Luật cần cụ thể hóa chi tiết các chính sách ưu đãi khác biệt về nghề nghiệp, để từ đó có thể thu hút nhân tài cho các trường đại học sư phạm.
Tôn trọng và đãi ngộ hợp lý
Là một nhà giáo, tôi có vài góp ý về nội dung trong luật. Trước hết, tôi mong luật sẽ quan tâm đến vị trí giáo viên. Thầy cô phải được tôn trọng và đãi ngộ hợp lý, đúng với đặc thù nghề nghiệp. Luật cần cụ thể hóa chi tiết các chính sách ưu đãi khác biệt về nghề nghiệp, để từ đó có thể thu hút nhân tài cho các trường đại học sư phạm. Đó là các chính sách ưu đãi về tuyển sinh, tuyển dụng việc làm. Cụ thể, ngoài chính sách miễn học phí như hiện nay, Luật Nhà giáo cần có thêm các chính sách thu hút khác như đảm bảo việc làm sau khi ra trường, học bổng cao, trợ cấp ăn ở…
Đối với đội ngũ nhà giáo đang công tác, Luật Nhà giáo cần quan tâm đảm bảo đời sống tinh thần, vật chất “hơn mặt bằng chung nơi khu dân cư nhà giáo đang sinh sống”. Để hiện thực được điều trên, lương giáo viên cao ngang với lương của lực lượng vũ trang chứ không chỉ cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nếu mức lương không đủ sống, giáo viên sẽ phải xoay xở nhiều cách như dạy thêm, tìm kiếm các công việc phụ… để có thể tồn tại được. Còn khi thu nhập bảo đảm, họ chỉ chuyên tâm vào việc dạy, không chỉ giáo viên bớt mệt mà phụ huynh, học sinh cũng hài lòng vì chất lượng giáo dục được nâng lên.
Luật cũng cần quy định cụ thể hơn về các chính sách ưu đãi về việc bồi dưỡng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Đó là quy định về mức hỗ trợ giáo viên được nhà trường cử đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, giáo viên được cử đi học thạc sĩ chưa có quy định hỗ trợ cụ thể nên các địa phương, nhà trường mỗi nơi lại có cách làm khác nhau.
Và đặc biệt, sau khi đi có bằng thạc sĩ, chế độ tiền lương của các giáo viên cũng không có gì thay đổi so với trước. Đây là một bất cập, thiệt thòi cho nhà giáo ham học hỏi, luôn có tinh thần, ý chí cao trong việc bồi dưỡng nâng cao chuyên môn cho bản thân.
Giáo viên tham dự Chương trình “Thay lời tri ân” năm 2022. Ảnh: Ngô Chuyên |
Quan tâm đến công việc thực chất, thầm lặng
Ngoài ra, đội ngũ nhà giáo cũng mong muốn Luật Nhà giáo cần có những quy định, chế tài cụ thể về việc thi đua khen thưởng theo hướng ưu tiên những thành tích thiết thực (tránh căn bệnh thành tích).
Cụ thể, cần đưa vào luật tiêu chí về thi đua khen thưởng đối với giáo viên có thành tích trong công tác kiêm nhiệm như giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên, công đoàn… Trong đó đặc biệt cần khen thưởng cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm đưa được các lớp yếu kém lên tiên tiến, xuất sắc.
Tóm lại, quan tâm đến các công việc thực chất, thầm lặng của nhà giáo như việc dạy dỗ các em hằng ngày, giúp học sinh yếu kém tiến bộ, truyền cảm hứng cho học sinh, tấm gương đạo đức mẫu mực.
Theo góc nhìn của cá nhân, việc thi đua khen thưởng hiện chỉ mới làm tương đối tốt đối với đội ngũ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, có thành tích viết sáng kiến kinh nghiệm… Với thầy cô có năng lực, phẩm chất trong công tác kiêm nhiệm chưa được đề cập đến nhiều.
Tuy nhiên, ngay cả khen thưởng cho đội ngũ đạt thành tích tốt trong các cuộc thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, có học sinh giỏi đoạt giải các cấp… chế độ còn thấp và chưa kịp thời. Do vậy, phần thưởng chưa động viên xứng đáng công sức cô thầy đã bỏ ra.
Vấn đề nhà giáo không được quy định trong Luật Giáo dục của tất cả quốc gia trên thế giới, nhưng các nước châu Á quy định về nhà giáo nhiều và chi tiết hơn ở ta. Luật Giáo dục cơ bản của Nhật Bản năm 2006, quy định rõ mối quan hệ cụ thể giữa giáo viên và nhà nước.
Theo quy định, giáo viên phải nỗ lực hoàn thành trách nhiệm của mình và nhận thức sâu sắc về sứ mệnh cao cả của nghề nghiệp. Vị trí giáo viên được tôn trọng và được đảm bảo sự đãi ngộ hợp lý, được bồi dưỡng và phát triển kỹ năng nghề nghiệp. Luật Giáo dục của Trung Quốc có một chương về nhà giáo. Giáo viên được hưởng quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục của mỗi quốc gia. Bên cạnh các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp thì quy định pháp luật về vị trí pháp lý của nhà giáo là vô cùng cần thiết và cấp thiết. Hy vọng với việc xây dựng Luật Nhà giáo cùng với cải cách giáo dục toàn diện lần này, chất lượng giáo dục sẽ nâng cao và đời sống của đội ngũ nhà giáo được đảm bảo.
Các nội dung về quyền và nghĩa vụ nhà giáo, cơ chế đảm bảo thực thi quyền và nghĩa vụ đó phải rõ ràng, cụ thể trong văn bản pháp luật. Qua đó tạo tiền đề cho mỗi nhà giáo tiếp nhận và tự bảo vệ quyền, cũng như tuân thủ nghĩa vụ theo luật định, góp phần hoàn thành sứ mệnh to lớn của sự nghiệp GD-ĐT.