Phát biểu tại buổi tập huấn, PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cho biết: Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã tích cực chuẩn bị về mọi mặt từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện ngành gặp một số khó khăn, đặc biệt là chuẩn bị đội ngũ giáo viên. Đây nhân tố quyết định việc thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, kế hoạch giáo dục nhà trường phải theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh của Bộ GD&ĐT. Vừa bảo đảmtính linh động, phù hợp với tình hình thực tiễn của nhà trường, đây là một trong những điểm khác biệt với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Hướng tới hiệu quả cao trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục mới, Sở đã tổ chức tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường cho hơn 500 cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các phòng GD&ĐT, trường trung học trên địa bàn.
"Để tận dụng thật tốt cơ hội đặc biệt này, tôi đề nghị các thầy cô cần tập trung cao và nghiêm túc nhằm tiếp thu tốt nhất bài giảng. Ngay sau khi trở về đơn vị công tác, tổ chức tập huấn, triển khai thật tốt tại đơn vị phụ trách, bảo đảm 100% cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp trung học trong toàn tỉnh nắm chắc nội dung của đợt tập huấn. Qua đó, tiến tới thực hiện thắng lợi việc triển khai Chương trình GDPT mới tại tỉnh Sơn La", PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng nhận định.
Tại buổi tập huấn chương trình giáo dục phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) giảng bài và hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Nội dung tập huấn được chia làm 2 phần, lý thuyết và thực hành. Phần lý thuyết gồm: Hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn. Hướng dẫn xây dựng kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy. Hướng dẫn công tác đổi mới kiểm tra, đánh giá. Phương thức tổ chức, quản lý, xây dựng và thực hiện giáo dục STEM tại trường trung học. Phần thực hành là tổ chức viết thu hoạch đối với nội dung tập huấn theo từng đối tượng tham gia, cụ thể: Lớp A gồm cán bộ quản lý; Lớp B, gồm các tổ trưởng; Lớp C là các giáo viên cốt cán.
Là 1 trong những giáo viên cốt cán tham gia buổi tập huấn, thầy Đỗ Văn Đàm, giáo viên Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Vân Hồ cho biết: Qua lớp tập huấn, tôi lĩnh hội và nâng cao kiến thức trong giảng dạy. Khi trở về trường, tôi sẽ truyền đạt lại các nội dung đã được tập huấn cho đồng nghiệp, qua đó truyền tải những kiến thức bổ ích đến các em học sinh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường sẽ bảo đảm yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn và giáo viên trong việc thực hiện chương trình. Khai thác sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu thực hiện các phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường, bảo đảm tính dân chủ, thống nhất giữa các tổ chuyên môn và tổ chức đoàn thể. Phối hợp tốt hơn giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.