Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Làm BOT chỉ nới lỏng một chút, rủi ro tham nhũng lớn nhất

GD&TĐ - “BOT nếu làm đúng, làm tốt thì rất có lợi cho quốc gia và nhiều quốc gia đã thành công. Nhưng nếu làm không chặt chẽ, không đúng quy trình, chỉ cần nới lỏng một chút thôi thì rủi ro tham nhũng lớn nhất trong tất cả các loại tham nhũng”. Đó là chia xẻ của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đặng Huy Đông liên quan đến việc đầu tư và thu phí các dự án BOT bên hành lang tọa đàm “Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển” diễn ra mới đây.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông

“Tù mù”

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, thu phí đường BOT là một hình thức thu thuế. Bình thường, Nhà nước làm đường thì thu thuế của người dân trước để vào ngân sách, sau đó dùng ngân sách làm đường. Khi ngân sách không đủ tiền để đầu tư công, Nhà nước để doanh nghiệp làm đường sau đó thu phí.

“Người sử dụng đường giao thông trả tiền trước thì cũng phải tường minh, chứ không thể “tù mù” được. Người dân có quyền đòi hỏi điều đó”, ông Đông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đông chia sẻ, ngay từ năm 2009, ông chỉ rõ về việc nhiều nước trên thế giới cảnh báo làm BOT là rủi ro tham nhũng lớn nhất.

"Nếu làm đúng, làm tốt các dự án BOT rất có lợi cho quốc gia và nhiều quốc gia đã thành công. Nhưng nếu làm không tốt, không đúng quy trình, chỉ cần nới lỏng một chút thôi thì rủi ro tham nhũng lớn nhất trong các loại tham nhũng".

Thứ trưởng Đông cho biết, suốt quá trình làm chính sách hợp tác theo hình thức công - tư (PPP) mà BOT là một trong những hình thức, Bộ KH&ĐT nói rõ nguyên tắc là việc thiết kế đề án phải dùng ngân sách Nhà nước, chủ động tính toán chi phí. Cơ quan quản lý phải chủ động với con số đầu vào đầu ra, chủ động tính toán về lưu lượng xe bởi con số lưu lượng xe vô cùng quan trọng trong tính toán chi phí.

“Nhà nước phải bỏ tiền ra nghiên cứu tính toán các chi phí đấy, thuê các chuyên gia hàng đầu. Nếu dự án lớn có thể thuê chuyên gia quốc tế về làm mẫu cho 1 - 2 dự án, làm mẫu cho 1 - 2 cung đường BOT để cho biết chuẩn mực là như thế. Riêng về tư vấn dự báo lưu lượng giao thông, thậm chí phải thuê 3 đơn vị khác nhau để bảo đảm tính độc lập. Sau đó, mới tổ chức đấu thầu”, ông Đông cho biết.

Cũng theo ông Đông, việc lựa chọn doanh nghiệp phải chọn đơn vị có kinh nghiệm, có năng lực, có tiềm lực tài chính, “tiền tươi, thóc thật” thì mới được làm.

“Cách làm BOT hiện nay là theo kiểu, tôi thấy anh và giao cho anh, cứ có quan hệ là duyệt hết và nhận xét rất chung chung. Tính toán chi phí đầu vào, dù tăng gấp đôi, cũng không có con số chứng minh. Rồi để được thu nhiều hơn thì hạ lưu lượng xe xuống, tù mù về đếm lưu lượng xe, sau đưa ra mức thu phí cao nhất, với thời gian dài nhất”, Thứ trưởng nói.

Sao không công minh?

Ông thấy lạ, khi người dân, những người bình thường cũng có thể tính toán các con số để ra được kết quả là làm con đường ấy hết bao nhiêu tiền. Và cả hạ tầng bên đường, người dân có thể biết những miếng đất hai bên đường, giá cả thế nào. Vậy mà tại sao cơ quan quản lý lại không tính ra được?

“Cơ quan Nhà nước luôn dùng từ “hài hòa” lợi ích giữa các bên, nhưng thế nào là hài hòa? Hài hòa thì phải tường minh. Muốn hài hòa thì tại sao không công minh?”, ông Đông tâm tư và cho rằng, chừng nào còn “tù mù”, không công khai chi phí xây dựng, không công khai lưu lượng xe đi trên thường thì không thể chấp nhận được.

“Như ở đường BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, một cổ đông đăng ký đặt camera để đếm lưu lượng xe trên đường để bảo vệ quyền lợi cho chính cổ đông ở đó mà cũng bị cấm, cũng bị tịch thu. Bản thân cái đó đã nói lên sự thiếu tường minh rồi”.

Về thu phí đường tránh, ông Đông dẫn lại trường hợp đường tránh Tào Xuyên từ những năm trước.

“Làm một đường nhưng thu phí một đường thì hiệu quả lợi ích là như thế nào? Bộ KH&ĐT đã đưa phóng viên Báo Đấu thầu đi trực tiếp ngồi 3 ngày 3 đêm tại trạm Tào Xuyên để đếm lượng xe qua lại cả ngày thường lẫn cuối tuần. Chúng tôi làm vậy để biết với số liệu ấy, lưu lượng ấy thì bao nhiêu năm thu xong phí đường tránh Thanh Hóa tại Tào Xuyên”, Thứ trưởng chia sẻ.

Trước câu hỏi về trách nhiệm của Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nêu quan điểm, Bộ chủ trì nhưng cần đồng thuận trong Chính phủ, đồng thuận của xã hội để ủng hộ cho việc quản lý đấu thầu và quản lý PPP (mà BOT là một trong số đó) phải theo chuẩn mực.

“Thế nào để chuẩn mực, chúng tôi đã nêu ra, đã cảnh báo và phản đối cách làm BOT như hiện nay. Thực tế chứng minh tất cả, những gì chúng tôi nói đã không làm được và giờ đã bộc lộ bất cập”, Thứ trưởng Đông chốt lại.

Ông Ngô Văn Điển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cũng phàn nàn rằng, doanh nghiệp đang phải “gánh” rất nặng chi phí BOT khi chỉ riêng Quốc lộ 1A đã tồn tại hàng chục trạm thu phí.

“Chủ nghĩa thân hữu đang làm méo mó mọi thứ, khiến doanh nghiệp nặng gánh chi phí chính thức và phi chính thức”, ông Điển nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ