Rõ trách nhiệm tập huấn cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình mới

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Kiên Giang có câu hỏi liên quan đến kinh phí riêng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; trong đó có kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thực hiện tại Trung ương và địa phương như sau: Tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán do Bộ GD&ĐT tổ chức; tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đại trà tại địa phương do các địa phương thức hiện.

Đối với hoạt động tập huấn tại Trung ương: Kinh phí tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông cốt cán được thực hiện thông qua Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) và Dự án RGEP vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Cụ thể, năm 2019 Dự án RGEP bồi dưỡng được 12.881 báo cáo viên nguồn, giảng viên sư phạm cốt cán, tổ trưởng chuyên môn phổ thông. Chương trình ETEP bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán thực hiện module 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới. Năm 2020 tiếp tục bồi dưỡng 10.600 tổ trưởng chuyên môn thông qua Dự án RGEP, 28.000 giáo viên cốt cán, 4.000 cán bộ quản lý cốt cán thông qua Chương trình ETEP thực hiện module 2, 3. Sau khi Dự án RGEP kết thúc năm 2020, năm 2021 Chương trình ETEP tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán, làm tiền đề, đào tạo đội ngũ “máy cái” để địa phương thực hiện bồi dưỡng giáo viên đại trà.

Đối với tổ chức tập huấn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đại trà tại địa phương do các địa phương thực hiện: Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương khối lượng công việc để các sở GD&ĐT có cơ sở lập dự toán kinh phí báo cáo UBND tỉnh, thành phố cân đối, bố trí từ ngân sách địa phương hoặc báo cáo Bộ Tài chính xin hỗ trợ từ ngân sách Trung ương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Bộ GD&ĐT cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về việc xem xét bố trí nguồn kinh phí riêng về đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo lộ trình để hỗ trợ các địa phương không tự cân đối được ngân sách trong quá trình triển khai thực, bảo đảm đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ