Luật Giáo dục sửa đổi đề cập nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra

GD&TĐ - Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại bên lề Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - đoàn Đồng Tháp nhận xét, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã đề cập tới khá nhiều vấn đề mà thực tiễn đang đặt ra, trong đó có chính sách miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh THCS và chính sách cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm.

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nêu bật được tinh thần đổi mới và tính nhân văn trong GD-ĐT
Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) đã nêu bật được tinh thần đổi mới và tính nhân văn trong GD-ĐT

Nhiều điểm nhấn trong dự thảo Luật

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây cũng là một trong những lý do mà Quốc hội quyết định chuyển từ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sang thành Luật Giáo dục (sửa đổi) và chuyển từ quy trình hai kỳ họp sang quy trình ba kỳ họp.

Trên cơ sở đó, dự án Luật đã được Chính phủ, Bộ GD&ĐT chuẩn bị khá kỹ càng, công phu; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với vai trò cơ quan thẩm tra cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo để xem xét và đưa vào dự án Luật những vấn đề, những chính sách lớn, nhằm giải quyết cơ bản các yêu cầu của thực tiễn cũng như thể chế hoá tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa 

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, dự thảo Luật lần này đặt ra nhiều nội dung quan trọng, trong đó có một số điểm nhấn:

Thứ nhất, về tính mở và liên thông trong hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, dự thảo đã có những quy định làm rõ mục tiêu giáo dục, về chương trình sách giáo khoa, xác định vai trò, vị trí của giáo dục thường xuyên nhằm phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân.

Thứ hai, chính sách đối với nhà giáo. Trong lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã tập trung vào một số quy định mới trong chương nhà giáo như: Xác định vị thế của nhà giáo, quy định về chính sách lương, vấn đề nâng chuẩn đào tạo của nhà giáo để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình - sách giáo khoa trong thời gian tới. Đây là điểm mới và điểm nhấn của dự thảo Luật lần này.

Do vậy, Ban soạn thảo cũng đã chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động đầy đủ để bảo đảm tính khả thi của chính sách mới. Tuy nhiên, có một vấn đề đại biểu thấy còn băn khoăn: Nâng chuẩn trình độ đào tạo là yếu tố cần, nhưng muốn bảo đảm chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình và sách giáo khoa mới, điều quan trọng hơn là phải tăng cường bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, đạo đức nghề nghiệp để mỗi nhà giáo làm tốt nhất vai trò của người thầy. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng của hệ thống các trường đào tạo sư phạm và tăng cường hoạt động tự bồi dưỡng của mỗi nhà giáo.

Dự thảo Luật GD sửa đổi đã nêu bật tính nhân văn và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện trong GD-ĐT
  • Dự thảo Luật GD sửa đổi đã nêu bật tính nhân văn và tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện trong GD-ĐT

Tác động tích cực từ những chính sách nhân văn

Một điểm mới nữa theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, là chính sách dành cho người học. Dự thảo đề xuất chính sách không thu học phí đối với đối tượng thuộc diện phổ cập, theo đó, sẽ bổ sung một số đối tượng thụ hưởng chính sách này, cụ thể là chính sách không thu học phí trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cho trẻ em, học sinh diện phổ cập trường ngoài công lập. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đây là chính sách tốt và có ý nghĩa hết sức nhân văn. Tuy nhiên, để chính sách có tính khả thi trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp thì cần phải tính kỹ.

“Như vậy là phải có lộ trình, đối tượng nào cần phải thực hiện ngay. Chẳng hạn như trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì phải ưu tiên trước; những đối tượng còn lại có thể chậm lại một chút. Mục đích là tạo sự hài hòa giữa chính sách và điều kiện thực tiễn” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nêu ý kiến.

Liên quan đến chính sách sinh viên sư phạm, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, chính sách không thu học phí đối với sinh viên sư phạm đã bộc lộ nhiều bất cập. Nếu như những thời kỳ đầu thực hiện, chính sách này đã có tác động tích cực tới việc thu hút những sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và tạo ra được đội ngũ giáo viên có chất lượng cho ngành Giáo dục, thì những năm gần đây, chính sách này không còn phát huy tác dụng.

Theo đại biểu, lý do cơ bản nhất là cơ hội tìm việc làm của sinh viên sư phạm ngày càng khó. Thứ nữa là các chính sách đãi ngộ, vấn đề lương bổng của giáo viên chưa đủ sức thu hút và giữ chân người giỏi; môi trường làm việc của nhà giáo cũng gặp không ít khó khăn, rủi ro. Chất lượng đầu vào của ngành sư phạm rất thấp; nhiều sinh viên sư phạm sau khi ra trường không có cơ hội hoặc không lựa chọn nghề giáo, gây lãng phí nguồn lực. Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) lần này đã sửa theo hướng: Thay chính sách không thu học phí đối với sinh viên sư phạm bằng chính sách tín dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa phân tích, chính sách này khá phù hợp: Trước hết cũng là chính sách ưu đãi dành cho ngành sư phạm, nhưng đã tính đến hiệu quả đầu tư ngân sách. Như vậy, ngân sách Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, vấn đề lãng phí ngân sách Nhà nước sẽ được giải quyết.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng đây cũng chỉ là phần ngọn trong chính sách thu hút người giỏi vào ngành sư phạm; điều quan trọng hơn, đó là cơ hội việc làm cho sinh viên sư phạm sau khi ra trường; vấn đề chính sách ưu đãi nghề nghiệp đối với nhà giáo, môi trường làm việc tốt cùng với sự tôn trọng mà xã hội dành cho nhà giáo… Đó mới là vấn đề cốt lõi để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.