Tuy nhiên, trong thực tế triển khai thực hiện, mức hỗ trợ được quy định tại Điều 5 của Nghị định chưa thực sự hiệu quả trong việc bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Đồng thời, do đặc điểm địa phương, một số trường bán trú tổ chức quản lý, chăm sóc học sinh như mô hình trường nội trú, nên mức hỗ trợ theo Nghị định còn thấp. Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh tăng mức hỗ trợ.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định tại Nghị định số 16/2016/NĐ-CP, các chính sách hỗ trợ đối với học sinh bao gồm: Hỗ trợ tiền ăn (mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh - tại thời điểm hiện nay tương ứng khoảng 560.000 đồng/tháng); hỗ trợ gạo (mỗi học sinh được hỗ trợ 15kg gạo/tháng).
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 5, trường phổ thông dân tộc bán trú cũng được hỗ trợ một số khoản kinh phí nhằm tăng cường cơ sở vật chất để bảo đảm các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng các học sinh bán trú.
Với mức hỗ trợ này, thực tế chưa thể đáp ứng được nhu cầu của học sinh mà chỉ hỗ trợ được một phần giúp các em và gia đình ổn định, yên tâm học tập. Vì vậy, ngoài chính sách của Nhà nước, cần huy động các nguồn lực của địa phương, tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để hỗ trợ các nhà trường tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú, tạo động lực giúp trẻ đến trường học tập.
Bộ GD&ĐT tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức khảo sát, đánh giá mức hỗ trợ so với mặt bằng chung của chính sách khác và báo cáo Chính phủ xem xét cân đối nguồn lực để hỗ trợ, bảo đảm phù hợp với thực tiễn.