Gỡ 'nút thắt' cho ngành logistics

GD&TĐ - Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế.

Dịch vụ logistics còn nhiều điểm nghẽn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế.
Dịch vụ logistics còn nhiều điểm nghẽn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế.

Để vượt qua thách thức trong thời gian tới, các doanh nghiệp logistics cần đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí, mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới, nâng cao chất lượng nhân lực…

Thách thức…

Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam trong năm 2023 đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm. Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể.

Lý giải cho mức sụt giảm này, các chuyên gia cho rằng, ngành logistics gắn liền với các hoạt động sản xuất, phân phối, tiêu thụ hàng hóa trong nước và thế giới. Những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế hiện hữu như bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao... đã đánh dấu mốc chấm dứt thời kỳ tăng trưởng nóng, nền kinh tế khó tránh khỏi bị chững lại. Đây là yếu tố tiêu cực có tác động nhanh nhất tới doanh nghiệp logistics, nhất là các doanh nghiệp phục vụ hoạt động logistics quốc tế.

Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3 - 5 năm để giành được thị phần.

Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử - nơi đem đến số đơn hàng ngày càng nhiều cho ngành logistics, các doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp.

Trong một năm đầy biến động đó, sự phát triển thương mại điện tử và nhu cầu vận chuyển nhanh hơn đang làm thay đổi cấu trúc hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Các doanh nghiệp logistics nói chung và doanh nghiệp hoạt động trong mảng giao hàng chặng cuối nói riêng buộc phải thực hiện các chuyến hàng nhỏ thường xuyên hơn.

Điều này là do các doanh nghiệp không có thời gian chờ đợi cho đến khi họ có đủ đơn đặt hàng để lấp đầy toàn bộ trọng tải phương tiện vận chuyển. Giải pháp cho nhu cầu này là nhiều đơn hàng nhỏ hơn từ nhiều đơn vị khác nhau được đặt trên một hãng vận chuyển. Cách thức này nhằm lấp đầy tải trọng của phương tiện vận chuyển với nhiều điểm dừng giao hàng.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một số doanh nghiệp trong ngành, giải pháp này đem lại nhiều lợi ích về chi phí, đồng thời giảm đáng kể tác động tới môi trường và đang được họ ứng dụng rộng rãi.

Để gia nhập và duy trì cuộc chơi, các doanh nghiệp cần đảm bảo phương tiện cần đạt được mức tải tối đa, tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế theo quy mô.

Thách thức trên cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp về tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số - điều này càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp logistics nhỏ, không có đủ tiềm lực về cả tài chính và con người.

…Và cơ hội

Báo cáo đánh giá của Ngân hàng Thế giới cho thấy, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế về năng lực của nhà cung ứng, khả năng chuyển đổi số vẫn ở mức thấp. Hầu hết, doanh nghiệp logistics vẫn ở trong giai đoạn đầu của việc số hóa quy trình hoạt động và chưa thực sự quan tâm đầu tư đúng mức tới vấn đề này.

Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án Xây dựng chiến lược phát triển logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó lồng ghép nhiều nội dung liên quan đến chuyển đổi số ngành logistics.

Đồng thời, Nghị quyết số 163/NQ-CP cũng đã thống nhất việc cần đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả và đem lại giá trị cho cộng đồng kinh doanh ngành này, đòi hỏi quyết tâm cao của các cơ quan hữu quan và đặc biệt là sự hưởng ứng của chính các doanh nghiệp logistics.

Bà Trần Kiều My, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bách Phú cho hay, doanh nghiệp kỳ vọng rất lớn vào chiến lược phát triển hệ sinh thái logistics tại Việt Nam. Thời gian tới đây, doanh nghiệp sẽ đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng logistics tại một số địa điểm cụ thể để phục vụ mục tiêu, tầm nhìn và sứ mệnh của mình; trong đó gồm cả việc thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản trong nước.

Theo một số chủ doanh nghiệp logistics cho biết, muốn thu hút nguồn hàng, trong giai đoạn này họ phải chắt chiu từng đơn hàng. Song song đó, các doanh nghiệp cùng lĩnh vực còn phải thực hiện liên kết ngang (chẳng hạn như thực hiện hàng đổi hàng lẫn nhau) và liên kết dọc (đơn cử như hợp tác chiến lược sâu rộng với các cảng để giảm chi phí).

Thứ hai là liên quan tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3 - 5 năm để giành được thị phần.

Thứ ba là nhóm các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp, gồm: Biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao, khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư.

Dù các yếu tố này đã được kiểm soát và hỗ trợ rất tốt từ phía Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp logistics chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ suy giảm kinh tế, mức sụt giảm lớn về doanh thu làm cho họ nhạy cảm hơn với những yếu tố làm tăng chi phí.

Nhìn một cách tổng quan, để vượt qua thách thức trong thời gian tới, như chia sẻ của nhiều doanh nghiệp logistics, điều mà họ cần là đơn giản hóa quy trình hoạt động để cắt giảm chi phí, mở rộng chuỗi cung ứng và tìm kiếm thị trường mới, nâng cao nhân lực…

Nhất là các doanh nghiệp cần tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số. Tuy nhiên, điều này tương đối khó khăn đối với doanh nghiệp logistics nhỏ ở Việt Nam khi mà họ không có đủ tiềm lực về cả tài chính và con người.

Đội ngũ doanh nghiệp hoạt động trong ngành logistics cũng ngày càng tăng về số lượng và mở rộng hơn về quy mô. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), để phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh của ngành này, trong tương lai cần có cơ chế hỗ trợ hơn nữa giúp các doanh nghiệp logistics gia tăng cạnh tranh trong khu vực và trên thị trường vận chuyển quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vận chuyển ô tô đi Hải Phòng bảng giá xe nâng điện Công ty Cbay Logistics nhập hàng Trung QuốcKhi nào nên sử dụng dịch vụ hỏa tốc tại 247Express