Thể hiện tư tưởng cốt lõi GD là quốc sách hàng đầu trong Luật

GD&TĐ - Là đại biểu Quốc hội, đồng thời là nhà quản lý GD, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long, hiện là Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long) đánh giá cao dự thảo Luật GD sửa đổi trình ra Quốc hội lần này; đồng thời đưa ra một số đề xuất hoàn thiện dự thảo Luật từ thực tiễn quản lý ngành tại địa phương.

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Cần thiết phải nâng chuẩn giáo viên mầm non

Thống nhất với dự thảo Luật tại Điều 72 quy định trình độ chuẩn của giáo viên mầm non (MN) là có bằng tốt nghiệp CĐ sư phạm, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho rằng, về nhiều góc độ, đây là một quy định phù hợp và cần thiết.

Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long dẫn Điều 21, Điều 22 về vị trí, vai trò và mục tiêu GD MN: “GDMN là cấp học đầu tiên trong hệ thống GD quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam nhằm phát triển toàn diện trẻ em MN về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp Một”.

Từ đó cho rằng, để thực hiện được mục tiêu này, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức tổng hợp về tâm lý, sinh lý, sức khỏe, dinh dưỡng, kiến thức về tạo hình, âm nhạc, phương pháp phát triển nhận thức và ngôn ngữ của trẻ. Chương trình đào tạo hiện nay của bậc trung cấp từ 1 đến 2 năm chưa đáp ứng được các yêu cầu trên, giáo sinh không có điều kiện và thời gian để thực tập nghề nên thiếu kỹ năng xử lý tình huống với trẻ.

“Vì vậy, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên MN là tạo nền tảng cho sự công bằng trong cùng một hệ thống GD, góp phần nâng cao trách nhiệm của giáo viên, sự tôn sư trọng đạo của xã hội đối với nhóm nghề đặc biệt khó khăn này cũng như góp phần nâng cao chất lượng hình thành và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ Việt Nam trong một thế giới hội nhập” – bà Nguyễn Thị Quyên Thanh nêu quan điểm.

Chế độ chính sách giáo viên phải được quan tâm

Điều 65 dự thảo Luật đã bổ sung “Nhà giáo có vị thế quan trọng trong xã hội, được xã hội tôn vinh, đóng vai trò quyết định bảo đảm chất lượng GD; Nhà nước có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và nhiệm vụ của mình”. Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh thống nhất rất cao với nội dung này, vì vị trí vai trò của nhà giáo đã được nhìn nhận, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để thực hiện hoạt động nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu và xu thế của các nước phát triển.

Thể hiện tư tưởng cốt lõi GD là quốc sách hàng đầu trong Luật ảnh 1

“Lịch sử hàng ngàn năm văn hiến của dân tộc ta được giữ gìn và phát huy qua bao thăng trầm của lịch sử, là sự kết tinh của nhiều giá trị trong đó có những đóng góp vẻ vang của biết bao thế hệ người thầy. Công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền GD càng đặt lên vai người thầy những trọng trách to lớn. Để mỗi thầy cô giáo là một tấm gương GD đạo đức, là người kỹ sư tâm hồn đúng nghĩa thì vai trò và trách nhiệm của các nhà giáo cần phải được xác định thông qua Luật”.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, các nước EU đều quy định mức lương tối thiểu cho giáo viên tương ứng với trình độ. Tại Pháp, lương giáo viên được trả theo nhiều yếu tố; phụ cấp của giáo viên được bổ sung theo nhiều điều kiện như thâm niên, trình độ, khu vực làm việc để khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề nghiệp, học tập nâng cao trình độ hay xung phong đến các vùng khó khăn, cách trở về địa lý. Giáo viên ở Nhật Bản ngoài chế độ lương theo ngạch, bậc giáo viên còn được hưởng các loại phụ cấp đặc thù, thu nhập của giáo viên vào loại khá trong xã hội.

Do đó, theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, chính sách đối với nhà giáo quy định tại Điều 76 dự thảo Luật: “Nhà giáo được ưu tiên sắp xếp thang, bậc lương và phụ cấp phù hợp với lao động của nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ”, nên làm rõ tính chất đặc thù lao động nghề nghiệp. Điều quan trọng là sự đảm bảo các điều kiện cần thiết khi lao động, phương tiện vật chất để giáo viên tập trung vào chuyên môn và duy trì tự chủ về học thuật và sự thể hiện lòng say mê nghiên cứu khoa học. Làm được điều này sẽ chứng tỏ được tư tưởng cốt lõi của chủ trương GD là quốc sách hàng đầu, giúp đội ngũ nhà giáo vươn lên phấn đấu với ý chí tự lực tự cường và mang tính chất quyết định đến sự phát triển của đất nước trong quá trình công nghiệp hoá, với phương châm “hiện đại hoá, đầu tư cho GD, đào tạo là đầu tư cho tương lai”.

Quan tâm tính mở, liên thông trong GD

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh thông tin: Tính mở, tính liên thông trong GD là một nội dung đã được Ban soạn thảo tiếp thu, đề cập và nhấn mạnh tại các Điều 5, 6, 7, 8 dự thảo Luật. Tính chất mở và liên thông của hệ thống GD mở rộng cơ hội cho mọi người được học tập suốt đời trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào.

Theo báo cáo về thị trường lao động quý II/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong tổng số lực lượng lao động cả nước, tỷ lệ lao động có trình độ ĐH trở lên là 9,58% (chiếm tỷ lệ cao nhất); CĐ là 3,49%; trung cấp là 5,29% và sơ cấp nghề là 3,49%. Cũng theo nguồn thông tin cập nhật trên thì số người thất nghiệp trình độ ĐH là 126.900 người; nhóm trình độ CĐ có 70.800 người thất nghiệp; nhóm trình độ sơ cấp nghề thất nghiệp là 23.600 người.

Điều này nảy sinh thực tế trong thời gian qua là một bộ phận cử nhân vì không tìm được việc làm phù hợp sau tốt nghiệp nên đã giấu bằng cấp, xin đi làm công nhân; một bộ phận khác quay trở lại học nghề để tìm việc làm; sinh viên có bằng ĐH, trên ĐH lại đi học văn bằng 2 hệ trung cấp, CĐ nghề. Học sinh học hết THCS đi học nghề nhưng từ học nghề lại khó liên thông lên CĐ, ĐH hoặc thí sinh phải có chứng chỉ hành nghề mới được thi liên thông lên ĐH.

“Vì thế, rất mong với những quy định về tính mở và liên thông trong dự thảo Luật sẽ từng bước tháo gỡ, phù hợp với nguyên ly GD đã khẳng định tại Điều 3 “học đi đôi với hành, GD kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn”.

Đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và làm rõ hơn tính mở và tính liên thông, đặc biệt là một cơ chế quản lý mang tính tự chủ cao để phát huy khả năng sáng tạo của mỗi một đối tượng khi tham gia vào quá trình dạy và học trong hệ thống GD quốc dân; việc quy định nội dung, chương trình giảng dạy, phương thức tổ chức, trách nhiệm quản lý liên quan đến GD thường xuyên và GD nghề nghiệp để bảo đảm chất lượng trong các cơ sở GD đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ