Ngăn chặn tình trạng lạm dụng hình thức BOT

GD&TĐ - Cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng giao thông là tài sản công quan trọng và có giá trị rất lớn do quá trình xây dựng và phát triển với biết bao công sức, tiền của và cả máu xương của các thế hệ. Theo thống kê, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ nước ta hiện có khoảng 300 nghìn km; trong đó, quốc lộ khoảng 20 nghìn km, tỉnh lộ khoảng 25 nghìn km, còn lại là đường cấp huyện, xã và chuyên dụng.

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đang bị phản ứng gay gắt
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đang bị phản ứng gay gắt

Mạng lưới giao thông đóng góp lớn vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống xâm lược, vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Thế nhưng, thời gian gần đây, bên cạnh những tiến bộ và thành tựu chung, hệ thống công sản đó đang có dấu hiệu bị lạm dụng, gây thất thoát lớn, mặc dù bộ máy có chức năng quản lý nhiều tầng nấc, như: Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT; Bộ Tài chính có Cục Quản lý công sản; các bộ, địa phương cũng có cơ quan tương tự!

Những thủ đoạn tinh vi, trắng trợn đã từng bước được phát hiện như: làm đường BOT ở tuyến khác nhưng lại đặt trạm thu phí ngay trên quốc lộ có lưu lượng phương tiện lớn; làm BOT trên quốc lộ độc đạo có sẵn, thậm chí chỉ "tráng men", đắp vá chút ít theo kịch bản và câu kết biến công sản có từ lâu đời thành "BOT bẩn" thu tiền của dân, doanh nghiệp và ăn chặn nguồn thu ngân sách.

Công luận phanh phui ngày càng nhiều vụ "BOT bẩn" đang bủa vây và nuốt luôn đường giao thông quốc gia, tạo nên siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư và những cá nhân, tổ chức liên quan.

Nhiều ý kiến dư luận cho rằng, để xảy ra tình trạng trên cần xem xét trách nhiệm của những cán bộ có chức trách, nhiệm vụ liên quan các sai phạm của BOT: không biết (không hoàn thành nhiệm vụ, vô cảm); biết nhưng bất lực (thiếu bản lĩnh, điều kiện đấu tranh hoặc né tránh); đồng mưu (thậm chí chủ mưu) và đồng lõa.

Bởi vậy, đấu tranh với "BOT bẩn" cũng là một nội dung quan trọng của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, đòi hỏi phải "nhốt quyền lực vào trong cơ chế", cấp bách hoàn thiện khung pháp lý BOT song song với phanh phui xử lý "BOT bẩn" đã và đang được phanh phui.

Kiểm toán Nhà nước vừa kết thúc kiểm toán thêm 24 dự án BOT giao thông, đã giảm trừ thời gian thu phí 62,8 năm! Kết quả kiểm toán cho thấy, các dự án đó vẫn tái phạm, với những vi phạm như chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu chưa đủ năng lực và kinh nghiệm, vị trí đặt trạm chưa hợp lý,...

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ những sai phạm, tùy tiện, lãng phí, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp tại 27 dự án BOT, nổi cộm là hầu hết chỉ định thầu, chi phí, giá thành, địa điểm đặt trạm thu phí thiếu minh bạch, sai hoặc không có nguyên tắc; qua đó, đã quyết định giảm trừ được hơn 107 năm thu phí...

Hàng chục, hàng trăm nghìn km đường giao thông từ quốc lộ đến đường tỉnh, huyện, xã là mồi ngon của tham nhũng đang đòi hỏi chúng ta phải ngăn chặn bằng cách hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm quản lý cho hiện tại và tương lai, đồng thời xử lý nghiêm những vụ việc đã và đang được phát hiện.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.