Rà soát đối tượng học sinh được hỗ trợ chính sách phù hợp yêu cầu thực tiễn

GD&TĐ - Cử tri các huyện miền núi tại Nghệ An kiến nghị cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ nơi ăn, chốn ở cho học sinh các trường THPT vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao khó khăn giúp học sinh không phải bỏ học

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về nội dung này, Bộ GD&ĐT cho biết: Tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn đã quy định chính sách hỗ trợ cho học sinh THPT ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, cụ thể:

Về đối tượng được hưởng, gồm: Học sinh THPT là người dân tộc thiểu số đang học tại trường THPT hoặc cấp THPT tại trường phổ thông có nhiều cấp học; bản thân và bố, mẹ hoặc người giám hộ có hộ khẩu thường trú tại xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; nhà ở xa trường khoảng cách từ 10 km trở lên hoặc địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn: Phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá.

Học sinh THPT là người dân tộc Kinh, ngoài các điều kiện quy định như đối với học sinh THPT là người dân tộc thiểu số, còn phải là nhân khẩu trong gia đình thuộc hộ nghèo.

Về chính sách được hỗ trợ: Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh. Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.

Như vậy, học sinh các trường THPT vùng dân tộc thiểu số, vùng núi cao khó khăn đã được hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê nhà trọ (nếu nhà trường không có chỗ ở bán trú cho học sinh) và gạo để đi học và học hết cấp học. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn thì mức hỗ trợ này vẫn còn hạn chế.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá, rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách và cân đối mức hỗ trợ so với mặt bằng chung của các chính sách khác, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ để xem xét, bổ sung đối tượng và nâng mức hỗ trợ cho học sinh để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn và khả năng cân đối ngân sách Nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ