Trong đó, khâu tập huấn giáo viên được chú trọng để bảo đảm tiến độ và đội ngũ sẵn sàng giảng dạy chương trình vào năm học tới.
Dành thời gian tập huấn
Bản mẫu SGK định dạng PDF lớp 2, lớp 6 được đưa lên website của các nhà xuất bản. Giáo viên đã có tài khoản để nghiên cứu tìm hiểu, từ đó đề xuất lựa chọn, chuẩn bị cho dạy học và tham gia tập huấn. Để hoạt động này đạt hiệu quả, ngành Giáo dục các địa phương yêu cầu trường học bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với nhà xuất bản, tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, phụ huynh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để không ảnh hưởng đến tiến độ chọn SGK và tập huấn, địa phương và nhà xuất bản đã ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giới thiệu, tập huấn sách. Kết hợp hình thức trực tuyến và trực tiếp trong tập huấn SGK cho giáo viên; tránh tình trạng tập huấn không đạt chất lượng...
Theo ông Đoàn Văn Trí - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), phòng GD&ĐT yêu cầu tất cả cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn phải tập trung. Từng thành viên nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc nghiên cứu tất cả SGK theo danh mục được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Đặc biệt, cán bộ quản lý, giáo viên cần nắm chắc Chương trình GDPT 2018…
Về việc triển khai Chương trình, SGK mới, đặc biệt là kinh nghiệm tập huấn giáo viên lớp 1, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Việc tập huấn giáo viên, giao cho các nhà xuất bản phối hợp tổ chức với mỗi sở GD&ĐT không quá 2 ngày là quá ngắn. Không đủ thời gian để báo cáo viên và học viên kết nối, chia sẻ, tập trung sâu rộng làm rõ ngữ liệu trong SGK, tiếp cận và khai thác SGK… Giáo viên sẽ phát huy tốt tính chủ động, sáng tạo khi đã được tập huấn, bồi dưỡng một cách khoa học, hợp lý.
Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết: Qua rà soát, lập danh sách giáo viên chuẩn bị dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới, sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán; tập huấn sử dụng SGK. Ðồng thời, tổ chức bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên các cấp học bậc học theo mô-đun đã được Bộ GD&ÐT triển khai. Ðặc biệt, 100% giáo viên dự kiến giảng dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 được bồi dưỡng các mô-đun theo quy định trước 31/7. Ngành tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên các cấp; tăng cường tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn, cụm, nhóm chuyên môn theo quận, huyện, cụm trường… để giúp đội ngũ giáo viên trau dồi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy Chương trình GDPT mới.
Nhà trường cùng chuyển động
Đến nay, công tác chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT mới lớp 2, lớp 6 được các trường khẩn trương thực hiện. Trong đó, đội ngũ giáo viên - những người nhận nhiệm vụ triển khai chương trình đóng vai trò chủ đạo. Việc lựa chọn giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn SGK là nhiệm vụ quan trọng trong học kỳ II năm học 2020 - 2021.
Theo cô Bùi Thị Hồng Hạnh - giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh), tiếp cận Chương trình GDPT mới, bước đầu gặp một số khó khăn nhất định nhưng nhờ sự hỗ trợ, tập huấn, tham gia các lớp bồi dưỡng nên đã giải quyết được. Một trong những điểm nổi bật của chương trình mới là học sinh phát huy được thế mạnh, năng lực của bản thân. Sự chuẩn bị của nhà trường, ngành Giáo dục địa phương giúp giáo viên vững tâm và tự tin tiếp cận, sẵn sàng triển khai chương trình mới…Tỉnh Trà Vinh đang chuẩn bị mọi mặt cho việc áp dụng Chương trình, SGK lớp 2, lớp 6 từ năm học 2021 - 2022. Tỉnh đã tạo tài khoản cho tất cả cán bộ quản lý và giáo viên để tiến hành bồi dưỡng đại trà Chương trình GDPT 2018…
Thầy Phạm Trung Hiếu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Trà Vinh cho biết: Trường đang tích cực chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình, SGK lớp 2. 99% cán bộ quản lý, giáo viên được cấp tài khoản và tập huấn theo Chương trình ETEP. Đồng thời, 100% giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng và Trường ĐH Sư phạm TPHCM đánh giá đạt. Riêng cán bộ quản lý, giáo viên đại trà có 98% được bồi dưỡng Chương trình GDPT mới và chương trình môn học.
Huyện Vĩnh Thạnh, vùng ven của TP Cần Thơ, công tác tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được thực hiện từ sớm. Theo thầy Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THCS thị trần Vĩnh Thạnh, tháng 1/2020 nhà trường tiến hành rà soát mạng lưới trường lớp, xây dựng quy mô, số lượng, lập tờ trình tham mưu cấp trên. Đồng thời, ban giám hiệu lựa chọn cán bộ, giáo viên, nhân viên; lập danh sách tham gia tập huấn cốt cán, tập huấn SGK và hoạt động chuyên môn. Trường đã hoàn thành các kế hoạch chuẩn bị cho chương trình mới lớp 6; tiến hành rà soát giáo viên để xây dựng lộ trình kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cốt cán đáp ứng theo yêu cầu. Đồng thời, trường tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền bố trí bổ sung thêm giáo viên, nhất là các môn còn thiếu giáo viên như Toán, Lịch sử, Công nghệ, Ngoại ngữ 2...