Đây cũng là mối quan tâm lớn của các chuyên gia, các nhà GD khi thảo luận, đóng góp ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý để chỉnh lý nội dung Chính sách Nhà giáo trong dự thảo Luật GD (sửa đổi), do Cục Nhà giáo và CBQLGD (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường ĐH Vinh tổ chức sáng 8/1 tại Vinh (Nghệ An).
Chính xác đến từng câu chữ
Các vấn đề được thảo luận, trao đổi tập trung ở các nội dung: Vị trí vai trò, tiêu chuẩn của nhà giáo; vị trí, vai trò của CBQLGD; Chính sách đối với nhà giáo.
Về chính sách đối với nhà giáo, các đại biểu tập trung vào những nội dung: Tuyển dụng, phân công công tác cho sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp và sử dụng nhà giáo; Chính sách lương và phụ cấp đối với nhà giáo; Đào tạo bồi dưỡng nhà giáo; Chính sách tôn vinh, khen thưởng.
Cơ bản nhất trí và đồng tình với Luật GD (sửa đổi), tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, tại một số nội dung, điều trong dự Luật cần được chỉnh câu từ, văn phong để đảm bảo tính chính xác, quy phạm của Luật.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó Trưởng khoa Lý luận chính trị, Trường ĐH Hà Tĩnh) cho rằng: Tại mục 2, Điều 65 quy định về vị trí, vai trò của nhà giáo nêu: “Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng GD”. Câu này nên tách làm 2 câu riêng biệt. Vì vế thứ nhất “nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh” - nhà giáo đặt trong mối quan hệ với xã hội, còn vế sau “đóng vai trò quyết định đảm bảo chất lượng GD” lại đặt trong mối quan hệ là trong ngành GD, như thế là không hợp lý.
Hay trong Điều 17 Dự thảo Luật GD sửa đổi có nếu “CBQL GD phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực quản lý và trách nhiệm cá nhân”. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, từ “phải” trong câu chưa hợp lý. Đây là từ thường được dùng trong các văn bản kết luận, chỉ đạo, hướng dẫn… Nhưng đã là nội dung đưa vào Luật, là mang tính chất bắt buộc, răn đe, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, mà từ “phải” không thể hiện được những điều đó. Việc chỉnh lý điều này cần nêu được khái niệm, vị trí vai trò, và quy định chức năng, nhiệm vụ nhà giáo.
Các chuyên gia, giảng viên cũng mong muốn các ý kiến sẽ được Bộ GD&ĐT tiếp thu, chỉnh lý, để Luật GD (sửa đổi) sau này ban hành sẽ là hành lang pháp lý chuẩn xác, có tác động lớn đến ngành GD, đảm bảo quyền lợi nhà giáo.
|
Quan tâm đến tiêu chuẩn và chế độ cho nhà giáo
Tiêu chuẩn, năng lực của giáo viên là điều được đặc biệt quan tâm trong dự thảo Luật GD (sửa đổi). Điều này cũng là nhu cầu của các đơn vị, cơ sở GD các cấp học để nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Ông Đậu Bá Thìn - Phó Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Hồng Đức (Thanh Hóa) cho rằng, tại Điều 66: Tiêu chuẩn nhà giáo, cần bổ sung thêm tiêu chuẩn giáo viên có năng lực thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu đào tạo. Vì các mục 1, 2, 3, 4 mới chỉ có tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, tư tưởng; trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sức khỏe, lý lịch. Trong khi đó, GD-ĐT không ngừng đổi mới, phát triển theo nhu cầu xã hội, giáo viên cần có năng lực để thực hiện các nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu đó.
Những nội dung về Chính sách Nhà giáo, sẽ có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng tới đội ngũ nhà giáo, CBQL GD toàn ngành. Vì thế các giảng viên chuyên gia có nhiều ý kiến góp ý, chỉnh lý rất cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tiễn.
Một trong những vấn đề lâu nay được cán bộ, nhà giáo trong ngành và cả xã hội quan tâm là chính sách lương cho nhà giáo. Trước đó, nội dung “xếp lương giáo viên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” đã được đưa vào những dự thảo đầu tiên của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD.
Sau đó, được điều chỉnh và đưa vào quy định tại Điều 76 dự thảo Luật GD sửa đổi về Tiền lương: Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ. Cũng theo ông Đậu Bá Thìn, cần cụ thể hóa Điều 76, “ưu tiên” là gì? Cụ thể mức độ ưu tiên đối với nhà giáo ở từng cấp, bậc học.
Bà Tăng Thị Thanh Sang - Phó Trưởng khoa Luật (Trường ĐH Vinh) bày tỏ sự quan tâm đến chế độ cho giáo viên chuyên biệt. Theo đó, tại Điều 77 quy định Chính sách đối với nhà giáo công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
“Tức là chỉ giáo viên dạy trường chuyên biệt mới có chính sách hỗ trợ. Nhưng trên thực tế, các trường chuyên biệt không nhiều. Như tại Nghệ An, ngoại trừ thành phố Vinh có trường dành cho trẻ khuyết tật (thì đã có chế độ rồi) còn lại các huyện khác hầu như không có. Nhiều học sinh chuyên biệt: Tự kỷ, tăng động, trầm cảm… được gửi đến học hòa nhập tại trường bình thường. Vậy các giáo viên ở đó phải kiêm 2 nhiệm vụ đối với học sinh bình thường và trẻ chuyên biệt, mà không có thêm bất cứ chế độ nào” – bà Thanh Sang nêu ý kiến, đồng thời kiến nghị cần bổ sung thêm đối tượng giáo viên này, để đảm bảo quyền lợi cho họ, vì thực tiễn dạy – học họ vất vả gấp đôi bình thường.
Cũng theo Phó Trưởng khoa Luật - Trường ĐH Vinh: “Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã nhiều lần lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà giáo góp ý cho Luật GD (sửa đổi). Bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng đã có nhiều góp ý và sau đó được Bộ tiếp nhận, đưa vào trong dự thảo Luật. Việc tổ chức hội thảo lấy ý kiến lần này thể hiện sự trách nhiệm, cẩn trọng của Bộ GD&ĐT để Luật GD (sửa đổi) đáp ứng được thực tiễn phát triển của GD-ĐT nước nhà nói riêng và đòi hỏi của xã hội nói chung”.