Còn nhớ, kết quả biểu quyết Dự án Luật GD (sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội là 414/453 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 85,54%. Có lẽ thông tin này không còn là vấn đề thời sự, nhưng dư âm của nó vẫn còn ấm nóng và lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
Trở lại với kết quả biểu quyết Luật GD (sửa đổi). Đây không hẳn là một kết quả “đẹp như mơ” nhưng cũng đủ để nhận thấy các đại biểu Quốc hội đã khách quan và trách nhiệm như thế nào khi đặt tay bấm nút biểu quyết thông qua một dự án Luật quan trọng như Luật GD (sửa đổi). Bởi đây vừa là Luật khung, làm nền tảng cho các luật chuyên ngành, vừa đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các cấp học khác. Điều đó đồng nghĩa với việc bấy nhiêu nỗ lực, cố gắng, sự tâm huyết, trách nhiệm của Bộ GD&ĐT nói chung, Ban soạn thảo dự án Luật nói riêng, đã được ghi nhận.
Nghĩ cũng thấy xứng đáng, bởi hiếm có luật nào như Luật GD (sửa đổi) trước khi được Quốc hội thông qua lại thảo luận kỹ tại 3 kỳ họp. Ngoài ra, hiếm có luật nào lại được xin ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân như Luật này. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên HS được tham gia xây dựng chính sách của một dự án luật lớn như Luật GD (sửa đổi) và các em chính là đối tượng thụ hưởng. Điều đó thể hiện tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe, tiếp thu của Ban soạn thảo trong quá trình hoàn thiện Luật. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là, chính sách phải đi từ thực tiễn của cuộc sống và đóng góp thiết thực cho thực tiễn. Vì thế, việc xây dựng Luật không thể “ngồi trong phòng lạnh” hay ngồi một chỗ để viết.
Nói không sai khi nhiều đại biểu Quốc hội và các chuyên gia nhận định: Luật GD (sửa đổi) đã phát huy được sức mạnh trí tuệ tập thể và của mọi tầng lớp nhân dân. Luật được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp GD của nước nhà. Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) nhận xét, sau 15 năm, xã hội chuẩn bị đón một Luật GD (sửa đổi) với kỳ vọng mang đầy đủ tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ tin tưởng, Luật này sẽ góp phần quan trọng vào thay đổi nền GD của nước nhà.
Ai cũng biết, mục tiêu GD nhằm phát triển toàn diện con người Việt Nam. Mục tiêu này đã được thể chế hóa trong Luật GD (sửa đổi) và được các đại biểu Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân và yêu cầu của thực tiễn. Đây được coi là một trong những thành công nhất của Luật này. Cụ thể, Luật GD (sửa đổi) đã quy định rõ mục tiêu GD là: Phát triển toàn diện con người Việt Nam có đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; có phẩm chất, năng lực và ý thức công dân; có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; phát huy tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế.
Luật đã được thông qua, việc còn lại là làm thế nào để những chính sách của Luật phát huy giá trị trong thực tiễn. Thiết nghĩ, để hiện thực hóa những kết tinh được cô đọng lại trong từng điều khoản của Luật, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, mà còn là nhận thức và trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình cũng như toàn xã hội.