Thủ tướng: Chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí

GD&TĐ - Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng nhấn mạnh: Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuẩn bị tốt điều kiện cho khai giảng năm học mới, nhất là ở các vùng lũ lụt vừa qua; không để xảy ra tình trạng lạm thu, đẩy giá vật dụng ngành giáo dục; không để tình trạng học sinh không đến trường vì không có tiền đóng học phí.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017. Ảnh: VGP

Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ, biểu dương nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, nhân dân, doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết, đến nay, theo báo cáo của các cơ quan liên quan sau khi khảo sát số liệu cụ thể thì 13 chỉ tiêu năm 2017, ước hoàn thành toàn diện, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Chủ quan, sơ suất là trượt mục tiêu

Thủ tướng lưu ý trước mắt còn tháng 9 và cả quý IV, nên nếu thực hiện các nhiệm vụ được giao không sát sao, sơ suất trong bất cứ khâu nào thì sẽ dẫn tới không đạt kế hoạch. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt, không chủ quan.“Công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, trong đó có du lịch mà sơ xuất 1 tháng không đạt thì khó đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%”, Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá tình hình, kết quả năm 2017 rõ ràng hơn, phân tích bối cảnh trong nước quốc tế, nhất là xem xét các mục tiêu giai đoạn ‎2016-2020, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể.

Trong đó phải chú trọng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm tinh thần đổi mới nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Không phải chỉ chạy theo số lượng mà chất lượng tăng trưởng là rất quan trọng với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, để người dân mọi vùng, mọi miền, vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo tình hình kinh tế -xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội.

Trong đó, về đầu tư xây dựng cơ bản 2018 và ba năm 2018 - 2020, yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chuẩn bị, giao Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì rà soát trước khi báo cáo.

Các chỉ tiêu đưa ra phải có cơ sở vững chắc và nhìn toàn cục nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn ‎2016-2020. 

Bộ Tài chính chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính. Trong đó, quyết liệt chống thất thu, gian lận, nợ đọng thuế, chống lạm thu, khuyến khích nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta.

Cần thể hiện rõ hơn tinh thần tái cơ cấu ngân sách mạnh mẽ, tăng chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, giảm mạnh chi thường xuyên, với nhiều hình thức tiết kiệm chi, đẩy mạnh khoán chi…

Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính- ngân sách 2018 - 2020. “Các đồng chí quan tâm để đồng tiền hạt gạo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng nhấn mạnh, thủ tục hành chính ở các cấp còn nhiều bất cập, chưa tạo nên sân chơi thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp nhưng cấp dưới chưa đồng hành và một bộ phận còn hành doanh nghiệp, không thực hiện các cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.

Giao Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính.

“Không phải trên nóng dưới nguội được nữa, mà trên nóng, dưới nóng, đồng bộ quyết tâm để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Đừng để tình trạng trì trệ ở phía dưới, hệ thống không chuyển động”, Thủ tướng bày tỏ. “Các đồng chí cán bộ lão thành, cựu chiến binh rất lo lắng là tinh thần hăng hái quyết liệt của Chính phủ chúng ta có thấm đến cơ sở, đến chính quyền địa phương để phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo môi trường thông thoáng hơn. Đó là vấn đề mà các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục kiểm tra đôn đốc”.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực tín dụng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ vốn theo nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng kịp thời hơn, cần tiến hành thanh tra công vụ đối với các đơn vị trực tiếp xử lý vốn đầu tư công để xác định trách nhiệm, tăng cường kỷ cương.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017. Ảnh: VGP
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017. Ảnh: VGP
 

Không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc dư luận

Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9. “Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các FTA, đặc biệt với các đối tác mà Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn; đề xuất một số FTA mới. Thúc đẩy xuất khẩu, phát triển mạnh thị trường trong nước. Khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Với ngành nông nghiệp, cần nỗ lực đạt mức tăng trưởng 3,05% theo kịch bản đã đề ra. Ngành du lịch phấn đấu đạt 13-15 triệu khách quốc tế.

Thủ tướng lưu ý thực hiện tốt các chính sách xã hội, cứu trợ vùng thiên tai. Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc dập dịch sốt xuất huyết, dịch chân tay miệng. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án bảo đảm Quỹ Bảo hiểm y tế bền vững, chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu thuốc.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuẩn bị tốt điều kiện cho khai giảng năm học mới, nhất là ở các vùng lũ lụt vừa qua; không để xảy ra tình trạng lạm thu, đẩy giá vật dụng ngành giáo dục; không để tình trạng học sinh không đến trường vì không có tiền đóng học phí.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt hội nghị về biến đổi khí hậu và tổ chức sản xuất tại vùng Tây Nam Bộ. Làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai.

Về công tác chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần khẩn trương, kỹ lưỡng về mọi mặt, theo phương châm trọng thị, chu đáo, hiệu quả, tiết kiệm, bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối, nỗ lực tổ chức thành công sự kiện này để vừa quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam vừa mở ra nhiều cơ hội hợp tác.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.