Vẫn biết là thầy đã nằm viện không ít ngày, vẫn biết “sinh lão bệnh tử” là quy luật của đời người, nhưng GS.NGƯT Phùng Văn Tửu ra đi để lại sự ngỡ ngàng, bao niềm tiếc thương ngậm ngùi cho gia đình, cho đồng nghiệp và bao thế hệ học trò.
GS Phùng Văn Tửu sinh năm 1935 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhà giáo. Cụ thân sinh là nhà giáo Phùng Văn Trinh - một người thầy tôn kính. Quý danh của cụ đã được đặt tên cho một trường tiểu học ở huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Các anh chị em của thầy đều trưởng thành, trở thành những nhà giáo, kĩ sư, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng.
GS Phùng Văn Tửu tốt nghiệp đại học năm 1959, từng là cán bộ giảng dạy tại Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội từ năm 1959 - 1961, tại Đại học Sư phạm Vinh từ năm 1961 - 1968, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ năm 1969 cho đến khi nghỉ hưu năm 2002.
GS Phùng Văn Tửu được phong hàm Giáo sư từ năm 1991, được Nhà nước công nhận là Nhà giáo Ưu tú, được trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Ba, Huy chương Hữu nghị Campuchia, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục. Ông là tác giả của 11 cuốn sách chuyên khảo, 14 sách dịch và hơn 50 bài báo khoa học chuyên ngành Văn học phương Tây.
GS Phùng Văn Tửu đã để lại trong lòng nhiều thế hệ học trò hình ảnh một người thầy mẫu mực. Sự mẫu mực của ông được thể hiện nhất quán từ tư tưởng đạo đức đến hành vi, lối sống, từ trong giảng đường đến ngoài xã hội. Ông sống mực thước, vui vẻ, lịch lãm, không đua chen; rất khiêm nhường nhưng cũng chu đáo đến tỉ mỉ tinh tế; rất khắt khe về các tiêu chí khoa học nhưng cũng rất bao dung, độ lượng, với học trò; chan hòa với mọi người, sống chân chất mà không hư vinh…
Ở trên giảng đường, sự mẫu mực của GS được thể hiện ở từng lời nói, cử chỉ. Cách viết bảng của thầy rõ ràng sáng sủa mà khoa học. Lối dẫn dắt, gợi mở bài giảng vừa giản dị, dễ hiểu xen cả phần hóm hỉnh hài hước của thầy đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt trong từng tiết học. Cách ra đề của thầy vừa uyên bác vừa kích thích tinh thần phản biện của học trò...
Đức khiêm tốn cũng là một mẫu mực của GS Phùng Văn Tửu. Thầy làm việc thầm lặng hết mình, đóng góp nhiều cho nghề sư phạm và cả nghiên cứu khoa học, song thầy luôn vui vẻ chân tình, không hề đua tranh chạy theo hư vinh.
Đối với học trò, GS Phùng Văn Tửu là con người nhân ái, bao dung, cẩn thận và chu đáo đến tỉ mỉ. Thầy chỉ dẫn cho học trò từ việc soạn giáo án đến việc chuẩn bị trang phục lên lớp ngay tiết đầu tiên, như tình cảm của người cha đối với con.
Nền tảng và sự thành công của việc giảng dạy trên lớp là kết quả của những nghiên cứu dày dặn, khúc chiết về lĩnh vực văn học phương Tây và nhiều lĩnh vực văn hóa khác. GS Phùng Văn Tửu là một học giả uyên bác, chuyên gia đầu ngành về Văn học Pháp (về Rouseau, Hugo, Aragon...), văn học phương Tây ở Việt Nam. Cụm công trình Tiểu thuyết Pháp nửa sau thế kỉ XX của GS Phùng Văn Tửu được Giải thưởng Nhà nước về KHCN năm 2005, sau khi thầy nghỉ hưu 3 năm, và cuốn chuyên khảo Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây (NXB KHXH, HN, 2017) của thầy được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2017, sau khi thầy nghỉ hưu 15 năm.
Hội tụ trong con người GS Phùng Văn Tửu có một nhà giáo mẫu mực, một học giả uyên bác, lại có cả một con người đời thường nhân ái, chu đáo, lịch lãm và tinh tế. Trong tình cảm với người bạn đời – cô Bùi Thị Bích Ngọc, thầy vừa có cái ân tình phương Đông, lại vừa có màu sắc lãng mạn phương Tây.
GS Phùng Văn Tửu đã rời cõi tạm đi về thế giới người hiền, để lại nỗi tiếc thương cho gia đình và biết bao thế hệ học trò; nhưng đạo đức của thầy, tấm gương về nhà giáo mẫu mực, về một học giả uyên bác, góp phần vào công cuộc đổi mới nghiên cứu, giảng dạy và sáng tạo văn học, vẫn còn sống mãi trong lòng nhiều thế hệ sinh viên, giảng viên Khoa Ngữ văn và mái Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Mong thầy hãy yên nghỉ, sẽ có những học trò giỏi noi theo tấm gương sáng của thầy, san lấp nơi trống vắng khoa học mà thầy để lại hôm nay, kế tục sự nghiệp cao cả của thầy!
Hà Nội ngày 12/3/2022