Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Đó là tên Tọa đàm khoa học quốc tế được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) phối hợp với Quỹ Konrad Adenauer (Đức) tổ chức tại Hà Nội, ngày 6/10.

Sáng kiến vành đai và con đường của Trung Quốc: Cơ hội và thách thức

Tham dự tọa đàm có GS.TS Phạm Quang Minh - Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), ông Peter Grike, đại diện thường trực Quỹ Konrad Adenauer tại Việt Nam cùng nhiều học giả tên tuổi của Việt Nam, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Singapore.

Phát biểu khai mạc, GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh: Đây là chủ đề không dễ nói nhưng môi trường hội thảo luôn cởi mở để chúng ta cùng hiểu hơn về bối cảnh thế giới để đưa ra những nhận định đúng đắn, hiểu thêm các đối tác và góp phần thúc đẩy các chính sách ngoại giao của Việt Nam.

Tọa đàm được chia làm 2 phiên, tập trung thảo luận về bối cảnh, cơ sở và cách tiếp cận đối với sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc khởi xướng, cũng như đánh giá những cơ hội và thách thức mà sáng kiến này sẽ mang lại.

Ông Peter Girke - Trưởng đại diện Quỹ Konrad Adenauer tại Việt Nam cho biết: “Trong khuôn khổ hội thảo, các học giả trong nước và quốc tế sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc như hàm ý sâu sa nằm sau sáng kiến này, phạm vi, lợi ích cũng như rủi ro tiềm tàng đối với an ninh khu vực.”

Phân tích về những ưu điểm và hạn chế của sáng kiến vành đai và con đường do Trung Quốc đề xướng, Giáo sư Carlyle Thayer (NUSW Canberra, Australia) cho rằng, sáng kiến này sẽ góp phần nâng cao vị thế và ảnh hưởng của Australia tại khu vực, đồng thời tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người lao động.

Tuy nhiên nó tiềm tàng nhiều khả năng sẽ phục vụ chủ yếu cho Trung Quốc cùng các doanh nghiệp nước này và có khả năng xảy ra mất cân bằng cán cân thương mại 2 chiều giữa Trung Quốc và các quốc gia tham gia sáng kiến này.

Kết thúc tham luận với nội dung chủ đạo phân tích cơ hội kinh tế và quan ngại chiến lược, Giáo sư Carlyle Thayer trích lại nhận định của nhà báo Australia Paul Kelly rằng thật vô lý nếu nói rằng Australia không thể có liên quan đến sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc và cũng vô lý không kém nếu nói rằng chúng tôi sẽ ký một cách mù quáng vào bất cứ bản ghi nhớ nào.

Còn GS.TS Phạm Quang Minh nhận định, an ninh kinh tế của Trung Quốc không phải là yếu tố duy nhất dẫn đến sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc mà còn có các yếu tố khác. Sáng kiến này của Trung Quốc vẫn có những mục tiêu phù hợp với những mục tiêu mà các nước trong ASEAN theo đuổi.

“Trung Quốc sẽ tiếp tục đạt được tiến bộ ở Đông Nam Á, nhưng các đối tác của Bắc Kinh trong khu vực sẽ có tiếng nói về tiến bộ và phương hướng của một số dự án trong sáng kiến này cũng như hành động của họ”, GS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Tập trung thảo luận về sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc từ quan điểm quốc tế hiện nay, các học giả tập trung phân tích thái độ và phản ứng của các quốc gia đối với “sáng kiến” này của Trung Quốc, những thách thức pháp lý đối với sáng kiến này.

Các học giả đều nhận định, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã tạo nên thế lưỡng nan cho tất cả.

Văn phòng Đại diện Viện Konrad Adenauer (KAS) tại Hà Nội đảm nhận các hoạt động tại Việt Nam. Mục tiêu hoạt động chính của KAS là hỗ trợ dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền và mở rộng nền kinh tế thị trường xã hội. Các dự án của KAS nhằm góp phần tăng cường hơn nữa sự ổn định lâu dài về chính trị cũng như phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.