Nhà giáo ưu tú Hoàng Thị Hà: "Phải là người bạn với học trò để truyền cảm hứng Văn học"

GD&TĐ - “Mình không chỉ là người dạy, mà còn phải là người bạn của học trò. Chỉ khi mình chân thành, các em mới thực sự tin tưởng. Đó là nguồn cảm hứng giúp các em tiếp thu bài tốt hơn!”,  NGƯT Hoàng Thị Hà bộc bạch.

Cô Hà (thứ 3 bên trái) cùng với học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. (Ảnh: NVCC)
Cô Hà (thứ 3 bên trái) cùng với học sinh tham gia nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia. (Ảnh: NVCC)

Làm bạn với trò...

Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Hoàng Thị Hà (Sn 1977) sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống giáo dục. Bố, mẹ và các chị của cô đều gắn bó với nghề giáo nơi vùng cao Tây Bắc suốt bao năm. Điều đó đã “gieo” lên ước mơ theo đuổi nghề giáo trong cô ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, cô Hà về nhận công tác tại trường THPT Chuyên ban, thị xã Điện Biên Phủ (nay là trường THPT TP Điện Biên Phủ). Ngay từ những ngày đầu đứng trên bục giảng, cô đã nắn nót trong từng trang giáo án, luôn tìm tòi phương pháp để truyền cảm hứng văn học cho học sinh.

Sau 16 năm gắn bó, năm 2014 cô được chuyển đến công tác tại trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. Dù đã có nhiều năm đứng trên bục giảng, song ở môi trường mới, đối tượng học sinh cũng khác, nên cô cũng không tránh khỏi giai đoạn khó khăn, bỡ ngỡ.

“95% học sinh là con em dân tộc thiểu số. Dù các em rất hiếu học, ngoan ngoãn, song lại ngại giao tiếp, rụt rè, thậm chí là có sự tự ti khi bộc lộ ý kiến của bản thân. Tôi đã phải tự tìm hiểu, gần gũi để lắng nghe các em tâm sự cả về việc học lẫn cuộc sống. Tôi nhận ra rằng, thầy cô không chỉ là người dạy học, mà còn phải như người thân, bạn bè của học sinh. Chỉ khi thầy cô dành tình cảm chân thành, các em mới thực sự tin tưởng và chia sẻ”, cô Hà bộc bạch.

Cô giáo Hoàng Thị Hà và các đại biểu trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn quốc năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Hoàng Thị Hà và các đại biểu trong Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu toàn quốc năm 2018. (Ảnh: NVCC)

Ngoài vai trò là cô giáo, cô Hà luôn coi mình như người bạn với đám trò nhỏ. Từ những câu chuyện trong học tập, hay như vướng mắc trong cuộc sống, cô đều tâm sự và gợi ý hướng tháo gỡ mỗi khi có trò gặp bế tắc. Với cô, đó là “chìa khóa” giúp cô trò thêm gần nhau hơn.

“Chúng em là những học sinh ở nội trú, sống xa nhà. Ngoài giờ học, cô còn như người mẹ, mỗi ngày cô thường hỏi han, động viên chúng em như những đứa con của mình vậy. Vì thế, bạn nào cũng sợ cô buồn nên đều cố gắng học tập cho tốt”, em Trịnh Thị Trang, học sinh lớp 12c5 chia sẻ.

 “Tôi nhận thấy cô Hà luôn nỗ lực, tâm huyết với công việc. Ngoài giờ lên lớp, cô luôn nhiệt tình, thương yêu giúp đỡ học sinh. Từ việc tìm hiểu về hoàn cảnh của mỗi em, cô đưa ra các biện pháp giáo dục phù hợp với từng đối tượng. Cũng từ đó đã giúp cho các em có ý thức hơn trong học tập, chất lượng được nâng cao. Học sinh của cô cũng tự tu dưỡng và rèn kĩ năng sống tốt hơn”, cô Nguyễn Thị Huệ - Phó hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.

Những giờ học cuốn hút

22 năm đứng trên bục giảng, mỗi trang giáo án của cô không chỉ đơn thuần là việc truyền tải kiến thức, ở đó còn là sự gửi gắm niềm đam mê văn học cho mỗi thế hệ học trò của mình.

“Muốn các em yêu thích môn văn học thì điều quan trọng với tôi là phải truyền được cảm hứng. Khi tôi có đam mê với môn này thì tôi phải khơi gợi được niềm yêu thích cho trò thông qua các nhân vật. Làm sao để các em lắng nghe được tiếng nói tri âm của tác giả qua những câu thơ, những câu chuyện mà tác giả muốn gửi gắm. Bởi thế, với tôi, mỗi giờ dạy là một bài học mang lại cho cô trò niềm vui, hứng thú chứ không phải là tiết học rập khuôn, máy móc như văn mẫu”, cô Hà chia sẻ.

Cô Hoàng Thị Hà (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Điện Biên, lãnh đạo nhà trường và đội tuyển dự thi
Cô Hoàng Thị Hà (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Sở GD&ĐT Điện Biên, lãnh đạo nhà trường và đội tuyển dự thi

Em Trịnh Thị Trang chia sẻ: “Văn là môn học có lượng kiến thức khá nhiều và đòi hỏi phải tập trung. Em thấy một số bạn cảm thấy đó là môn học nhàm chán. Nhưng giống như có một “phép thuật” nào đó khiến chúng em rất hứng thú và mong đợi đến giờ học của cô Hà. Trong giờ học, cô luôn tạo ra không khí sôi nổi. Cũng vì thế mà không ít bạn vốn rụt rè, thì nay lại rất hăng hái xây dựng bài”.

Từ năm 2011 đến nay, 47 lượt học sinh của cô Hà đã đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh. Ngoài việc tổ chức ôn luyện học sinh giỏi môn Ngữ văn, cô Hà còn tham gia hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học. Tại cuộc thi nghiên cứu khoa học và kĩ thuật cho học sinh trung học cấp Quốc gia năm 2018 – 2019, học sinh của cô đã xuất sắc giành được giải Ba.

Ngoài giờ dạy trên lớp, cô Hà còn tìm tòi, nghiên cứu, đề xuất được 8 sáng kiến kinh nghiệm (1 sáng kiến được UBND tỉnh công nhận phạm vi ảnh hưởng) trong công tác dạy học. Có thể kể đến một số sáng kiến như: “Một số kinh nghiệm tổ chức dạy học theo chủ đề tích hợp môn Ngữ Văn ở trường PT DTNT tỉnh Điện Biên”; “Nâng cao hiệu quả dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh qua việc tìm hiểu một số tác phẩm truyện hiện đại lớp 12”;

“Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lòng yêu nước cho học sinh trường PT DTNT tỉnh Điện Biên qua việc tìm hiểu cuộc đời, chiến công của các Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Những sáng kiến trên đã được Hội đồng Khoa học nhà trường, Hội đồng Khoa học Sở GD&ĐT đánh giá cao.

“Với tôi, làm cô giáo là ước mơ duy nhất. Tôi nguyện theo đuổi cái nghề này suốt đời. Tôi luôn mong rằng: Bài giảng và tình yêu học trò của mình sẽ mãi mãi được lưu giữ trong hành trang của các thế hệ học trò. Đó sẽ là những kỷ niệm đẹp mỗi khi các em nghĩ về thầy cô và mái trường”, cô Hà xúc động nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...