Không Bộ trưởng nào chỉ đạo nâng điểm

GD&TĐ - Bên lề phiên làm việc sáng 21/5 của Quốc hội, nhiều đại biểu tán thành với các quy định được đề xuất trong Dự án Luật GD (sửa đổi) và tin tưởng Dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp lần này. Liên quan đến vụ gian lận điểm thi ở Kỳ thi THPT quốc gia 2018, nhiều đại biểu khẳng định: Không Bộ trưởng nào chỉ đạo việc nâng điểm.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Sỹ Điền
Đại biểu Nguyễn Anh Trí. Ảnh: Sỹ Điền

Tin tưởng Dự án Luật sẽ được thông qua

Cho rằng, phiên thảo luận Dự án Luật GD (sửa đổi) là nội dung rất được chờ đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), lần sửa đổi này tốt nhất từ trước đến nay. Hình thức trình bày mạch lạc, ngôn từ trong sáng, rõ ràng, khúc chiết. Điều quan trọng là nội dung đã được chỉnh sửa theo hướng tiếp thu ý kiến của cử tri và đại biểu qua các lần góp ý trước.

Ban đầu đại biểu hơi băn khoăn về vấn đề sách giáo khoa (SGK) được quy định ở Điều 32 của Dự thảo Luật. Theo đó, Dự thảo Luật có nêu: Mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK; việc xuất bản SGK tuân thủ theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, đây là điểm được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.

Tôi luôn trăn trở làm sao để dạy tốt - học tốt; thầy ra thầy và trò ra trò, tạo nên một văn hóa tốt đẹp trong môi trường GD, giữ vững truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta. Đồng thời cũng phải tiếp cận được với hiện đại, với những điều mới mẻ của thời đại.


Đại biểu Nguyễn Anh Trí

“Tuy nhiên, khi tôi đọc Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật GD (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì thấy rằng, có những ý rất quan trọng mang tính then chốt, thể hiện ở Điều 31, 32. Đó là Chương trình GDPT và SGK phổ thông là hai vấn đề, mà ở đó chương trình sẽ quyết định. Chương trình là vấn đề bắt buộc, là pháp lệnh, còn SGK là phương tiện, là công cụ giảng dạy truyền tải nội dung chương trình”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu vấn đề, đồng thời khẳng định đã yên tâm hơn. Vấn đề ở chỗ phải đưa được nội dung giải trình vào trong Luật để tránh mọi người hiểu nhầm.

“Cho nên tôi cho rằng, mỗi môn có một hoặc nhiều bộ SGK cần phải được bổ sung trên cơ sở tuân thủ đúng chương trình đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt. Với quy định như trong Dự thảo, tôi cho rằng sẽ tạo điều kiện phát huy tính năng động, độc lập, tự chủ và giải phóng nguồn năng lượng, tạo sức sáng tạo lớn của đội ngũ thầy cô giáo”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.

Với những gì mà Ban soạn thảo đã chuẩn bị và với những gì được nêu trong Dự án Luật GD (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật GD (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí tin tưởng Dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp này.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Sỹ Điền
  • Đại biểu Bùi Sỹ Lợi trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội. Ảnh: Sỹ Điền

Không nên đổ oan cho ngành Giáo dục

Liên quan đến gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), khẳng định: Đối với ngành Giáo dục, không có Bộ trưởng hoặc hiệu trưởng nào chỉ đạo nâng điểm cả. Theo đại biểu, việc để xảy ra gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 thuộc trách nhiệm của 3 chủ thể:

Thứ nhất là HS và cha mẹ HS. Phụ huynh biết rõ năng lực của con mình nhưng vì muốn cho con vào trường đại học này, học viện kia nên đã tìm cách “nâng điểm” cho con em mình.

Thứ hai là nhà trường và GV. Nếu gia đình có nguyện vọng đề xuất việc “chạy điểm” cho con em mình nhưng GV không đồng lõa, mà để HS thi đúng năng lực thì sẽ không xảy ra vụ việc gian lận như vừa qua. Nhưng GV thậm chí còn nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh là không thể chấp nhận được.

Thứ ba là trách nhiệm của địa phương. Cơ quan quản lý GD địa phương phải vào cuộc để tổ chức tốt kỳ thi, tạo sự khách quan, công bằng. Khi phát hiện các trường hợp gian lận, các cháu đương nhiên bị đuổi khỏi trường nhưng quan trọng hơn là phải tạo cơ hội cho các cháu có số điểm cận kề, như vậy mới là sự công bằng xã hội và công bằng trong GD.

“Đối với vụ việc gian lận thi cử vừa qua, nếu chúng ta đổ hết cho ngành Giáo dục thì oan cho GD. Đối với ngành Giáo dục, không có Bộ trưởng hoặc hiệu trưởng nào chỉ đạo nâng điểm cho thí sinh. Đây chỉ là “ngấm ngầm” trong 3 đối tượng: Người đi thi muốn đậu, người kiếm tiền lợi nhuận từ việc này và người không kiểm soát tốt”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, vụ việc gian lận thi cử ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã diễn ra từ năm 2018, chúng ta chuẩn bị vào mùa thi mới, vì thế không nên giữ bí mật, cần phải công khai, minh bạch để các em HS thấy rằng, cần có lòng tự trọng, nghiêm túc trong quá trình học tập. Ngoài ra, là người đứng đầu địa phương, làm công tác quản lý trên địa bàn, việc đầu tiên là trách nhiệm quản lý Nhà nước. Do đó cần làm rõ việc tổ chức triển khai công tác thi cử đã quán triệt hết chưa; khi tổ chức thi có thanh tra, kiểm tra, xem xét không; quá trình chấm thi tổ chức giám sát ra sao… Nếu làm chưa tốt, đó là trách nhiệm của người đứng đầu. “Rõ ràng để xảy ra sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có phần trách nhiệm của người đứng đầu địa phương”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.

Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: IT
Đại biểu Ngô Thị Minh. Ảnh: IT 

Nâng chuẩn GV là cần thiết

Trao đổi thêm về quy định nâng chuẩn trình độ GV, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), cho rằng, việc này là cần thiết nhưng thực hiện như thế nào phải có lộ trình. Theo đại biểu, lộ trình đưa ra trong Dự thảo Luật GD (sửa đổi) là hợp lý.

“Việc nâng chuẩn GV là mục tiêu nâng cao chất lượng, kể cả kiến thức, năng lực giảng dạy và tâm sinh lý hiểu biết HS. Từ đó có những hành vi ứng xử phù hợp với HS, tạo phong trào “dạy tốt - học tốt” và môi trường sư phạm lành mạnh, không có biểu hiện xã hội phức tạp xảy ra trong nhà trường. Điều đó làm cho chất lượng GD của chúng ta tăng lên. Ngoài ra, việc nâng chuẩn này không chỉ theo lộ trình, theo quy định mà cần xác định không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng để phù hợp với xã hội hiện đại. Đã là phát triển thì không có điểm dừng”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, nâng chuẩn trình độ GV là vấn đề cần thiết và phù hợp với xu thế hiện nay. Theo đại biểu, nói đến giáo viên đạt chuẩn, không có nghĩa là chỉ bó hẹp đến chuẩn trình độ đào tạo, mà cần phải chuẩn từ các kỹ năng, năng lực sư phạm cho đến đạo đức của nhà giáo. Do đó, việc nâng chuẩn trình độ phải đáp ứng được yêu cầu ở từng cấp học.

“Lộ trình như thế nào trong Dự thảo không quy định cụ thể mà giao cho Chính phủ để áp dụng vào điều kiện thực tế. Chúng ta phải coi trọng đào tạo tại chỗ, những kỹ năng, kiến thức của giáo viên sao cho thực sự chất lượng và hiệu quả, không thể đào tạo và nâng chuẩn mang tính hình thức”, đại biểu Ngô Thị Minh nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.