Giáo sư Fukushima |
Fukushima đã trở thành lãnh đạo một khoa của Đại học Tokyo chuyên nghiên cứu hỗ trợ người khuyết tật khắc phục những khó khăn trở ngại của bản thân để có thể vươn lên hoà nhập với xã hội và thành đạt như những người không khuyết tật khác. Năm 2003, Giáo sư Fukushima đã được tạp chí Time bầu là Anh hùng Châu Á.
Tấm gương thành công của Giáo sư Fukushima đã làm bùng nổ nhiều cuộc thảo luận về quyền và vai trò của người khuyết tật trong xã hội Nhật Bản, đồng thời góp phần phá vỡ nhiều thành kiến đã tồn tại từ trước đến nay đối với họ. Về phần mình Fukushima rất khiêm tốn cho rằng tất cả mọi thành công mà anh đã có được đều là nhờ có sự giúp đỡ tận tình của những bạn bè và người thân của anh. Trong đó, phải kể đến mẹ anh, người đã luôn ở bên anh để động viên giúp đỡ anh vượt qua sự bi quan tuyệt vọng khi Fukushima bị thêm khuyết tật thứ hai, khiến anh mất đi khả năng giao tiếp bằng âm thanh với thế giới xung quanh. Chính mẹ anh là người đã sáng chế ra một cách thức giao tiếp mà sau này được gọi là ngôn ngữ Braille ngón tay (FingerBraille). Đó là cách giao tiếp bằng cách tiếp xúc các đầu ngón tay giữa hai người đối thoại để biểu diễn loại chữ nổi Braille. Ở trường đại học, một nhóm sinh viên bạn anh đã đứng ra học ngôn ngữ Braille ngón tay để làm những phiên dịch viên hăng ngày ở bên Fukushima, giúp anh tiếp thu được bài giảng trên lớp thông qua loại ngôn ngữ nói trên.
Từ lâu, Giáo sư Fukushima cho biết, có một mục đích lớn mà anh theo đuổi và quyết tâm phải hoàn thành cho bằng được, đó là thành lập ở Nhật Bản một trung tâm tương tự như Trung tâm Quốc gia Helen Keller dành cho người đồng khiếm thính và khiếm thị ở Mỹ. Đó là một trung tâm hàng đầu thế giới về giáo dục, nghiên cứu, đào tạo hướng nghiệp và phục hồi chức năng cho người khiếm thính và khiếm thị.
Sau rất nhiều nỗ lực của anh, bao gồm cả việc thuyết phục chính quyền Tokyo, tháng 5/2009, một trung tâm đầu tiên như vậy ở Nhật Bản đã được đưa vào hoạt động ở thủ đô Tokyo. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ thông dịch và những hỗ trợ khác cho người đồng khiếm thính và khiếm thị ở Tokyo, trung tâm này sẽ được dùng làm mô hình mẫu để phát triển những trung tâm tương tự khác ở Nhật Bản. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ở nước này hiện có 22.000 bị cả hai khuyết tật khiếm thính và khiếm thị, trong đó có hơn 10% sống ở Tokyo.
Fukushima coi việc thành lập trung tâm này là bổn phận của anh với tư cách là một người khuyết tật đã có được những sự may mắn đặc biệt. Anh nói “Tôi không có quyền lẩn tránh nghĩa vụ này. Lúc này không ai khác có thể thay thế được vị trí của tôi. Bởi thế tôi sẽ tiếp tục thực hiện vai trò của mình”.
Xin chúc mừng Giáo sư Fukushima đã thực hiện được kế hoạch đầy tâm huyết và tinh thần trách nhiệm của anh. Tin rằng, trung tâm này sẽ giúp cho nhiều người khuyết tật ở Nhật Bản có điều kiện để vươn tới sự thành công và khảng định vai trò của mình trong xã hội như tấm gương của anh.
Vũ Anh Tuấn