Những đối tượng được thu hưởng chính sách
Thực hiện Nghị quyết số 21/2011/QH13, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 (Quyết định số 52) quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu.
Tính đến tháng 6/2018, số nhà giáo đã được giải quyết chế độ trợ cấp một lần theo Quyết định số 52 là 168.480 người, với tổng kinh phí là trên 2.042 tỷ đồng, trung bình chi trả 12.123.000 đ/người.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết định số 52/2013/QĐ-TTg, còn một số đối tượng nhà giáo do việc tổ chức loại hình trường hoặc cơ chế sử dụng đội ngũ nhà giáo không được tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 52 do đó nhiều nhà giáo bị thiệt thòi, thắc mắc.
Để giải quyết những bất cập đó, ngày 24/1/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 14/2020/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (thay thế Quyết định số 52). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2020.
Nghị định đã làm rõ các đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 52, bao gồm: Nhà giáo là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm nhà trẻ, phó chủ nhiệm nhà trẻ, giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa, phó trưởng khoa, chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa, trưởng ban, phó trưởng ban, trưởng phòng, phó trưởng phòng nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011 tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung một số đối tượng được hưởng trợ cấp như:
Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011 tại cơ sở giáo dục bán công nhưng trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành giáo dục.
Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay. Các nhà giáo này nếu không nghỉ hưu ngay mà tiếp tục đi dạy thì sẽ được hưởng phụ cấp thâm niên theo Nghị định số 54/2011/NĐ-CP về phụ cấp thâm niên nhà giáo hoặc nếu không nghỉ hưu ngay mà làm các công việc khác thì sẽ không được hưởng trợ cấp theo Nghị định này.
Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước dành cho thanh niên xung phong (tính thời gian tham gia dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong); nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo (tính thời gian tham gia giảng dạy mà chưa được tính trong thâm niên lực lượng vũ trang).
Trung bình mỗi đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ 12 triệu đồng
Việc bổ sung các đối tượng này đã giải quyết được các bất cập, thiệt thòi cho các nhà giáo do việc tổ chức loại hình trường hoặc cơ chế sử dụng đội ngũ nhà giáo mà không được tính hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo Quyết định số 52.
Các nhà giáo đủ điều kiện quy định tại Điều 2 Nghị định số 14 được hưởng mức trợ cấp bằng tiền, khi có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên, nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012 (Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu).
Mức trợ cấp được tính bằng tiền theo công thức: Số tiền trợ cấp = (Lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp. Trung bình mỗi đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ 12 triệu đồng
Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Nghị định chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1/1/2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được. Điều này bảo đảm tính liên tục và nhân văn trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo.
Để nhận chế độ, nhà giáo và thân nhân nhà giáo làm hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ trợ cấp bao gồm các tờ khai, bản chụp (không yêu cầu chứng thực), văn bản ủy quyền. Các hồ sơ này bảo đảm tính thuận lợi, đơn giản, dễ thực hiện cho người dân theo yêu cầu của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính.
Các nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định tại Quyết định số 52 mà hồ sơ đã được cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận nhưng chưa ban hành Quyết định chi trả trợ cấp trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì mức trợ cấp được hưởng theo quy định tại Nghị định này nhằm bảo đảm quyền lợi, chế độ cho các nhà giáo.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người được hưởng. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Chính phủ giao Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện chi trả chế độ theo quy định; Bộ GD&ĐT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện (Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định); UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc địa phương tổ chức thực hiện chế độ, chính sách quy định tại Nghị định bảo đảm chặt chẽ, công khai, chính xác, thuận tiện, không để xảy ra sai sót, tiêu cực.