Ngày 29/6, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, Thủ Thủ tướng Phạm Minh Chính đã kết luận: Thống nhất với Tờ trình của Bộ GD&ĐT về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.
Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) – cho biết: tới đây, sẽ có nhiều công việc phải làm nhằm đảm bảo tiến độ thông qua Chính phủ vào tháng 3/2024 và trình Quốc hội vào kỳ họp thứ VIII Quốc hội khóa XV.
Sớm triển khai 5 nhóm việc
* Ông đã hình dung ra những việc phải làm trong thời gian tới?
- Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ GD&ĐT về việc xây dựng Luật Nhà giáo để trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.
Theo quy trình xây dựng Luật, đề nghị này cần được Quốc hội thống nhất thông qua. Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng xây dựng Luật theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT phải sớm triển khai một số công việc sau:
Thứ nhất, lựa chọn và mời đội ngũ chuyên gia giáo dục, chuyên gia pháp luật giỏi, tâm huyết, am hiểu về giáo dục và nhà giáo tham gia Ban soạn thảo.
Thứ hai, trên cơ sở các định hướng chính sách đã được Chính phủ thông qua, xây dựng đề cương chi tiết dự thảo Luật, báo cáo và xin ý kiến Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ để hoàn chỉnh và triển khai thực hiện.
Ông Vũ Minh Đức. |
Thứ ba, phối hợp với các Bộ/Ngành rà soát, đánh giá tác động, xem xét mối quan hệ giữa các quy định của dự thảo Luật với các quy pháp pháp luật hiện hành về nhà giáo.
Thứ tư, tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà giáo… về những nội dung của dự thảo Luật để tiếp thu, hoàn chỉnh trước khi lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện về nguồn lực để triển khai xây dựng Luật.
Khắc phục tản mạn, thiếu đồng bộ
* Tại phiên họp, Thủ tướng lưu ý, Luật Nhà giáo là bộ luật khó, có tác động lớn trong xã hội. Vậy Bộ GD&ĐT đã, đang và sẽ tháo gỡ những vấn đề này như thế nào – thưa ông?
- Hiện nay, theo thống kê của Bộ GD&ĐT, có tới trên 200 văn bản có nội dung quy định có liên quan đến nhà giáo. Tuy số lượng văn bản nhiều nhưng do nhiều cơ quan ban hành vào những thời điểm khác nhau nhằm mục đích khác nhau nên các quy định về nhà giáo tản mạn, thiếu đồng bộ, chất lượng không cao.
Ngoài ra, một số văn bản đã hết hiệu lực, một số quan hệ quan trọng chưa được điều chỉnh hoặc quy định chung chung, mờ nhạt, chưa phản ánh rõ đặc điểm nghề nghiệp đặc thù của đội ngũ nhà giáo.
Mặt khác, số lượng nhà giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm tới 70% số lượng viên chức của cả nước; trong khi viên chức đang được điều chỉnh bởi Luật Viên chức.
Vì vậy, khi xây dựng Luật Nhà giáo cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo và các quy phạm pháp luật hiện hành. Trong quá trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ GD&ĐT đã tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động bước đầu của các chính sách dự kiến đưa vào dự thảo Luật với các quy định pháp luật hiện hành. Trong quá trình xây dựng Luật sẽ phải tiếp tục đánh giá kỹ hơn và có giải pháp xử lý những nội dung này.
Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia tập huấn, bồi dưỡng năm 2022. Ảnh: TG. |
* Theo ông, đâu là những vấn đề căn cốt cần đưa vào Luật Nhà giáo?
- Trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo; Bộ GD&ĐT đã xác định những nội dung cơ bản cần được thể hiện trong Luật; đó là:
Thứ nhất, thể chế hóa quan điểm của Đảng coi “phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và vai trò, vị trí quan trọng của nhà giáo “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh”.
Từ đó có các cơ chế, chính sách phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; thu hút được người giỏi trở thành nhà giáo; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội; đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ hai, khắc phục được những bất cập, tản mạn, chồng chéo của các quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo; thiết lập hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo; kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển sáng tạo của nhà giáo trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội.
Cô - trò Trường THPT Lục Nam (Bắc Giang). Ảnh: NTCC. |
Thứ ba, quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, thực hiện một trong ba đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - những công dân toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; đảm bảo công bằng giữa nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Xin cảm ơn ông!
“Việc ban hành một bộ luật riêng điều chỉnh về nhà giáo là mong muốn của đội ngũ nhà giáo cả nước và đã được đặt ra từ năm 2008. Nếu luật được Quốc hội thông qua sẽ nâng cao vị thế, vai trò nhà giáo, tạo hành lang pháp lý đồng bộ và toàn diện để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích nhà giáo. Bên cạnh đó, luật này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tạo bình đẳng giữa nhà giáo khu vực công lập và ngoài công lập” – ông Vũ Minh Đức.