Nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực. Trong đó, cần khoảng 200 nghìn nhân lực có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
Nhu cầu nhân lực rất lớn, trong khi nguồn tuyển sinh và đào tạo từ các trường ở ngành này lại chưa cao. Mùa tuyển sinh năm 2023, nhiều trường đã mở và tuyển sinh ngành logistics và chuỗi cung ứng với chỉ tiêu dao động từ 70 - 200. Con số trên theo nhiều chuyên gia được ví như muối bỏ bể.
TS Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội phát triển nhân lực Logistics Việt Nam, Trưởng khoa Kinh tế biển và Logistics, Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu nhìn nhận, nhu cầu nguồn nhân lực chuyên ngành cảng biển hiện tại và tương lai rất lớn. Nhưng nguồn nhân lực này đang yếu ở cả 3 cấp độ: Cán bộ hoạch định chính sách, quản lý hoạt động và nghiệp vụ cụ thể.
Nhìn chung, nguồn nhân lực hiện tại chưa đáp ứng được các nhu cầu hoạt động và phát triển logistics, đặc biệt thiếu chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai dịch vụ này tại doanh nghiệp.
Với doanh nghiệp, việc tuyển dụng được lao động có kỹ năng, trình độ chuyên môn về cảng biển, logistics gặp nhiều khó khăn và mất thời gian hơn do số lượng ứng cử viên địa phương đáp ứng các yêu cầu đặt ra quá ít. Đi đôi với việc thiếu về số lượng, do hầu hết người lao động chưa được đào tạo chuyên sâu, nên doanh nghiệp khi tuyển dụng phải mất từ 1 - 2 năm để đào tạo lại.
Thiếu hụt nguồn nhân lực nên thời gian qua, các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, chủ yếu chỉ đóng vai trò là nhà cung cấp vệ tinh như cho thuê kho bãi, làm đại lý hải quan, hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi giá trị dịch vụ logistics…
Minh chứng cho vấn đề trên là kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu và tư vấn công nghiệp Việt Nam khi có từ 60% - 80% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng, năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý chỉ ở mức trung bình thấp.
Theo PGS.TS Hồ Thanh Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, nguyên nhân là do chúng ta chưa có chiến lược bài bản mang tầm quốc gia về phát triển kinh tế biển gắn với vận tải biển. Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng này là do các kỹ năng mà lao động được đào tạo trong nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Quá trình đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường lao động; trang thiết bị, cơ sở đào tạo chưa theo kịp sự thay đổi của máy móc, công nghệ hiện nay.
Cơ hội việc làm rộng mở
Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, nhu cầu nhân lực ngành hàng không giai đoạn 2020 – 2025 là 58.000 lao động. Nhu cầu về nhân sự ngày càng tăng do sự phát triển về mạng lưới cảng hàng không và sự gia nhập của các hãng hàng không mới trong nước và quốc tế.
Bên cạnh vận tải hành khách phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch thì vận tải hàng hóa bằng đường hàng không sẽ có xu hướng phát triển, một số tập đoàn lớn tại Việt Nam đang có chiến lược đầu tư vào lĩnh vực này. Vì vậy, sinh viên học các ngành liên quan tới hàng không, chẳng hạn như ngành Kinh tế Vận tải (chuyên ngành Kinh tế Hàng không; chuyên ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng…) sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Theo TS Đinh Gia Huy, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM, Việt Nam là một trong 4 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có tiềm năng phát triển cả cơ sở hạ tầng và hệ thống logistics (chỉ sau Singapore và Thái Lan).
Hiện cả nước có 34 cảng biển, 296 bến cảng được công bố khai thác với tổng chiều dài khoảng 96km, công suất thông qua khoảng 750 triệu tấn/năm. 2 cảng biển loại đặc biệt là cảng Hải Phòng và Bà Rịa – Vũng Tàu, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương duy nhất có 52 dự án cảng, đã đưa vào khai thác 26 dự án, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm.
“Theo khảo sát, số lao động phục vụ cho một cảng biển trên địa bàn tỉnh này dao động từ 200 - 300 người. Nếu 52 dự án cảng đi vào hoạt động, nguồn nhân lực chuyên ngành cảng phải cần khoảng 13.000 lao động. Dù nhu cầu lao động rất lớn, tuy nhiên, nguồn nhân lực cảng biển, logistics làm việc tại cảng Bà Rịa – Vũng Tàu được đào tạo chính quy chỉ khoảng 10%… Đây rõ ràng là cơ hội rất lớn về việc làm cho sinh viên theo học nhóm ngành này trong tương lai”, TS Huy nói.
PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Trưởng bộ môn Logistics và Chuỗi cung ứng của Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TPHCM) cũng đồng tình về cơ hội việc làm lớn cho sinh viên khi theo học ngành logistics bởi ngành này có tốc độ tăng trưởng nhanh (14 - 16%/năm). Tuy nhiên, việc phát triển nhanh chóng các trường, đơn vị đào tạo ngành học logistics cũng tạo ra những thách thức cho người học. Sinh viên phải học làm sao, học như thế nào để có đủ kiến thức, tự tin, đủ khả năng cạnh tranh khi tham gia thị trường lao động…
“Với nhu cầu nhân lực lên tới 200 nghìn nhân lực chất lượng cao, trong khi nguồn cung cấp lao động cho ngành dịch vụ này mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho các doanh nghiệp. Đây rõ ràng là cơ hội nhưng cũng là thách thức lớn cho bài toán nhân lực mà ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (kinh tế biển) phải nhanh chóng khắc phục nếu muốn giá trị khai thác và tỉ trọng các ngành hàng kinh tế gia tăng. Để nhanh chóng có nguồn nhân lực đáp ứng, ngoài chiến lược đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng thì chính sách về phát triển nhóm nhân lực ngành nghề này cũng cần được Nhà nước chú trọng nhiều hơn”. - PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa