Luật Giáo dục (Sửa đổi): Giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn

GD&TĐ - Theo chương trình nghị sự, ngày 14/6, Dự án Luật GD (sửa đổi) được Quốc hội thông qua. Nhiều đại biểu cho rằng, Dự án Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý hoàn chỉnh và giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn của GD. Trên cơ sở đó, các đại biểu cho biết sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật này.

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định)

Thể hiện rõ mục tiêu GD

Khẳng định sẽ bấm nút biểu quyết thông qua Dự án Luật GD (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) chia sẻ lý do quyết định của mình: Cho đến thời điểm này, Dự án Luật đủ điều kiện để thông qua tại Kỳ họp lần này bởi Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa để hoàn thiện Dự án Luật. “Với sự cầu thị, nghiêm túc tiếp thu và đề cập đến nhiều vấn đề thực tiễn của GD, tôi tin tưởng các đại biểu Quốc hội cũng có cùng quan điểm với tôi và sẽ bấm nút biểu quyết thông qua”, đại biểu Hồ Thị Minh chia sẻ.

  • Đại biểu Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị)

Theo đại biểu, nếu Luật GD (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ tạo đà để GD phát triển theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đồng thời giải quyết được nhiều vấn đề thực tiễn đang đặt ra như: Liên thông, phân luồng; vấn đề người học; các loại cơ sở GD; đầu tư cho GD; quản trị của GD ở cơ sở và quản lý Nhà nước về GD…

Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 21/5 về Dự án Luật GD (sửa đổi), rất nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với phần lớn nội dung của Dự thảo Luật lần này. Cùng với đó, các đại biểu ghi nhận, nội dung giải trình, báo cáo của Chính phủ; giải trình, báo cáo tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất cụ thể, rõ ràng và thể hiện tương đối đầy đủ tại dự thảo trình bày tại kỳ họp lần này.

“Tôi quan tâm nhất đến mục tiêu GD, bởi mục tiêu bao hàm cả chiến lược. Chỉ cần đặt ra mục tiêu tốt thì sẽ cho nền GD hoàn thiện. Lần này, Dự thảo Luật GD (sửa đổi) đã đặt ra mục tiêu GD khá tốt và tôi rất yên tâm. Đặc biệt, ngay trong mục tiêu đã có triết lý GD. Thực ra, triết lý GD không hề cứng nhắc mà luôn vận động và tùy vào từng giai đoạn lịch sử. Có như vậy GD mới phát triển” – đại biểu Hồ Thị Minh nêu quan điểm.

Đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, Dự thảo Luật lần này gần như đã có sự thay đổi lớn về hình thức và nội dung. Nhiều góp ý từ những lần trước đã có tiếp thu, sửa lại, viết lại một cách rõ ràng, hợp lý. Theo đại biểu, một số nội dung rất đáng được ghi nhận, đó là: Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều, khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng ở Điều 9 và liên thông ở Điều 10. Theo đó, các điều khoản đã làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn, bảo đảm cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người.

  • Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội)

“Dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề liên thông mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện việc liên thông. Như vậy là hợp lý. Các vấn đề khác như: Luật quy định cụ thể về GD thường xuyên trong hệ thống GD quốc dân ở Điều 44. Trình độ chuẩn được đào tạo của các nhà giáo được quy định tại Điều 72. Hoặc Dự thảo Luật đã xác định các nhóm đối tượng học trước tuổi, học ở độ tuổi cao hơn quy định học vượt lớp, học lưu ban và giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 28. Đó là mục mà tôi cảm thấy rất rõ ràng” - đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ sự hài lòng.

Kỳ vọng vào những chuyển động của GD

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định) nhận định, Dự thảo Luật GD (sửa đổi) cơ bản đã được chỉnh sửa theo hướng phù hợp hơn với thực tiễn. “Bản thân tôi nhất trí với các quy định tại một số điều khoản và kỳ vọng rằng, Dự thảo Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết được nhiều vấn đề đang đặt ra cho ngành GD và mang bước ngoặt quan trọng. Qua đó sẽ giúp ngành ổn định lâu dài và đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới” – đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nói.

Còn theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương), qua gần một năm rưỡi lấy ý kiến, Luật GD (sửa đổi) đang trên đường về đích. Trên bình diện chung, những vấn đề cơ bản được chế định khá rõ ràng, chứa đựng tâm huyết của những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân.

  • Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Quan tâm đến vấn đề kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân chia sẻ: Tầm quan trọng của vấn đề này đã được chế định từ cách đây 20 năm. Nếu như trước đây quy định quyền của cha mẹ hoặc người giám hộ với 6 điều tại Chương VI thì Dự thảo Luật lần này đã chuyển từ “Quyền” sang “Trách nhiệm”. Đó là kết quả của sự vận động tư duy tự chủ được hưởng, được làm, được đòi hỏi - chuyển sang trách nhiệm - nhằm giải toả bớt áp lực cho nhà trường và cùng với nhà trường chịu trách nhiệm về kết quả học tập của con em mình.

“Sau 15 năm, xã hội chuẩn bị đón một Luật GD sửa đổi với kỳ vọng mang đầy đủ tâm nguyện của các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những kết tinh được cô đọng lại trong từng điều khoản của dự Luật, không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực của các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, mà còn là nhận thức và trách nhiệm của gia đình, sự vận động của xã hội. Hạn định thịnh vượng đến năm 2045 có đạt được hay không tùy thuộc và tâm thế của ta dành cho GD. Và tất nhiên không thể chỉ trông chờ vào dự Luật này” – đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

  • Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Cho rằng, GD đã có nhiều tiến bộ, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: Chúng ta cần quan tâm nhiều hơn nữa đến GD. Mình phải có chính sách GD cho người học, đảm bảo công bằng và không phân biệt giàu, nghèo. “Cũng có nhiều người nói, tại sao phải cào bằng. Nhưng phải khẳng định là, chúng ta áp dụng chính sách GD đối với HS chứ không phải áp dụng với gia đình. Vì thế, mọi trẻ em đều có quyền như nhau và được hưởng chính sách GD như nhau” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm chia sẻ.

Cũng theo đại biểu, chúng ta kỳ vọng vào Dự án Luật này, nhưng đừng nghĩ rằng, khi Dự án Luật được Quốc hội thông qua sẽ làm thay đổi hoặc chuyển động ngay nền GD. “Cái gì cũng phải có lộ trình. Nhưng tôi tin Luật này sẽ góp phần quan trọng vào thay đổi nền GD; trong đó tôi kỳ vọng nhất vào thay đổi về công tác quản lý của ngành” – đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ