam từ năm 1945 đến nay” được đánh giá cao vì ý nghĩa lý luận và thực tiễn.

Luận án đã khai thác được một khối lượng lớn nguồn tài liệu gốc trong các trung tâm lưu trữ ở cả trung ương và địa phương, đem lại những hiểu biết chân thực và sinh động về lịch sử và chính trị Việt Nam.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ từ CHLB Đức trở về (năm 2002), ông được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXHNV và được trao nhiệm vụ xây dựng ngành học mới là Quốc tế học, giảng dạy, nghiên cứu quan hệ quốc tế của khu vực và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Với nền tảng kiến thức được đào tạo cơ bản từ Nga và Đức, ông đã nhanh chóng làm chủ lĩnh vực mới, chủ trì nhiều đề tài khoa học, biên soạn nhiều giáo trình bài giảng, hướng dẫn nhiều khóa luận, luận văn, luận án và trình bày hàng trăm báo cáo khoa học tại các hội thảo trong nước và quốc tế từ Mỹ, Đức, Pháp, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Ông là gương mặt thường xuyên xuất hiện trên các diễn đàn khoa học quốc tế. Cho đến nay, ông đã công bố 7 cuốn sách và hơn 80 bài viết trên các tạp chí khoa học, trong đó có hơn 20 bài viết được xuất bản ở nước ngoài, trên một số tạp chí khoa học uy tín của Đại học Oxford, Đại học Berkeley, Đại học Stanford và nhiều nhà xuất bản khác. Năm 2007, ông được phong học hàm PGS và được phong học hàm GS năm 2016.

Nhà trường luôn mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với bạn bè quốc tế
Nhà trường luôn mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu với bạn bè quốc tế

“Kiên trì là yếu tố quyết định”

Đó là chia sẻ chân thành của GS.TS Phạm Quang Minh khi ông nói về nguyên nhân thành công trong nghiên cứu khoa học. Với ông, động lực chính để tiến hành nghiên cứu khoa học chính là sự kiên trì, được theo đuổi niềm đam mê và góp sức mình vào sự phát triển chung của đất nước.

PGS.TS Phạm Quang Minh nói:“Với tôi, lựa chọn duy nhất là gắn bó với nghề giảng dạy, gắn bó với ngôi trường, nơi tôi đã đặt những bước chân đầu tiên từ năm 16 tuổi và sau nay đã dìu dắt các thế hệ sinh viên. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một lựa chọn, một quyết định đúng đắn và sáng suốt.”

Có thể nói, quá trình nghiên cứu khoa học của ông có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại với sự nghiệp làm thầy. Với ông, chỉ trên cơ sở nghiên cứu khoa học tốt người thầy mới có những bài giảng hay, hấp dẫn, truyền đạt những tri thức có ích cho sinh viên và ngược lại trong khi giảng dạy, thuyết trình, chính những câu hỏi, thắc mắc, mong muốn của sinh viên là động lực thúc đẩy ông tiếp tục thực hiện những đề tài nghiên cứu mới.

Từ năm 2006, trên cương vị Trưởng Khoa Quốc tế học, Trường ĐH KHXHNV, ông đã làm việc quên mình cùng các đồng nghiệp từng bước xây dựng Khoa lớn mạnh, trở thành một đơn vị đào tạo, nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước. Vì những đóng góp lớn lao, năm 2012, ông được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXHNV và năm 2016 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Với uy tín khoa học được công nhận rộng rãi, GS.TS Phạm Quang Minh được mời làm thành viên Ban cố vấn và Ban biên tập của nhiều tạp chí khoa học uy tín và nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, được Bộ GD&ĐT ghi nhận vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục đào tạo.

"Bí quyết giúp tôi thành công là đức tính khiêm tốn, thường xuyên giao lưu và học hỏi các chuyên gia trong nước, khu vực và thế giới. Từ quá trình phấn đấu cùng những nghiên cứu của mình, tôi muốn nhắc nhở thế hệ trẻ hãy biết trân trọng, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, đồng thời sẵn sàng bắt nhịp xu thế mở cửa, đổi mới, hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần khẳng định vị thế và trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế" - GS.TS Phạm Quang Minh nhắn nhủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.